'Chim cánh cụt' dệt nên những kỳ tích ở đời thường

Thứ Bảy, 04/07/2015 10:56  | Nguyên Thi

|

(CAO) Mất đi cả hai cánh tay đến sát nách khi đang còn là một đứa trẻ, nhưng bằng khổ luyệt của bản thân, ông đã biến cằm, vai và đôi chân của mình như hai bàn tay để làm việc như bao người bình thường khác.

Ông xứng đáng là tấm gương vượt lên số phận giữa đời thường. Ông là Hoa Xuân Tứ (SN 1950) trú ở xã Hưng Nhân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Sau gần 50 năm, người thiếu niên ấy giờ đã trở thành ông lão, người ta càng khâm phục hơn về nghị lực vượt khó, cùng tình yêu thương với đứa con tật nguyền vô cùng vĩ đại của người cha này.

Ông Tứ kẹp chiếc xẻng vào giữa vai và cổ để xúc đất san vườn

Tai nạn bất ngờ

Trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Lam, nhiều người vẫn thường nhắc đến ông như một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó để răn dạy con cháu mình. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi là người đàn ông với nước da sạm đen vì nắng, mái tóc đã điểm bạc quá nửa đầu. Và điều dễ nhận thấy là đôi tay cụt đến tận nách.

Nhấp vội chén trà nóng, ông hồi nhớ lại những kĩ ức ngày xưa của tuổi thơ mình. “Lúc đó tôi mới lên 6 tuổi, những bãi bồi ven dòng sông Lam ở quê tôi bạt ngàn bãi mía. Người ta trồng mía để ép mật, làm đường. Cũng như bao đứa trẻ con khác ở quê, lúc rảnh rang, tôi lại đi xem gia đình mình ép mía. Rồi một tai họa khủng khiếp đã xảy ra lúc không có người lớn ở bên cạnh”.

Lúc đó, cậu bé đi theo anh trai xem ép mía, khi không có ai xung quanh, Hoa Xuân Tứ đã tò mò cầm cây mía cho vào máy ép. Guồng máy quay tít, một bàn tay Tứ bị cuốn vào máy ép theo cây mía. Hoảng loạn, cậu bé đưa tay còn lại kéo tay kia ra thì cả 2 cánh tay đều bị cuốn vào máy.

Bị mất đi cánh tay, Tứ phải chịu sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Tuổi thơ của cậu bé lớn lên trong nỗi buồn phiền của chính bản thân và sự dè bỉu của bạn bè. Thế nhưng, nỗi đau không làm cho cậu bé Tứ gục ngã, ngược lại nó còn hun đúc một nghị lực phi thường nơi cậu bé 6 tuổi. Thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Tứ cũng lân la đến trường. Đứng ngoài cửa sổ lớp học, cậu bé len lén quan sát các bạn học hành.

Ông Tứ viết chữ bằng vai và cằm suốt từ khi đi học cho đến nay

“Tôi đến lớp lén xem thầy dạy các bạn học chữ. Về nhà, tôi tập dùng 2 chân để kẹp phấn, kẹp bút viết chữ. Hết dùng chân, tôi lại tập dùng má và vai kẹp bút viết chữ. Một thời gian sau, tôi đã viết được chữ thành thạo như những bạn khác”, ông Tứ nhớ lại.

Thấy Tứ ham học, thầy cô đã tạo điều kiện cho cậu bé vào lớp. Sau những cô gắng không biết mệt mỏi của bản thân khi phải tập kẹp cây bút, cây phấn vào chân, vào vai để viết. Mấy năm liền cậu đều là học sinh tiên tiến. Không chỉ học giỏi, Tứ còn phụ giúp bố mẹ nhiều việc khác như làm việc nhà, chăn trâu bò. Đặc biệt, Tứ có tài bơi lặn rất giỏi.

Với thành tích trong học tập, rèn luyện của mình, Hoa Xuân Tứ được cử tham dự Đại hội “Hai giỏi” toàn tỉnh Nghệ An. Năm 1966, câu chuyện về một cậu bé không có 2 tay nhưng học giỏi, viết chữ đẹp bằng má và vai được cả nước biết đến qua các bài viết của nhà văn Sơn Tùng hay truyện ngắn Hoa Xuân Tứ của nhà văn Quang Huy. “Chim cánh cụt biết bay” còn được nhiều người biết đến qua các câu ca, bài hát.

Năm 1967, Hoa Xuân Tứ là 1 trong 6 thiếu nhi của cả nước được vinh dự tham gia Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. Nhớ lại thời gian ấy, mắt ông ánh lên niềm tự hào: “Năm ấy, tôi được gặp Bác Hồ. Thấy Bác gần gũi, tình cảm với mọi người lắm. Đó cũng là là lần duy nhất tôi được gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm, cho kẹo từng bạn rồi động viên tất cả phải cố gắng học tập”.

