Vợ chồng vận động viên khuyết tật 'hái' nhiều huy chương

Chủ Nhật, 19/07/2015 10:01  | Kim Đồng

|

(CATP) Có hai con, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, anh thì liệt một chân, chị phải ngồi xe lăn, nhưng đôi vợ chồng vận động viên (VĐV) khuyết tật Mai Văn Long - Hoàng Thị Hồng Châu (trú tổ Tân Tiến, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà - Lâm Đồng) vẫn mở lòng nhân ái, cưu mang một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Đặc biệt, anh chị còn là VĐV xuất sắc, đoạt hàng trăm huy chương thể thao các loại, được xem là tấm gương điển hình vượt lên số phận.

Số phận bất hạnh

Anh Long (40 tuổi) sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Lạt, trong một gia đình đông anh chị em. Mới 13 tháng tuổi anh đã phải chịu trận sốt bại liệt khiến một chân teo nhỏ dần. Gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng vô vọng. Liệt một chân nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua mặc cảm, đều đặn đến lớp bằng cả quyết tâm và sự kiên trì, tốt nghiệp hết cấp 3.

Chị Hoàng Thị Hồng Châu (43 tuổi) cùng cảnh ngộ: lên 5 tuổi chị bị cơn sốt quái ác hành hạ khiến hai chân teo dần, từ đó chị phải gắn bó với chiếc xe lăn. Hết lớp 7 chị theo nghề may. Cả hai tình cờ gặp nhau trong một chuyến công tác tại Đơn Dương. Lúc đó anh Long đang là nhân viên phục hồi chức năng cộng đồng cho Làng Hòa Bình Đà Lạt, còn chị Châu đang mở hiệu may nhỏ.

Gia đình anh Long - chị Châu - Ảnh: Kim Đồng

Hai anh chị nảy sinh tình cảm và vượt qua rất nhiều khó khăn. Năm 1999, một đám cưới được tổ chức trong sự đùm bọc, thương yêu của hai bên gia đình và sự gièm pha của không ít người “vợ chồng đều bại liệt, cưới nhau lấy gì mà ăn”.

Sau ngày cưới, anh Long về Đơn Dương phụ vợ, rồi cả hai lên Đà Lạt mở hiệu may, đi thuê nhà, cố gắng tự lực. Niềm hạnh phúc đến với anh chị khi 2 cô con gái lần lượt ra đời. Năm 2001, hai vợ chồng theo gia đình vợ chuyển xuống huyện Lâm Hà lập nghiệp.

Đến với thể thao

Nhắc đến cơ duyên với thể thao, anh Long vui vẻ cho biết: “Năm 1993, khi xuống dự lớp tập huấn phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại TPHCM, gần đó có một câu lạc bộ dành cho người khuyết tật. Thấy họ chơi thể thao, tôi cảm thấy rất khâm phục nên xin chơi thử. Sau lần ấy, tôi bắt đầu tập luyện thường xuyên”.

Cũng trong năm này có cuộc đua xe lăn dành cho người khuyết tật được tổ chức tại TPHCM, anh Long đăng ký tham gia và giành giải nhất. Cũng từ đó, tên tuổi của anh được nhiều người biết đến. Năm 1994, anh được vinh dự đại diện cho người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng tham dự giải đua xe lăn toàn quốc và đã giành huy chương vàng.

Mỗi lần tham dự, anh Long đều mang về huy chương đủ loại. Mãi đến năm 2003, anh mới chuyển hẳn sang thi đấu ở 3 môn ném lao, đẩy tạ và ném đĩa dành cho người khuyết tật quốc gia và hầu như không có đối thủ.

Còn vợ anh, chị Châu cho biết: “Năm 2003, khi xuống TPHCM tập luyện để dự giải quốc gia, anh Long dẫn tôi và hai con theo. Trong một buổi tập ném lao, thấy anh Long hăng say luyện tập, tôi cảm thấy hứng thú và xin ném thử. Thấy tôi ném khá tốt, thế là HLV đoàn TPHCM mời gia nhập, cũng từ đó tôi gắn bó với thể thao”.

Hàng trăm huy chương, bằng khen đủ loại của anh chị - Ảnh: Kim Đồng

Chị Châu cho biết thêm: “Sau đó tôi vinh dự được khoác áo đoàn VĐV khuyết tật TPHCM và ngay giải đấu năm ấy đã giành được huy chương”. Hầu như năm nào, khi tham gia thi đấu, chị cũng giành được huy chương đủ loại.

Anh Long tự hào cho biết: “Từ ngày hai vợ chồng tôi thi đấu đến nay có hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng đủ loại. Cũng nhờ thể thao mà gia đình tôi mới được như ngày hôm nay”.

Trong lần tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Paragames tại Hà Nội năm 2003, vợ chồng anh chị đã thi đấu xuất sắc trong màu áo VĐV quốc gia. Anh Long giành được 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng; còn chị Châu cũng giành 2 huy chương vàng.

Nhờ thành tích xuất sắc ấy và xét thấy hoàn cảnh gia đình anh chị khó khăn, UBND huyện Lâm Hà đã cấp 100m2 trong khu quy hoạch để hỗ trợ. Với tiền thưởng gần 200 triệu đồng, anh chị đã cất căn nhà.

Giàu lòng nhân ái

“Có nhà cửa ổn định, nhưng vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh liệt một chân, còn tôi thì liệt cả hai phải ngồi xe lăn trong khi con cái đều đến tuổi ăn học. Trước đây ngoài thu nhập từ nghề may, còn ngăn được 4 phòng trọ cho thuê, giờ ít người thuê lắm nên gia đình chúng tôi chưa biết xoay xở cách nào”, chị Châu tâm sự.

Dù trước mắt muôn vàn khó khăn, anh chị vẫn quyết định nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới lọt lòng. Chị Châu chia sẻ: “Dù biết sẽ phải gặp không ít khó khăn trong việc nuôi thêm một bé nữa, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng”.

Hiện chị không còn chơi thể thao như trước, khi xung quanh bộn bề lo toan; còn anh Long vẫn cố gắng dành thời gian tập luyện để tham dự hội thao sắp tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang