(CATP) Nằm ở khu phố 8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Dư trở thành lớp phổ cập tiểu học hơn 10 năm nay. Đây là nơi hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân không có điều kiện đến trường theo học.
Đường đến lớp khá hẹp, chỉ đủ một người qua, nhưng cứ 7 giờ sáng mỗi ngày lại có hàng trăm đứa trẻ đều đặn đến lớp. Điều ít ai biết là 3 lớp học hình thành từ 8 căn phòng trọ - nguồn thu nhập chính của gia đình để dành cho các em phổ cập kiến thức tiểu học.
Tất cả đều được học miễn phí, chia làm 2 ca sáng, chiều, có học bạ, giấy chứng nhận hoàn thành giáo dục tiểu học và được tiếp tục lên cấp hai, như bao học sinh (HS) ở những ngôi trường khang trang khác.
Bà Nguyễn Thị Dự luyện từng nét bút cho các em - Ảnh: Báo CATP
Quê gốc Hưng Yên, chồng mất sớm, một mình bà Dư nuôi năm người con trưởng thành. Năm 1992, bà vào Nam cùng hai người con trai, định cư tại P.Long Bình, được tín nhiệm giao công tác phụ nữ và tổ trưởng dân phố. Từng là giáo viên nên chứng kiến cảnh những đứa trẻ đến tuổi nhưng không được đến trường khiến bà xót xa, trăn trở, ngày đêm suy nghĩ tìm cách để các em được mở mang kiến thức.
Nghĩ là làm, bà quyết định phá bỏ những căn phòng trọ của gia đình cho công nhân thuê, tự bỏ tiền xây thành lớp học rồi mua bàn ghế, sách vở bút viết... và vận động các hộ đưa con em đến lớp. Dạy chữ chưa đủ, bà còn kiêm luôn việc giáo dục đạo đức với ước mong “các em ra xã hội ngoài việc biết đọc, biết viết, phải lễ phép và xa hơn là lo được cho bản thân. Nếu được như thế, xem ra công lao của tôi đã được đền đáp”.
Cũng từ đó, những bữa cơm của gia đình trở nên muộn hơn. Hết giờ lên lớp, khi những HS cuối cùng rời đi cũng là lúc bà lùa vội miếng cơm để tiếp tục ca chiều, sau đó thức soạn giáo án. Không phụ tấm chân tình ấy, 10 năm qua có hơn 500 em được công nhận tốt nghiệp tiểu học và tiếp tục vào các trường cấp hai trên địa bàn tỉnh.
Học sinh đông, giáo viên lại không có, nên bà phải kiêm nhiệm một lúc 2, 3 lớp. Cảm động trước hành động cao đẹp của bà Dư, năm 2012 có 2 tình nguyện viên là cô giáo Trần Thị Nguyên Ly và Phạm Thị Thúy Hương về dạy miễn phí tại đây.
Ông Tống Thanh Đa, Bí thư Đảng ủy P.Long Bình, cho biết địa phương có khoảng 2.300 hộ với 15.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân nhập cư làm công nhân, cuộc sống không ổn định, chẳng có hộ khẩu. Hơn nữa, khu vực này không nằm trong quy hoạch nên rất khó thành lập trường. Vì lẽ đó, lớp phổ cập tiểu học của bà Dư đã giúp phổ cập giáo dục ở địa phương.
Ủy ban nhân dân P.Long Bình đã tặng nhiều giấy khen, để ghi nhận những cống hiến thầm lặng của bà, trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 - 2010 và 2010 - 2015.