(CATP) Vươn lên như cây xương rồng giữa cằn khô, đó chính là tấm gương Trần Thị Ngọc Hiếu - người phụ nữ khuyết tật đã thổi sức sống mãnh liệt vào những bức tranh đá quý sống động bằng chính bàn tay dị tật của mình.
Vượt lên nghịch cảnh
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Hiếu là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Cuộc đời tưởng chừng bình yên nếu Hiếu không bị cơn sốt bại liệt hành vào năm lên 4 tuổi. Bắt đầu từ đôi chân liệt rồi di chứng khiến tay phải Hiếu cũng mất cảm giác.
Tuổi thơ của Hiếu là chuỗi ngày chữa bệnh triền miên khắp các tỉnh thành... Tài sản của gia đình cũng lần lượt “đội nón ra đi”, chỉ mong cứu vãn đôi chân để Hiếu có thể bình phục, nhưng vẫn không có chút hy vọng nào!
Thấy con khao khát được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, ba mẹ đành chiều theo nguyện vọng của Hiếu dù sức khỏe không cho phép và việc di chuyển rất khó khăn. Năm 8 tuổi, Hiếu bắt đầu vào lớp 1, dù bị bạn bè thường xuyên trêu ghẹo nhưng cô bé không nản.
Trần Thị Ngọc Hiếu trong buổi trao bức tranh cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Ảnh: Báo CATP
Song việc học của em phải gián đoạn, phần do bệnh tật hành hạ, phần vì thường xuyên phải đi điều trị nên chưa hết lớp 12 Hiếu đã phải nghỉ học giữa chừng. Sau đó, em nhận giữ trẻ tại nhà. Các bé đều ngoan và tăng cân, đứa nào cũng gọi Hiếu bằng mẹ.
Cuối năm 2008 khi biết thông tin từ một người bạn rằng có công ty ở TPHCM nhận dạy nghề làm tranh đá quý cho người khuyết tật, Hiếu tự thuê xe ôm đến xin học nghề, mở ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời em.
Thổi “hồn” vào đá
“Ngày đầu đến công ty, nhìn thấy tôi, ông giám đốc lắc đầu ngao ngán, khuyên khuyết tật nhẹ có thể làm được, chứ nặng quá thì chỉ mất thời gian thôi!”, Hiếu kể.
Một mặt cố gắng thuyết phục giám đốc cho mình cơ hội để thử thách trong vòng một tuần, mặt khác Hiếu tập điều khiển đôi tay tiếp xúc với các dụng cụ làm tranh. Những ngày nghỉ, Hiếu chăm chỉ đến xưởng năn nỉ bảo vệ cho vào luyện thêm và vẫn còn nhớ như in tay trái cầm chiếc máng rắc đá, trong khi lưỡi dao nhỏ trên tay phải rơi xuống đất không biết bao lần.
Với sự nỗ lực không ngừng, một tuần sau Hiếu đã có thể hoàn thành sản phẩm đầu tiên: bức tranh thư pháp chữ “Nhân” và chỉ trong vòng 2 tháng đã hoàn tất bức tranh phong cảnh, chân dung vô cùng sống động.
Làm việc tại công ty được 4 năm, Hiếu xin nghỉ và bắt đầu lập nghiệp từ con số 0. Rất nhiều khó khăn từ việc tìm nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm mà cả tháng trời không có một đơn đặt hàng hay vị khách nào tìm đến... “Tôi chỉ biết cố gắng vì niềm đam mê với nghề nên mới có thể trụ được cho đến hôm nay”, Hiếu kể.
Để hoàn thành một bức tranh đá quý cần rất nhiều loại: đá ruby, saphia, thạch anh... và trải qua không ít công đoạn: giã đá vụn ra sau khi đã lựa và phân màu đậm nhạt rồi rửa, sấy khô, rang, sàng để phân loại kích cỡ. Tranh của Hiếu đều sử dụng các loại đá từ thiên nhiên.
Chân dung của Nick Vujicic do Hiếu chế tác
Vốn là người cẩn thận, Hiếu luôn theo dõi, nghiên cứu đặc tính của từng loại đá để chất lượng bức tranh có độ bền theo thời gian và mang giá trị thẩm mỹ cao. Phải mất hơn một năm, khách hàng mới bắt đầu đón nhận tác phẩm của Hiếu. Giá rẻ hơn nhưng điều quan trọng hơn ở mỗi bức tranh không chỉ là niềm thỏa sức đam mê mà còn là tình yêu, tiếng lòng của người thợ khéo tay gửi gắm vào đó.
Cô trăn trở: “Phải làm sao để khách hàng mua sản phẩm của mình do bị thuyết phục chứ không phải vì sự thương cảm, nên tôi phải cố gắng trau chuốt sản phẩm để mang được giá trị nghệ thuật cao và lưu lại dấu ấn đẹp trong lòng khách”.
Mọi người đều ngỡ ngàng và khâm phục khi nhìn thấy những bức tranh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bức chân dung nhân vật Nick Vujicic... được làm từ đá quý vô cùng sống động do chính tay Hiếu dốc hết tâm huyết vào việc chế tác.
Ngoài ra, Hiếu còn là một trong những người đầu tiên làm ra những bức tranh từ chất liệu vỏ ốc, vỏ sò... Một doanh nhân Anh đã tìm đến cô để đặt sản phẩm dạng này. “Thông qua tranh ốc, tôi có thể mang thông điệp của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, cô chia sẻ.
Trong căn phòng trọ chật hẹp ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Hiếu vẫn miệt mài chế tác tranh đá. Hiện tại, cô còn dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ nhiễm HIV để họ có thể sống được bằng khả năng của mình.