(CAO) Dù việc đi lại và giao tiếp gặp nhiều khó khăn do di chứng của bệnh bại não, nhưng với nghị lực và niềm đam mê hội họa , Lê Quang Lĩnh (SN 1985, trú tại phường Trần Phú -thành phố Hà Tĩnh) đã sở hữu nhiều giải thưởng từ những bức tranh do chính tay anh vẽ.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Sinh ra trong một gia đình có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tình cảm, lại là con trai đầu nên anh được mọi người trong gia đình hết mực thương yêu. Thế nhưng số phận nghiệt ngã khi năm 1986 lúc Lĩnh vừa tròn 1 tuổi thì sau một trận ốm, chân tay anh bị co rút lại. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi nhưng anh vẫn không thể lành lặn được như người bình thường.
Thương con trai đầu lòng phải chịu cảnh tật nguyền nên gia đình giành cho anh tình thương nhiều hơn. Hễ có ai mách nơi nào chữa được bệnh là gia đình lại đưa anh đi với nhiều hy vong. Gia đình vừa lo thuốc men cho Lĩnh vừa tạo điều kiện để anh tới trường như các bạn cùng trang lứa. Ngoài ra, cha mẹ còn đưa Lĩnh tới học lớp năng khiếu vẽ ở cung văn hóa tỉnh .
Tuy còn nhỏ, chưa thực sự hiểu hết về nỗi đau của mình nhưng cậu bé Lĩnh vẫn nhận thức được sự khác biệt của bản thân và bạn bè cũng trang lứa. Tới lớp Lĩnh hay bị bạn bè trêu chọc, cậu bé dần sống thu mình lại. Và trong những lúc buồn chán đó, Lĩnh đã tìm đến hội họa để quên đi nỗi buồn.
Lĩnh dạy vẽ cho các em nhỏ tại nhà - Ảnh: Nguyên Thi
''Lúc đó bị bạn bè trêu chọc nhiều tôi buồn lắm, không muốn chơi với ai cả. Lúc đó thì tôi bắt đầu tìm đến hội họa, đó là người bạn đầu tiên của tôi, người bạn vẫn luôn đồng hành cùng tôi suốt bao năm qua''- Lĩnh nhớ lại.
Tới lớp 5, bệnh của Lĩnh nặng hơn, chân tay cong queo, tiếng nói không còn được tròn trịa khiến Lĩnh không thể tiếp tục đến trường. Những ngày đầu cô quạnh giữa 4 bức tường lạnh lẽo, Lĩnh thực sự buồn chán, tuyệt vọng. Thật may mắn, hội họa đã giúp anh thể hiện cảm xúc để quên đi nỗi đau, bệnh tật. Để có thể nắm bắt được những điều cơ bản về hội họa, anh đã chủ động tìm thầy học vẽ.
Con đường đến với hội họa của anh chông gai bởi anh vừa bị hạn chế trong giao tiếp bằng giọng nói, chân tay lại co rút đau đớn. Do di chứng của bệnh tật, tay phải của Lĩnh không sử dụng được, nhưng với bàn tay trái co quắp, Lĩnh vẫn kiên trì tập cầm bút vẽ, điều khiển cây bút dần theo ý mình.
Từ những nét vẽ đầu tiên, niềm đam mê hội họa trong Lĩnh cháy lên mãnh liệt giúp anh tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Quang Lĩnh chia sẻ: “Tôi thường vẽ vào đêm khuya, bởi đó là lúc cảm xúc của tôi được thăng hoa. Thiếu may mắn, nhưng số phận cũng trao cho tôi những cảm xúc đặc biệt để truyền tải vào những bức tranh của mình. Khi không gian tĩnh lặng, tôi thả hồn vào từng nét vẽ, thỏa sức sáng tạo bằng những mảng màu để cho ra những bức tranh gửi gắm nhiều thông điệp”.
Lê Quang Lĩnh bên bức tranh Lễ cầu mùa do anh vẽ - Ảnh: Nguyên Thi
Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, số lượng tranh do Lĩnh vẽ ngày một tăng dần. Đề tài trong tranh của anh chủ yếu vẽ về tuổi thơ với những trò chơi dân gian, đôi khi chỉ là những bức tranh dung thể hiện một ước mơ dung dị, lãng mạn nào đó của anh.
Vẽ vì niềm đam mê
Dù có lúc thời tiết thay đổi khiến chân tay anh đau đớn, nhiều hôm phải nằm liệt một chỗ, nhưng hễ lúc nào tỉnh táo lại, anh lại cầm cây cọ để thỏa niềm đam mê. Trong suy nghĩ của mình chàng trai Lĩnh vẫn không bao giờ lùi bước, không đầu hàng trước số phận.
Nhiều bức tranh do anh vẽ, nhìn vào ít ai nghĩ rằng đó là tranh do một người khuyết tật thực hiện. Từ những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, đến nay anh đã tham gia rất nhiều triển lãm tranh ở các tỉnh,thành như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế... và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện giành cho người khuyết tật như anh để giúp mọi người có thêm nghị lực sống.
Với sự nỗ lực không ngừng, Lê Quang Lĩnh đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cuộc thi “Alaxan – Chiến thắng nỗi đau” tháng 12-2006, tới giờ anh vẫn không thể quên được cảm xúc vui sướng vỡ òa khi biết tin mình đã giành giải Nhất trong cuộc thi này. Bức tranh “Mùa chim làm tổ” của anh gửi tới cuộc thi này đã gửi gắm ước mơ của những đứa trẻ bị chất độc màu da cam, quây quần bên nhau, chia sẻ, động viên để cùng vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Ngoài vẽ tranh, Lĩnh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - Ảnh: Nguyên Thi
Hay bức tranh Lễ cầu mùa được anh chia sẻ: “ Vẽ tranh rất dễ nhưng ý tưởng mới khó, bức này tôi vẽ mất hai tháng trời, nhưng cũng có những bức tôi vẽ chưa tới 30 phút. Vì đam mê mà vẽ chứ tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bán tranh cả'”.
Hỏi về những dự định sắp tới, Lĩnh cho biết: “Tháng 12 tới anh muốn tổ chức một triển lãm tranh mang tên ''Nụ cười'' cho những em nhỏ kém may mắn ở Hà Nội. Cũng là người khiếm khuyết, nên anh luôn mong muốn mang lại cho những đứa bé kém may mắn như mình những nụ cười hồn nhiên mà các em xứng đáng được có”.
Chia tay Lê Quang Lĩnh,nhìn anh cười nụ cười hiền và ánh mắt rạng ngời, chúng tôi thấy toát lên ở con người này nghị lực sống, sự lạc quan và quan trọng hơn đó là niềm đam mê vượt lên nghịch cảnh.