Mất đi đôi tay nhưng ông Tứ vẫn có thể làm được nhiều việc khác nhau

Ít ai biết được rằng người đàn ông đó đã có một tuổi thơ khó nhọc và cay đắng, cũng chính ông đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục khi bị cụt tay vẫn học giỏi, nhanh nhẹn, đặc biệt là viết chữ đẹp bằng vai, má và làm được nhiều công việc bình thường khác…

Tình yêu đẹp của đôi vợ chồng tật nguyền

Sau lần được gặp Bác Hồ, Hoa Xuân Tứ về quê rồi tiếp tục học đến lớp 10. Năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi, trong những lần theo gia đình ra thăm một người bà con ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Tứ đã phải lòng một cô gái hơn mình 6 tuổi. Đó là bà Lê Thị Sự (SN 1944), một người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sau lần bị thương do bom đạn Mỹ gây ra khi bà đi dân công, nhà chồng sắp cưới hồi hôn vì nghĩ rằng bà không còn khả năng sinh đẻ.

Hai con người ấy đã vượt qua tất cả sự mặc cảm của bản thân để nên duyên vợ chồng. Năm 1970, một đám cưới đặc biệt được diễn ra trong niềm vui của gia đình hai bên và làng xóm.

Vợ chồng ông Tứ, bà Sự

Bà Lê Thị Sự nhớ lại: “Lúc tôi nói sẽ đến với ông ấy, nhiều người trong gia đình đã hết lời ngăn cản. Ai cùng bảo lấy một người không còn 2 tay thì cả đời sẽ khổ. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm lấy ông ấy. Bởi lẽ, tôi tin vào tình yêu của mình, tin vào nghị lực của Hoa Xuân Tứ”.

Hoa Xuân Tứ không làm phụ lòng người phụ nữ đã đặt trọn niềm tin vào ông để gửi gắm cả cuộc đời bà. Một năm sau khi cưới nhau, ông mua một đám đất trong làng rồi dựng căn nhà nhỏ. Qua thời gian, vợ chồng ông đã có với nhau 5 người con. Hiện 4 người con của họ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Dù cuộc sống thường ngày còn nhiều khó khăn, nhưng ông bà vẫn luôn bảo ban, động viên nhau cùng cố gắng. Dù đến nay hai vợ chồng đã sống với nhau đã hơn 40 năm, nhưng mỗi khi nghĩ về ông Tứ bà Sự vẫn cảm thấy sự trìu mến, yêu thương từ người chồng của mình, và càng khâm phục hơn bởi nghị lực của chồng.

Còn ông Tứ cười giòn tan nói: "Mất đi đôi tay đối với tôi là một thiệt thòi rất lớn, nhưng nhờ trời thương cho tôi người vợ hiện hậu, đảm đang. Không có tay nhưng tôi hàm răng và đôi chân còn khỏe để làm việc, và còn sức khỏe là tôi vẫn làm việc bình thường”.

Nửa đời dùng miệng bón cơm chăm con

Tưởng rằng mất đi đôi tay đã là một thiệt thòi quá lớn đối với ông, nhưng dường như cuộc sống lại một lần nữa thử thách nghị lực của ông Hoa Xuân Tứ khi người con gái thứ 3 của vợ chồng ông là chị Hoa Thị Sen (SN 1978) bị bại liệt phải nằm một chỗ. “Năm 4 tuổi, trong lúc chơi đùa, Sen đã bị bạn ném đá trúng vào đầu nên mới ra nông nỗi như vậy”, ông Tứ buồn bã.

Ông Tứ với đôi tay đã bị mất cụt lủn

Hằng ngày, vợ chồng ông Tứ nén nỗi đau, lặng lẽ làm lụng nuôi con. Trong căn nhà nhỏ, nhìn cảnh người cha già, không tay dùng miệng ngậm thìa bón cơm cho con gái ăn, chúng tôi không cầm được lòng. Với ông Tứ, đây là công việc hằng ngày mà ông đã làm trong suốt hơn 30 năm qua.

Đã 34 tuổi nhưng Sen vẫn nằm nguyên một chỗ, không nói năng được gì. Cuộc sống của cô con gái chỉ gói gọn trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà. Nơi vệ sinh được đặt ngay trên giường bằng việc khoét một lổ thủng, phía dưới là chiếc xô nhỏ. Cô chỉ biết cười mỗi khi ai hỏi chuyện.

Dù mất cả 2 tay nhưng hằng ngày ông Tứ vẫn hì hục chăn bò, đào đất, tần tảo làm việc nuôi người con tật nguyền. Đối với ông còn sức khỏe là còn làm việc, là còn giúp đỡ vợ mọi việc và chăm sóc cho con.

Bình luận (0)

Lên đầu trang