(CATP) Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 - 19-5-2015), chúng tôi được giới thiệu về một nhân vật rất đặc biệt.
Đó là người đã lưu giữ kỷ vật của Bác Hồ suốt 55 năm, với những câu chuyện cũng đặc biệt như chính ông...
Trưởng thành từ đời thợ
Ông Lê Minh Đức (nhà ở số 134/1A đường CMT8, quận 3, TPHCM), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Việt Nam kể: “Tôi sinh ra tại xã Mỹ Thuận, H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Hồi nhỏ, tôi sáng dạ, có học bổng nên được lên học trường Kỹ nghệ Sài Gòn. Tốt nghiệp, tôi về làm công nhân tàu cuốc Mỹ Tho, sau khi Nhật cướp chính quyền năm 1945, tôi bỏ tất cả để theo cách mạng...”.
Hồi đó, tổ chức Thanh niên cứu quốc ở quê ông gồm 12 người, có nhiệm vụ huấn luyện quân sự, đào tạo cho 45 anh em du kích trong làng, do ông làm xã đội trưởng. Vì vũ khí quá thiếu thốn nên ông Đức tự mày mò nghiên cứu công nghệ làm súng, bằng cách tháo vũ khí của địch ra vẽ lại. Một số bộ phận cần chế tạo được ngụy trang đưa từ Sài Gòn về. Nhờ vậy mà ông hoàn thành được 4 khẩu tiểu liên đầu tiên để đánh giặc, được tổ chức công nhận.
Tháng 12-1954, đoàn ông Đức gồm 80 công nhân quân giới miền Nam được chọn tập kết ra Bắc. “Thời kỳ đó, ngành đường sắt cực kỳ quan trọng, tôi được tổ chức điều về làm thợ nguội ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội - ông Đức nói tiếp - Đầu máy xe lửa vận hành liên tục nên hỏng hóc nhiều, mỗi ngày phân xưởng phải cung cấp nhiều đầu máy “khỏe” để đảm bảo đúng kế hoạch. Áp lực kinh khủng nhưng phân xưởng cho tôi phụ trách luôn hoàn thành chỉ tiêu. Tôi còn hạnh phúc được trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng 3 đầu máy xe lửa ký hiệu 419 - 420 - 424 thật tốt, để kịp đưa Bác lên thăm nhân dân Lào Cai. Ngày 7-7-1958, tôi đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu Anh hùng Lao động”.
Những kỷ niệm không quên
Dù đã 93 tuổi, mới trải qua một trận đột quỵ, nhưng khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương mặt ông Đức bừng sáng. Ông xúc động nhớ lại: “Năm 1958, tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Hà Nội, tôi ngồi trên đoàn chủ tịch với các đại biểu khác. Khi Bác bước vào cả hội trường mừng rỡ đứng dậy tiếp đón. Bác ân cần hỏi thăm và quay sang tôi: “Chú Đức, Bác có 27 cây bút máy gởi tặng các cô chú anh hùng. Chú cầm lấy và đưa tận tay giúp Bác nhé”.
Cũng như các đại biểu, ông Lê Minh Đức nhận được 1 cây bút Hero rất có giá trị, quà tặng của Bác mà cảm thấy vô cùng sung sướng. Chu đáo hơn, trên thân bút Bác còn cho khắc dòng chữ “Hồ Chí Minh tặng - 1958”. Kể từ đó, ngày nào ông Đức cũng mang theo cây bút bên người vừa để sử dụng vừa để nhớ tới Bác.
Sau này trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, khóa 3 (từ 1960 - 1968) của TP.Hà Nội, ông Đức nhiều lần được gặp gỡ Bác Hồ. Năm 1962, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô German Titốp tại Phủ Chủ tịch, ông Đức khi ấy là Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng vinh dự được Bác gọi dùng cơm.
Ông Đức kể lại: “Tôi ngồi cạnh anh hùng Titốp. Lúc đầu hơi ngơ ngác vì con nhà nông dân chưa từng ăn đồ tây muỗng, nĩa bao giờ cả. Bác ghé nói nhỏ vào tai tôi: “Chú Đức hãy làm theo như Bác nhé”. Tôi thật sự cảm động vì điều đó thể hiện Bác lúc nào cũng quan tâm đến người khác. Dù bận tiếp khách quý, Người vẫn nhìn ra sự lúng túng của tôi mà căn dặn... Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh quay sang nói tiếng Nga với anh hùng Titốp như người thân trong gia đình, tôi ngồi nhìn Bác khâm phục quá”.
Ngày 2-9-1969, Bác Hồ mất, ông Đức may mắn được vào đứng lặng lẽ bên linh cữu Bác hai lần, mỗi lần 10 phút. Nhìn người dân khóc thương, dù đang làm nhiệm vụ phải đứng im như pho tượng, nước mắt ông vẫn tuôn trào. Về nhà, ông nằm cả một ngày để khóc vì thương nhớ Bác.
Quà tặng đã cho tôi niềm tin
Từ khi nhận kỷ vật của Bác Hồ tặng, dù trải qua thời gian dài và phải di chuyển liện tục vào Nam ra Bắc, vừa lo tiếp quản hệ thống đường sắt Sài Gòn và nhanh chóng nối liền đoàn tàu Thống Nhất giữa hai miền, nhưng chưa bao giờ ông Đức rời xa cây bút quý giá. Năm 1981, ông được điều về làm Phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn TPHCM (nay là Liên đoàn Lao động thành phố) và Ủy ban Kiểm tra Đảng Thành ủy TPHCM (năm 1988) cho đến lúc nghỉ hưu. Bất kỳ vị trí công tác nào, ông đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dù đã 5 lần thay ngòi bút vì mòn nhưng toàn bộ cây bút Bác Hồ tặng vẫn được ông bảo quản nguyên vẹn. “Cây bút là kỷ vật vô giá, đã động viên tôi qua bao khó khăn, chông gai của cuộc đời. Mỗi khi cầm bút viết, tôi như thấy có Bác bên cạnh, tiếp sức cho tôi hoàn thành công việc. Nhờ có cây bút ấy, từ một người thợ, tôi phấn đấu trở thành người công bộc mẫn cán của dân, đại biểu Quốc hội 5 khóa liền và làm được nhiều việc trong ngành đường sắt những năm tháng gian khó, ác liệt nhất. Sau 55 năm gìn giữ cây bút, năm 2013 khi tuổi cao sức yếu, tôi quyết định mang tài sản vô giá ấy đến trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, để lưu giữ lại cho đời sau và giới thiệu đến công chúng một kỷ vật thiêng liêng mà Bác dành tặng cho tôi cho đến hôm nay” - ông Lê Minh Đức tâm sự.
Lê Phạm Sơn Hải