Mẹ già 28 năm dùng miệng bón cơm cho con gái bạo bệnh

Thứ Tư, 24/06/2015 09:05  | Hồng Quang

|

(CAO) Con gái bị bại não từ khi mới sinh, đặt đâu nằm đó nên suốt 28 năm qua, người mẹ già phải dùng chân kẹp đầu rồi dùng miệng mớm cho con ăn.

Người mẹ suốt 28 năm qua tảo tần chăm sóc cô con gái bị bại não do nhiễm chất độc màu da cam được người dân ở thôn 1, xã Ea Ta, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk gọi với cái tên hình tượng “người đàn bà thép” là bà Đặng Thị Thanh (64 tuổi).

Bà Thanh có 5 người con, các con của bà đều đã lớn và lập gia đình ra ở riêng, tất cả đều khó khăn nên đi làm ăn xa. Chồng bà thì đã vui duyên mới với người đàn bà khác ở xứ người. Còn lại mình bà trong căn nhà trống trải hàng ngày lặng lẽ chăm sóc cô con gái tên Nguyễn Thị Chi (28 tuổi) bị tật, đặt đâu nằm đó.

Bà Thanh người nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ, hốc hác, từng nếp nhăn trên mặt như che khuất đôi mắt trong sâu thẳm. Mỗi khi nói về con gái, bà đều nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, rồi nước mắt khẽ rỉ ra lăn trên gò má đen sạm.

Bà cho hay, cô bị bại não do nhiễm chất độc màu da cam, từ bé đã không thể nói cười, nhận thức được như bao đứa trẻ khác, tay chân bị teo tóp co quắp. Ngày ngày bà phải luôn ở bên để chăm sóc con từ việc cho ăn đến vệ sinh thân thể.  

Bà Thanh khó nhọc bón cơm cho con ăn suốt 28 năm qua - Ảnh: Hồng Quang

Người và chân tay Chi co quắp nên mỗi lần cho con ăn, bà Thanh đều phải ngồi trên chiếc giường nhỏ đưa thức ăn vào miệng mình nhai. Khi thức ăn đã nhuyễn, bà lại phải dùng chân kẹp vào hai bên mang tai con để đầu con được ngay thẳng, khi Chi há miệng mới cúi gằm mặt xuống dùng miệng mớm cho con ăn. Mỗi lần cho con ăn phải mất cả tiếng đồng hồ, cơ thể bà vì thế cũng mệt rã rời.

Nhưng với bà, khổ nhất là lúc trái nắng trở trời, Chi đau nhức khắp cơ thể, bà lại thức thâu đêm xoa bóp cho con. Nhiều lần mệt quá bà nằm thiếp đi, khi thấy con động đậy hoặc kêu đau bà mới choàng tỉnh rồi lại tiếp tục đấm bóp cho cô bé.

Bà Thanh và con gái như cây và đất, sống bên nhau mà không thể thiếu nhau. Bà biết, con bệnh bà buồn, chăm con là cực khổ nhưng tình thương bà dành cho con vô bờ bến. Ngược lại, với Chi, một ngày cô cũng không thể sống nếu thiếu mẹ ở bên.

Nhiều lần bà đau ốm, các con ở xa về, hàng xóm sang chăm sóc, vệ sinh, bón cơm cho Chi thay bà nhưng cô bé đều không đồng ý, chỉ chịu mỗi mẹ.  

Mỗi khi nói về con bà đều rớm nước mắt - Ảnh: Hồng Quang

Bà Thanh kể: “Có lần tôi ốm, các anh chị nó ở xa về chăm sóc cho nó ăn cơm nhưng nó nhất quyết không chịu mở miệng để các anh chị nó bón. Không còn cách nào khác, con tôi phải dìu tôi ra để tôi nịnh thì các anh chị nó mới đút cơm cho ăn được. Nhiều lúc còn phải pha trò để cháu cười rồi lợi dụng lúc nó há miệng cười là phải nhanh tay đút cơm cho nó ăn, cứ thế làm miết đến khi nào hết bát cơm mới thôi”.

Do con gái không thể kiểm soát được việc vệ sinh nên bà phải nhờ người đóng cho một chiếc giường nhỏ để Chi nằm ở một góc rồi để chiếc chậu nhỏ ở gầm giường cho cô vệ sinh tại chỗ.

Bà Thanh lo nhất là hiện nay tuổi mình đã cao, lại bị đủ thứ bệnh trong người nên có thể ra đi bất cứ lúc nào sẽ chẳng có ai chăm sóc cho con, bởi ngoài bà không ai có thể bón cơm cho Chi ăn được.

Trong căn nhà nằm khuất lấp sau vườn cao su thăm thẳm ấy hàng ngày chỉ có người mẹ già và cô con gái bạo bệnh sống chung với nhau đối chọi với nghịch cảnh éo le. Ai đến gặp cũng ứa nước mắt…  

Ngôi nhà nơi bà và con gái sinh sống - Ảnh: Hồng Quang

Bà Thái Thị Anh Hòa – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Ta cho biết, hoàn cảnh mẹ con bà Thanh đặc biệt khó khăn. Bà Thanh già yếu, mang trong mình đủ thứ bệnh nhưng hàng ngày vẫn phải lo ăn, chăm sóc cho con gái bạo bệnh.

Theo bà Hòa, mọi chi phí sinh hoạt bà Thanh đều dựa vào tiền trợ cấp của nhà nước. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp ấy không đủ chi phí thuốc thang cho con gái và bản thân bà Thanh.

Mong độc giả gần xa chung tay giúp đỡ gia đình bà Thanh, xin gửi về địa chỉ: Đặng Thị Thanh, thôn 1, xã Ea Ta, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk hoặc xin gửi về tòa soạn Báo Công an TP.HCM ở địa chỉ 110 Nguyễn Du, P.BếnThành, quận 1, TP.HCM.

Hồng Quang

Bình luận (0)

Lên đầu trang