Nữ “vệ sĩ” của khu phố
Chân dung một trinh sát đặc nhiệm
Với người bình thường, tham gia nhiều công tác xã hội đã là việc khó, nhưng với một người đã ngoài bảy mươi tuổi, lại cụt gần hết hai bàn tay do bệnh phong thì đòi hỏi sự cố gắng cao gấp bội.
Thôn Xuân Lập khởi đầu có cái tên “Làng phong”, được hình thành từ trước ngày giải phóng miền Nam (năm 1973), gồm 35 hộ của những người tàn phế do bệnh tật từ Nha Trang và một số nơi về.
Vốn là một làng nghèo nhất trong xã, trong huyện lúc đó. Vì nhiều lý do mà họ bị phân biệt, kỳ thị (là dân ngụ cư, mới ở nơi khác đến; vì nghèo và đặc biệt lúc bấy giờ người cùi, hủi bị xa lánh do sợ lây nhiễm căn bệnh ghê gớm của thế kỷ).
Những người nông dân - bệnh nhân làng phong lao động đã khó khăn, mà sản phẩm làm ra như rau, củ sắn; con lợn, con gà... cũng khó tiêu thụ. Vì thế nghèo lại càng nghèo. Cuộc sống chỉ dần được thay đổi khi các chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai ở vùng thôn quê này.
Năm tháng qua đi, những thế hệ con cháu của bệnh nhân phong ra đời hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, không có sự lây nhiễm, hoặc di truyền từ các bệnh nhân năm xưa. Càng ngày càng có nhiều con em làng phong kết hôn cùng thanh niên bên ngoài, giúp cho làng phong hội nhập hoàn toàn với xã hội.
Ngày nay, kinh tế của người dân đã khá giả hơn, hai bên những con đường làng đã được bê-tông hóa 100%, là những ngôi nhà xây khang trang. Có nhà mua sắm ôtô tải, xe công nông để vận chuyển mía, mì, rau củ. Con cái họ có nhiều em trưởng thành vào đại học, ra kỹ sư...
Đồng chí Phó phòng Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ CA tỉnh Khánh Hòa bắt tay động viên ông Hồng
Nói đến sự phát triển của làng phong hôm nay, mọi người, kể cả chính quyền xã, đều nhắc tới một người là ông Đoàn Hồng. Ông là người tiên phong chiến thắng bệnh tật, hòa nhập cuộc sống.
Là người có mặt ngay từ ngày đầu lập làng, ông cũng chính là người góp nhiều công sức để gắn kết những con người bị khiếm khuyết về sức khỏe, tự ti trong sinh hoạt, trở thành một cộng đồng đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua hoàn cảnh và đến nay còn tiếp tục giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình.
Đi cùng chúng tôi đến thăm làng phong, ông Lê Hồ Kiếm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cam Tân, nói: “Cái quý ở làng phong là tình làng, nghĩa xóm. Từ tăng gia sản xuất, thu hoạch mùa vụ, họ đều làm tập thể, nhà này tương trợ nhà kia ngày công lao động. Đặc biệt những hộ nghèo, neo đơn, thiếu sức lao động được giúp đỡ nhiều hơn. Đến việc tang gia, hiếu hỷ đều có sự chung tay giúp sức”.
Công tác an ninh trật tự ở làng phong nhờ sự tham gia tích cực của ông Hồng, trong vai trò Tổ trưởng An ninh nhân dân, cũng đạt nhiều thành tích. Ông Hồng đã không quản ngày đêm đến nhiều nhà vận động hòa giải. Những mâu thuẫn trong sinh hoạt của xóm làng vì thế ít khi xảy ra xung đột.
Gần đây, các cháu thanh niên đi làm việc, học tập trên thành phố về, ít nhiều cũng du nhập một số biểu hiện thiếu lành mạnh, như: xăm trổ; nhuộm tóc; nhậu nhẹt gây gổ, trộm cắp, liền được ông Hồng tới khuyên nhủ, góp ý. “Phải lấy tình người đi trước thì mọi người mới cảm nhận được sự khuyên nhủ, giúp đỡ là chân thành, nên đều hướng về cái đúng, cái thiện”, ông Hồng tâm sự.
Ông còn vận động các cháu thanh niên hàng đêm tham gia tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, nên thôn xóm rất an ninh trật tự, nhiều năm liền không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Một nét văn hóa rất hay ở làng phong mà ông Hồng cũng có công xây dựng là không có hàng quán bán bia, rượu trong làng. Nhà có đám tiệc cũng chỉ ra bên ngoài mua và sử dụng chừng mực.
Trò chuyện với chúng tôi về công tác xã hội, ông Hồng còn hăng hái lắm. Ông cho biết: “Còn sức thì còn làm công tác xã hội”. Hiện nay, ở tuổi 72, ông còn tham gia Hội đồng làng, Hội chữ thập đỏ, Ban hòa giải, Ban vận động xây dựng làng văn hóa... Riêng với những đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Hồng hai lần được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen.
Tạm biệt ông Đoàn Hồng và người dân làng phong, để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng tốt đẹp về người bệnh nhân già giàu nghị lực, vượt lên số phận, luôn tận tình vì sự bình yên của xóm làng.
Minh Hạnh