Học thay phần chị gái
Khi nghe thấy tiếng chúng tôi, Thảo vội vàng gấp sách vở lại, ra bàn mời nước. Em kể, năm nay là lần đầu tiên kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia được tổ chức nên cũng hơi hồi hộp và lo lắng. Mặc dù vậy, em vẫn tự học là chủ yếu, không tham gia bất kì lò luyện thi hay lớp học thêm nào.
Hiện Thảo đang là học sinh lớp 12A2 (Trường THPT Gia Định, Q. Bình Thạnh). Suốt 12 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện và luôn đứng trong top 5 của lớp. Tổng kết điểm năm học 12 của em là 9.0, một thành tích đáng mơ ước đối với nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Thạch Thảo cùng các bạn của mình trong ngày lễ bế giảng
Càng đặc biệt hơn khi biết em hiếm có khi nào nghỉ học vì bất cứ lí do gì. Dù ngày nắng hay mưa em vẫn miệt mài đạp xe đi học dù nhà cách trường một quãng đường khá xa.
Thành tích học tập của em đáng nể là vậy nhưng nếu xét hoàn cảnh thì có lẽ nó còn đáng biểu dương hơn nữa. Để có kết quả ấy, Thảo đã phải cố gắng và nỗ lực hết mình như thế nào thì chỉ khi nào đến thăm gia đình em thì mới có thể hiểu hết được.
Theo lời kể của cô Kim Chung (Mẹ em Thảo), Nhà cô sinh được hai người con. Cháu đầu là Trần Thị Bích Đào, năm nay 27 tuổi, mắc bệnh tiểu đường và suy thận bẩm sinh. Lúc phát hiện bệnh, bác sĩ cho biết cháu chỉ sống được trong vòng hai năm.
Không chấp nhận số phận, cô đã tìm mọi cách xoay sở, gõ cửa từng nhà bác sĩ giỏi để cứu sống cháu. Thời gian 26 năm Bích Đào sống chung với bệnh tật, cũng là lúc gia đình kiệt quệ về tài chính. Số tiền nợ ngân hàng và nợ ngoài lên đến hơn 500 triệu đồng. Những tấm ghi nợ ngày càng chất chồng, khiến có thời điểm cô bị suy sụp vì suy nghĩ quá nhiều, cân nặng tụt xuống chỉ còn 30 kg, đau ốm, bệnh tật triền miên.
Nhưng cô cũng hiểu và tâm niệm rằng: “Con cái là do duyên số, cho dù nó có ra sao cũng là con mình dứt ruột sinh ra. Nó vốn đã chịu thiệt thòi từ bé thì lẽ nào là cha mẹ mình lại phụ con mình. Tôi có bệnh tật cũng không lo nhưng nhìn con bé đau đớn vì bị bệnh tật hành hạ mới khiến lòng tôi nhói lên từng cơn”.
Về phần anh Hà do công việc là lính cơ động nên toàn đi về khuya. Có những thời điểm xảy ra nhiều vụ việc gấp cần xử lý, anh phải đi tác chiến cả tuần, cả tháng không về nhà. Mọi công việc chăm lo cho hai đứa con đều đặt hết vào tay cô Chung.
Mỗi ngày cô tất bật với những việc không tên như: chăm con, đi chợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa,... Công việc càng khó khăn hơn khi còn đỏi hỏi phải đúng giờ giấc. Chẳng hạn, lúc 11 giờ trưa và 6 giờ tối là phải cho Đào ăn cơm, không là em bị hạ đường huyết và xỉu. “Nhiều đêm em Đào lên cơn đau, quằn quại, chú đi trực đêm, Thảo thì còn quá nhỏ, cô chỉ biết ôm hai đứa con khóc”, Cô Chung nghẹn ngào kể.
Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ lúc nhỏ, Thảo đã tự giác lo việc học hành. Cứ ăn xong cơm tối là em ngồi vào bàn học không đợi ai nhắc nhở. Những bài tập nào khó, em lại đưa lên lớp hỏi thầy cô và bạn bè.
Cô nữ sinh Trần Thị Thạch Thảo
Ngoài việc học, Thảo còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của trường lớp. Cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Thanh Vân nhận xét, Thảo là học sinh gương mẫu của lớp. Trong 3 năm học, năm nào em cũng là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, ngoan ngoãn và chịu khó.
Mỗi khi lớp tổ chức đi chơi, Thảo không dám đăng kí vì muốn tiết kiệm cho ba mẹ một khoản. Nhìn các bạn trong lớp được ba mẹ cho đi du lịch sau mỗi kì học, ánh mắt em đượm buồn nhưng biết gia đình không có điều kiện nên Thảo không bao giờ vòi vĩnh hay đòi hỏi bất cứ điều gì từ gia đình. Đôi giày em đi, bộ quần áo em mặc trên người đã theo em trong suốt 4-5 năm học, mà chưa một lần thay mới.
Mong muốn đậu Đại học
Chú Hữu Hà kể với giọng tự hào về con gái: “Thảo là đứa chịu khó và ham học. Nhiều đêm chú tỉnh dậy, thấy đèn còn sáng phải nhắc nhở con đi ngủ. Buổi trưa học xong trên trường về, chú lại phải ép cháu tranh thủ ngủ vì sợ Thảo kiệt sức”.
Những lúc không học bài, Thảo phụ giúp mẹ cho chị ăn cơm hoặc em ngồi bên nói chuyện để chị đỡ buồn. Thảo chia sẻ, mong muốn của em lúc này là hoàn thành kì thi sắp tới, đậu Đại học với số điểm cao. “Em muốn học thay phần của chị gái em. Chị em kém may mắn hơn em nhiều. Ngành em đăng kí là ngôn ngữ Anh của trường Đại học Mở TP.HCM. Nếu đậu, em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền học thêm tiếng Anh”, nhắc đến chị gái đôi mắt Thảo lại đỏ hoe.
Nói chuyện với chúng tôi được một lúc, Thảo xin phép đi học bài. Nhìn dáng em gầy gò ngồi bên bàn học, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Kì thi quan trọng đang tới gần, cô nữ sinh cấp ba đang miệt mài chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành được giấc mơ của mình.