(CATP) Vừa kết thúc năm học, M.A và T.L gọi điện ngay cho ba mẹ báo tin hai chị em được lên lớp. Nghe giọng con hồ hởi, vợ chồng chị Nguyệt mừng rơi nước mắt. Họ vẫn chưa tin cuộc sống cơ cực ngày nào đã đổi thay như được ban phép màu.
Năm năm trước cả gia đình chị Nguyệt phải bỏ xứ Cà Mau lên thành phố để tránh tiếng gièm pha ê chề. Chỉ vì quá nghèo, quanh năm cắm mặt làm thuê, vợ chồng chị đành để hai đứa con gái nhỏ ở nhà tự trông coi nhau. Bi kịch xảy ra khi cả hai bị kẻ xấu xâm hại. Ngày tòa án xét xử, vợ chồng chị chỉ biết cúi mặt khóc vì không biết làm gì để bênh vực con.
Biết tin, phóng viên Báo CATP đã liên hệ luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai cháu. Trong phiên xử phúc thẩm, gia đình họ được bồi thường một khoản tiền nhưng không ai muốn về quê bởi ánh mắt dị nghị của thiên hạ. Đau khổ nhất là hai chị em M.A mắc chứng tự kỷ rất nặng, cứ ngây ngô ngồi một chỗ, mỗi bữa chỉ ăn chén cơm chan nước trắng và muối hột.
Sau khi đọc bài viết trên Báo CATP, cô Hồ Quỳnh Ngọc - người quản lý Chi hội “Nhịp cầu hạnh phúc” ở phường Long Phước, Q9, nơi chuyên nuôi dưỡng, giáo dục tâm lý cho các em nhỏ gặp bất hạnh - đã liên hệ với phóng viên đề nghị được nhận hai chị em M.A về nuôi.
Ba chị em Xuân Phong, Hoàng Nam, Xuân Cần tại tòa soạn Báo CATP
Nói về cuộc sống của chị em M.A - T.L hiện nay, cô Ngọc vui mừng cho biết các cháu hòa nhập tốt, đã biết bảo ban nhau học hành, giúp đỡ bạn bè xung quanh, nghe lời thầy cô... Vui hơn nữa, vợ chồng chị Nguyệt cũng được giới thiệu việc làm ổn định ở thành phố, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng.
Vượt lên nghịch cảnh nhờ những tấm lòng bao dung cũng là trang đời mới của ba chị em Nhữ Xuân Cần, Nhữ Xuân Phong, Nhữ Hoàng Nam. Nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc của họ, dường như tuổi thơ đầy giông bão đã lùi sâu vào quá khứ.
Cô chị cả Nhữ Xuân Cần nâng niu mãi bài viết đăng trên Báo CATP cuối năm 1996. Tờ báo đã ngả màu được cô ép plastic, gìn giữ như bảo bối. Bài báo ấy viết về nỗi đau mồ côi của chị em bé Cần khi người mẹ qua đời vì lao lực và bệnh xuất huyết dạ dày.
Hồi ấy Xuân Cần mới 7 tuổi, em út Hoàng Nam vừa lên 4. Mẹ mất, cha bỏ đi với nhân tình, ông bà ngoại già yếu trở thành chỗ dựa cuối cùng của bọn trẻ. Ở khu kinh tế mới Sông Mây (tỉnh Đồng Nai), cái gọi là gia tài của ông ngoại các bé là cụ Quế vỏn vẹn căn nhà tranh bốn bề trống hoác cùng mảnh vườn có mấy luống mồng tơi và vài bụi sả còi cọc.
Hàng ngày cụ Quế lọm khọm gánh từng thùng nước dưới khe cách nhà vài chục mét để tưới những luống rau cằn, rồi cọc cạch đạp xe 9-10 cây số ra chợ bán lấy vài ngàn nuôi cháu. Gặp phóng viên, cụ chỉ ước “có cái máy bơm để tưới rau, già rồi không gánh được, thiếu nước rau mọc chậm là các cháu đói”.
Nghe cụ Quế nói, phóng viên cảm thấy nao lòng và viết ngay bài báo kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ ba cháu bé mồ côi. Bạn đọc trong nước giúp đã đành, còn có một số anh chị em Việt kiều ở Pháp quyên góp được 570.000 đồng giúp ông cháu cụ Quế.
Xuân Cần nhớ lại: “Một ngàn đồng lúc ấy cũng quý lắm, số tiền bạn đọc gửi đến đã giúp chúng em vượt qua khó khăn kinh tế. Nhưng điều chúng em ghi nhớ suốt đời là lòng nhân ái của mọi người đã giúp những đứa trẻ côi cút lúc ấy thấy ấm áp biết bao”.
Cần lớn nhất vừa đi học vừa đi làm phụ giúp ông bà ngoại nuôi các em. Phong và Nam được chính quyền địa phương gửi vào Trung tâm bảo trợ TP.Biên Hòa, Nam học hết lớp 9 thì gia đình đón về, riêng Phong được trung tâm bảo trợ đến khi thi đậu đại học Thư viện Đồng Nai, tốt nghiệp xong được giữ lại trường giảng dạy.
Cô bé Xuân Phong ngày xưa thường bị bạn bè nhầm là con trai đã lên chức mẹ, Xuân Cần cũng có hai cậu con trai kháu khỉnh. Xuân Phong là giáo viên, hai chị em Xuân Cần, Hoàng Nam đều làm công nhân. Dù cuộc sống mới chỉ tạm đủ ăn đủ mặc nhưng ba chị em bàn nhau mỗi người góp hai triệu đồng vào Quỹ xã hội từ thiện với mong muốn Báo CATP sẽ dùng số tiền này tiếp tục giúp đỡ những số phận khốn khó như các em ngày xưa.
Chị em Nhữ Xuân Cần chỉ là một trong số hàng nghìn “mảnh đời bất hạnh” đã vượt lên số phận bằng hơi ấm của tình người. Hạnh phúc thay, hơi ấm ấy đang tiếp tục lan tỏa cho cuộc đời này tươi sáng hơn!