(CATP) Trong cuộc sống, người vợ nào cũng mong muốn có chồng bên cạnh, kề vai sát cánh chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái. Nhưng với những người là vợ của các cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng không quân thì gánh nặng gia đình luôn đè nặng lên đôi vai các chị.
Thuận vợ thuận chồng
“Anh hãy yên tâm công tác trên từng chuyến bay, các con ở nhà đã có em chăm sóc”, chị Đặng Thanh Hiền (SN 1981, vợ của phi công Nguyễn Trọng Đa, Trung đoàn Không quân 935) luôn động viên chồng như vậy, để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bay.
Chị Hiền chia sẻ, làm vợ một người lính phi công luôn phải chuẩn bị tư tưởng “vừa làm mẹ, vừa làm cha” của các con. Bởi đặc thù công việc nên không phải lúc nào chồng cũng có mặt ở nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình. Phải thấu hiểu và cảm thông mới giúp chồng an tâm công tác.
Chị Hiền có 2 con, con gái lớn 9 tuổi và con trai nhỏ 2 tuổi. Chị bộc bạch: “Thằng nhóc sức khỏe yếu vì sinh thiếu tháng, nên cứ trái gió trở trời là dễ cảm bệnh. Trước đêm chồng chuẩn bị bay, lỡ con có bệnh cũng không dám nói, sợ chồng ảnh hưởng tâm lý”.
Từ trái qua phải: Chị Hà Thị Thanh Lâm, chị Huỳnh Thị Hoàng Yến, chị Lê Thị Tân, chị Đặng Thanh Hiền). Ảnh: Ngô Đồng
Cũng là vợ một phi công nên chị Lê Thị Tân (SN 1969) thấu hiểu nỗi vất vả mỗi khi chồng vắng nhà. Thế nhưng với chị, những vất vả đó chẳng có nghĩa gì vì “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Vài năm gần đây, chồng chị, anh Nguyễn Viết Lý chuyển sang tổ kĩ thuật, là kĩ sư vô tuyến điện tử.
Là một giáo viên mầm non, chị Huỳnh Thị Hoàng Yến (SN 1983), vợ của chiến sĩ Phạm Văn Luận (tiểu đoàn thông tin radar) không giấu được niềm hãnh diện khi kể về công việc của chồng. Chị khấp khởi chia sẻ: “Mình vốn rất ngưỡng mộ những người lính từ khi còn bé, may mắn chồng mình cũng là một người lính. Hiểu được công việc đặc thù của chồng nên mình luôn cố gắng quán xuyến công việc gia đình”.
Ấm lòng
Hoàn cảnh chị Hà Thị Thanh Lâm, Phó chủ tịch Hội phụ nữ Trung đoàn 935 khá đặc biệt. Là vợ lính, thường xuyên vắng nhà, những vất vả gia đình chị phải gánh hết để chồng yên tâm công tác. Thế nhưng, trời phụ lòng người, chồng chị mang căn bệnh quái ác và vĩnh viễn ra đi hồi tháng 1-2007. Chị Lâm rơm rớm nước mắt mỗi khi ai nhắc đến chồng.
Niềm vui và an ủi của chị bây giờ là công việc. Chị Lâm có hai cô con gái đã lớn. Đứa lớn đã ra trường và có việc làm ổn định, đứa nhỏ đã bước vào đại học năm nhất. Một thân một mình nuôi con gần 10 năm qua, nhưng chị luôn được tập thể đơn vị động viên để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Thượng tá Trần Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 935 cho biết: “Để các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trung đoàn luôn động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình cán bộ chiến sĩ, nhất là gia đình các đồng chí được điều động từ đơn vị khác về nhận nhiệm vụ, gặp những xáo trộn nhất định trong công việc cũng như cuộc sống, đều được quan tâm, giúp đỡ kịp thời để luôn yên tâm công tác.
Đáng trân trọng hơn, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là công ăn việc làm cho vợ CBCS, con cái học hành gần khu tập thể để tiện cho việc đưa đón. Lễ tết, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành đều đến thăm hỏi, động viên, trao quà, nhất là đối với gia đình các CBCS của Trung đoàn đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa... Đó là những tình cảm rất đáng trân quý, động viên tinh thần cho CBCS yên tâm làm tốt nhiệm vụ được giao”.
Sáng 18-5, đại diện Báo Công an TPHCM đã đến thăm gia đình các CBCS Trung đoàn Không quân 935 (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Nhân dịp này, Báo CATP đã trao 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho con em các chiến sĩ, nhằm động viên, hỗ trợ các cháu học tốt hơn.
Ngô Đồng