(CATP) Tiếp tôi vào một chiều cuối tuần, bà Vũ Thị Kim Hòa (ngụ P9, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), người khuyết tật hai chân, kể lại những gian nan trong ngày đầu thành lập Công ty dệt len Trúc Quỳnh của mình.
Bà cho biết đã vươn lên bằng chính đôi tay lành lặn còn lại, làm ra không ít sản phẩm và trở thành giám đốc cơ sở len sợi nổi tiếng khắp thành phố ngàn hoa.
TỪ 200 ngàn đồng khởi nghiệp
Bị liệt hai chân khi mới 3 tuổi, nhưng không vì thế mà việc học hành dang dở, ngược lại bà càng có động lực, cố gắng và quyết tâm hơn. Ngoài thời gian đến lớp, bà Hòa chỉ biết phụ mẹ đan len để kiếm thêm thu nhập. Hết lớp 12, sẵn kinh nghiệm từ nhỏ nên bà đã xem sợi len là niềm đam mê để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Đầu năm 2005, tình cờ gặp nhóm khuyết tật ở địa phương, bà Hòa quyết định nhận năm người về làm chung. Khởi nghiệp từ số vốn vỏn vẹn chỉ 200 ngàn đồng, với kinh nghiệm sẵn có, bà làm được 10 cái áo và đưa ra thị trường với những hoa văn do chính bà thiết kế. Cứ ngỡ sẽ được thị trường đón nhận bởi mẫu mã lạ và đẹp, thế nhưng nhiều người vẫn còn e dè về chất lượng sản phẩm do người khuyết tật làm ra nên chẳng quan tâm.
Bà Vũ Thị Kim Hòa, chủ cơ sở dệt len Trúc Quỳnh
Khó khăn là thế nhưng bà không nản lòng và tự mình mang sản phẩm đi chào hàng khắp các chợ, sạp, khu du lịch... từ Đà Lạt đến Sài Gòn. Sự cố gắng ấy đã được đền đáp khi một cửa hàng ở TPHCM nhận bán những sản phẩm đầu tiên. Từ đó, bà tích cóp từng ít một để rồi hai năm sau thành lập cơ sở riêng trong căn nhà của cha mẹ ở P9, TP.Đà Lạt.
Điểm tựa của những số phận kém may mắn
Những sản phẩm đầu tiên gắn thương hiệu Trúc Quỳnh ra đời. Số nhân công tăng dần lên đến 30 người, tất cả đều khuyết tật. Trong lúc chỉ có hai máy kéo sợi, mọi người phải nhường nhau, người này kéo thì người kia móc bằng tay. Cứ thế, họ dìu nhau vươn lên bằng nghị lực phi thường và quyết tâm sắt đá, khiến những người trong khu vực vô cùng khâm phục.
Ngoài công việc chính ở cơ sở đan len, bà Hòa còn dạy nghề miễn phí cho học viên các cơ sở và phụ nữ dân tộc ở Lạc Dương (Lâm Đồng). Với những đóng góp thiết thực ấy, bà Hòa được nhận nhiều giấy khen của tỉnh Lâm Đồng. Gần đây nhất, bà được chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2014”.
Đến nay, bà Hòa đang làm chủ 7 cơ sở sản xuất dệt len ở Đà Lạt, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hàng chục vệ tinh ở các tỉnh thành. Hiện Trúc Quỳnh có hơn 700 công nhân, với gần 100 người khuyết tật, trong đó 15 trường hợp không có gia đình được hỗ trợ ăn ở tại chỗ. Sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà đã xuất khẩu qua Mỹ, Nhật và một số quốc gia.