“Có rất nhiều mảnh đời bất hạnh, có người không chân, liệt tay hay phải chịu một dị chứng khuyết tật. Cuộc sống đã đánh mất của họ nhiều thứ vì thế bản thân tôi cần phải giúp đỡ, động viên họ vươn lên trong cuộc sống” – bà Lục Thị Lan (57 tuổi) chia sẻ.
Tại số 14 Thiện Ý, Nam Thiên, phường 4, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), hàng ngày bà Lục Thị Lan phải bận rộn với công việc tại Cơ sở heo quay Ba Sành, thế nhưng với tấm lòng nhân ái, bà luôn tranh thủ thời gian rãnh rỗi, đều đặn đến động viên, giúp đỡ người khuyết tật bằng nhiều việc làm ý nghĩa.
Bà Lục Thị Lan ( trái) cùng sản phẩm của người khuyết tật được trưng bày tại mặt bằng bà cho thuê miễn phí. - Ảnh: Kim Đồng
Bà Lan chia sẻ: “ Đối với tôi hạnh phúc là được sưởi ấm những số phận kém may mắn hơn mình, bản thân tôi không mấy giàu sang, nhưng cuộc sống vẫn khá hơn rất nhiều người.
Đặc biệt, đối với người khuyết tật, mỗi lần được tiếp xúc, tôi thấy được giá trị của sự yêu thương đùm bọc, nên tự nhủ phải làm thứ gì đó để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn”.
Không chỉ bây giờ, khi cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, không còn lo nhiều đến cái ăn, cái mặc thì bà Lục Thị Lan mới tìm đến những số phần thiệt thòi, kém may mắn.
Ông Trần Mạnh Thu ( chủ tịch hội Khuyết tật tỉnh Lâm Đồng) xúc động cho biết: “ Đối với cô Lan, bản thân cô sống rất trọng tình nghĩa, hết lòng yêu thương đùm bọc những người kém may mắn, đặc biệt là người khuyết tật trong hội.
Ngày trước khi cuộc sống gia đình còn gặp khó khăn, nhưng cô luôn tranh thủ thời gian đến động viên thăm hỏi và trao những món quà ý nghĩa được chính cô tự tích góp, từ những thùng mì, bao gạo đến quần áo...
Giờ đây, cuộc sống khá giả hơn nhiều, cô dành một căn nhà mặt tiền cho người khuyết tật thuê miễn phí để thành lập cơ sở bán các sản phẩm do chính tay họ làm nên.
Những lần hội có dịp đi xuống thăm hỏi, phát quà cho hội khuyết tật tại các huyện, cô Lan lấy xe tải và chiếc ô tô 7 chỗ của gia đình để phục vụ công tác đưa đón, chở những suất quà...
Không dừng lại ở những việc làm ý nghĩa đó, cô Lan còn trao những suất cơm từ thiện cho các thành viên trong hội mỗi khi hội khuyết tật cần và sẵn sằng làm mọi thứ để giúp đỡ chúng tôi”.
Với những gì bà đang có, mỗi năm bà Lan có thể đi du lịch nước ngoài vài ba lần, hưởng thụ, an nhàn; nhưng bà vẫn tất bật với công việc, và luôn giữ nếp sống giản dị, tiết kiệm để dành vào việc làm từ thiện.
Có khi là những suất học bổng cho trẻ em nghèo, khi là phần quà cho người khuyết tật đón Tết, lúc là hàng chục bao gạo cho đồng bào vùng sâu vùng xa, hội người mù, trẻ em trường thiểu năng, trường khiếm thính, trung tâm bảo trợ xã hội…
Nơi nào cần giúp đỡ là bà Lan đến, sẵn sàng dang tay cứu giúp những mảnh đời bất hạnh dù không quen biết.
Cô Nguyễn Thị Bích Nga (17/9 Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt), bị liệt nửa người năm 13 tuổi xúc động khi nhắc đến bà Lục Thị Lan và nhiều nhà hảo tâm khác: “ Tôi sinh hoạt cùng hội đã nhiều năm, được tiếp xúc với cô Lan, tôi biết rõ cô là một người tốt, biết quan tâm, sẻ chia, đùm bọc những người kém may mắn như chúng tôi.
Không những tự mình đến động viên, cô Lan còn tận tay trao tặng những món quà ý nghĩa mang đến cho chúng tôi sự cổ vũ lớn lao và niềm tin yêu cuộc sống. Sự giúp đỡ trong sáng, tấm lòng nhân hậu của cô đối với chúng tôi trong suốt những năm qua khiến những người khuyết tật rất biết ơn.
Và đặc biệt, tấm lòng nhân ái của cô đã lan tỏa đến bạn bè, người thân để cùng chung tay giúp đỡ chúng tôi”.
Đối với bà Lục Thị Lan, niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là con cái đều đã trưởng thành, có công việc ổn định. Dù bận rộn, nhưng bà Lan vẫn luôn dành thời gian cho người khuyết tật, cho những số phận kém may mắn, với triết lý “ luôn mong có để cho chứ không cần nhận lại”.