Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Hữu Dũng (SN 1957, trú tại thị trấn Núi Thành, Quảng Nam), nguyên quyền đội trưởng Đội trọng án, phòng Cảnh sát hình sự (Công an Quảng Nam- Đà Nẵng), được nghe ông kể về chuyện đánh án về thời quá vãng của mình hết sức li kỳ, rùng rợn.
Trong gần 10 năm “đánh án” của mình, ông trực tiếp tham gia 17 vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng
Cuốc bộ đi "đánh án"
Ông Dũng là “dân” An ninh chống phản động, ra trường vào năm 1981. Duyên nghiệp thế nào không biết, ra trường ông được phân về Đội trọng án (phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quảng Nam- Đà Nẵng).
Là một thanh niên vạm vỡ, sức vóc cường tráng của chàng thanh niên mới ra trường, ông thường xuyên “cuốc bộ” đi đánh án giữa núi rừng hàng tháng trời mà không thấy mỏi mệt, nên hễ có án dân tộc là cấp trên lại điều đi…
Từ phá án một vụ thành công, rồi như thành lệ, đến án dân tộc khác lại lên đường. Thời bấy giờ, mỗi khi lên các vùng biên viễn đều phải đi bộ, có khi đi 5-7 ngày đường mới tới hiện trường gây án, nên việc điều tra cũng gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với những kiến thức tích lũy, am hiểu văn hóa, lối sống, tâm lý của đồng bào nên nhiều vụ có khó đến mấy cũng phá được án thành công…
Có một vụ án mà chuyện tình hết sức éo le, hy hữu vào những năm 1981-1982 mà ông Dũng nhớ mãi.
Đó là vụ về Hồ Ngọc Thanh và cô người yêu đều là người ở xã Trà Giác (huyện Trà My, đều dân tộc Cơ tu).
Thanh có mẹ mà không có cha. Còn cô người yêu của Thanh thì có cha, không còn mẹ. Cả hai cùng học trường nội trú ở thị trấn Trà My. Sau khi quan hệ nhiều lần, người yêu của Thanh có bầu. Khi cả hai về cùng nói bố mẹ để xin được lấy nhau, nào ngờ chuyện trớ trêu đã xảy ra. Mẹ của Thanh lại yêu và sắp lấy bố của cô người yêu Thanh làm chồng. Vì người yêu Thanh lỡ có bầu nên dân làng phải “xử” theo tục lệ. Chính cậu ruột của Thanh đã giết Thanh, còn cô người yêu thanh thì làng bắt làm chòi ở trên rẫy, không cho ai chăm sóc, không cung cấp lương thực, tự sống tự sinh đẻ ở trên rẫy xa giữa núi rừng thâm u hoang lạnh.
Sau khi ông Dũng lên nắm tình hình, biết sự thể. Điều khó nhất không phải là truy tìm thủ phạm mà làm công tác dân vận, để thế nào cho đồng bào hiểu và xóa bỏ hũ tục đó.
Kết hợp với công an xã, vận động già làng cùng đồng bào, cuối cùng kẻ gây án ra thú tội. Đồng thời tích cực ngày đêm vận động đồng bào cho cô gái có bầu được trở lại nhà, sau đó không lâu đã sinh được một cháu trai kháu khỉnh…
Hay như năm 1982, vụ Đặng Đình Thương giết cô Nguyễn Thị Hoa làm ông Dũng nhớ đến từng chi tiết sau gần 35 năm.
Thương trốn nghĩa vụ quân sự, sống lêu lỏng. Cô Hoa thì đi nghĩa vụ về. Hai người yêu nhau nhưng gia đình ngăn cấm nên gia đình Hoa chuyển lên Nam Trà My mở làm máy xay xát, còn Hoa thì đi buôn trái cây.
Sau đó, Thương lấy vợ, có hai đứa con. Thương cũng lên Nam Trà My mở một quán sửa xe đạp. Tình cờ thế nào đó, Thương và Hoa gặp lại nhau. “Tình cũ không rũ cũng tới”, Thương đưa Hoa về quán sửa xe của mình, hai người nhiều lần quan hệ tình dục ở phía sau rẫy. Đêm đó, Thương đưa Hoa ra phía sau quán, quan hệ xong rồi ra tay sát hại Hoa rồi chôn xác ở phía sau gần khe suối. Trước khi đi, y lột lấy đồng hồ, nhẫn, và lấy túi xách của Hoa rồi về quán.
Khi về, nghe đứa cháu nói lại có công an xã đến hỏi Thương (đi kiểm tra hộ khẩu, Thương tưởng biết sự việc) nên ngay tối hôm đó, Thương xuống Đà Nẵng, bán nhẫn nhưng lại là vàng giả nên bán mấy bộ áo quần, được ít tiền đi vào Quy Nhơn.
Khi vào ở khách sạn, Thương cắt vụn Chứng minh nhân dân, và cả túi xách của chị Hoa rồi giục qua mái tôn nhà bên cạnh.
Sáng hôm sau, Thương bán đồng hồ đi vào Vũng Tàu tìm nhà ông chú nhưng không tìm được. Gần cạn tiền, Thương lại nhảy tàu ra lại miền Trung, khi tới Nha Trang lại bị móc túi. Hết sạch tiền, y lại phải về nhà, ngay lập tức các trinh sát ập vào bắt giữ. Sau đó không lâu, Thương bị tòa xử tử hình.
Hay nhụ án giết người dấu xác năm 1982 gây xôn xao dư luận, phá án chỉ từ những chi tiết rất nhỏ.
Nguyễn Hồng Anh (quê Hương An, Quế Sơn) và Lê Tiến Dũng (Quế Thọ, Quế Sơn) cùng đi buôn bán thuốc tây, đồng đen với nhau. Một lần, Anh nghi Dũng bán được cục đồng đen có nhiều tiền mà dấu Anh nên sinh thù tức, giết cho bỏ ghét và để lấy tiền tiêu xài.
Anh lên kế hoạch rồi đưa Dũng vào tròng mà Dũng không hay biết. Anh mời Dũng ra ngã ba Nam Phước ăn mì, ăn bún rồi rũ đi lên Quế Trung chơi.
Trên đường đi, do trời tối nên Anh có nhổ cây sắt ven đường, nói để phòng vệ nên Dũng không nghi ngờ gì. Khi lên đến cầu Khe Đứa (xã Quế Trung) Dũng dắt xe đạp đi trước, Anh đi sau dùng cây sắt đánh vào gáy làm Dũng té xuống.
Ngay sau đó, Anh đâm thanh sắt vào người Dũng cho đến chết. Anh giục thanh sắt xuống suối. Anh tìm cách vứt xác Dũng xuống suối phi tang. Y móc mắt Dũng để khỏi phải nhận diện (nếu lỡ tìm thấy xác) và tìm dây kẽm cột cục đá nặng 16 kg rồi thả xuống suối. Bốn ngày sau, người dân đi đánh cá, phát hiện ra thi thể đưới suối, báo cho công an.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, điều đầu tiên là phải tìm tung tích nạn nhân rồi mới lần tìm hung thủ. Vì mọi thứ đều rất khó nhận diện nên công việc này như mò kim đáy bể.
Bốn tháng trời ròng rã, rồi cuối cùng cũng tìm ra được tung tích nạn nhân từ một chiếc áo sơ mi sửa cắt ngắn tay. Ban đầu, tìm ra được người bạn, có cho Dũng chiếc áo sơ mi (nhưng còn tay dài), từ đó, mới lần ra, nhà vợ Dũng ở Hội An. Sau khi bạn cho cái áo dài tay, về nhà vợ Dũng cắt lại tay ngắn cho dễ mặc.
Xác định được đích xác nạn nhân, từ đây mới lần tìm hung thủ từ các mối quan hệ.
Thấy Nguyễn Hồng Anh là kẻ tình nghi số 1. Đến nhà Anh thì gia đình bảo Anh đi buôn và đi đâu mất mấy tháng nay không về. Sau thời gian ngắn truy tìm, cuối cùng cũng bắt được Anh và y đã thú tội giết và phi tang xác nạn nhân.
Những năm 1985, có vụ hai thanh niên người dân tộc ở xã Bảy (huyện Giằng) giết anh Thành rồi vứt xác xuống khe cũng khiến người dân hoang mang.
Sau điều tra mới biết, anh Thành là giáo viên, nhưng mỗi lần về xuôi thì mua đồng hồ, áo quần, radio lên để đổi cho đồng bào, lấy ít tiền lời để đi lại.
Hai thanh niên ở xã Bảy biết Thành có nhiều tài sản nên ra tay giết để cướp tài sản. Không những thế, chúng còn giục xác anh Thành xuống dưới khe.
Bốn ngày sau, người dân đánh cá vớt được nhưng lên thì chỉ còn bộ xương vì đã bị cá “rĩa” hết da thịt. Vụ này cũng mất nhiều kỳ công để tìm ra tung tích nạn nhân cũng như hai kẻ gây án. Nhưng qua tay ông Dũng thì dù khó đến mấy cũng phải tìm ra kẻ gây án về quy tội.
Những ngày "đánh án" luôn theo sát trong ký ức
Thời điểm trong những năm 1980 đến 1990, ông Dũng trực tiếp thụ lí chính phá 17 vụ, trong đó có nhiều vụ liên quan đến án dân tộc. Phải kể đến những vu như Đỗ Đình Bốn bóp cổ đến chết rồi đổ thuốc sâu vào, giục xuống suối phi tang; vụ Đỗ Hoàng Xê (ở Nông Sơn) giết người; vụ giết bà Lại Thị Sự rồi bỏ vào bao bố vứt dưới cầu Đò Xu (Đà Nẵng), vụ giết hai người dấu vào tủ để cướp vàng ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng)…
Ông Dũng giờ làm bảo vệ ở mỏ đá, cũng ở trên núi rừng như một thời điều tra viên ông từng gắn bó
Bởi thế, trong vụ án giết 18 người ở thôn Vinh (xã Tà Bing, huyện Giằng) năm 1986 (Báo CATP đã có bài bút ký điều tra), đích thân ông Lê Thế Tiệm (lúc đó là Giám đốc Công an Quảng Nam- Đà Nẵng, sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, nay đã nghĩ hưu) điện cử Nguyễn Hữu Dũng thụ lí chính vụ án này.
Do thời điểm đó ông Dũng nghỉ hai phép vì mới cưới vợ xong nên đích thân ông Võ Xuân Mỹ, Phó giám đốc đến nhà để điều động đi làm chuyên án này. Việc phá chuyên án và làm công tác tuyên truyền, vận động kéo dài gần một năm trời đã để lại nhiều tiếng vang trong các chuyên án nổi tiếng của ngành Công an.
Điều hạnh phúc nhất đời ông là trong quá trình làm án ở xã Quế Trung (vụ Nguyễn Hồng Anh giết Lê Tiến Dũng) không chỉ phá được án khó được người dân tán thưởng mà cô gái xinh đẹp ở xã này đã tình nguyện làm vợ của điều tra viên Nguyễn Hữu Dũng.
Điều đáng nói, quá trình đánh án của Nguyễn Hữu Dũng không được dài, chỉ được gần mười năm. Đến năm 1990, tự nhiên ông Dũng bị liệt nửa người mà không hiểu nguyên do.
Tuy đã chạy chữa khắp nơi, bệnh chỉ giảm bớt chứ không lành hẵn nên ông đành chia tay với nghề điều tra mà ông luôn tận tụy với nghề. Ông Dũng nghỉ theo chế độ bệnh binh. Giờ tiền trợ cấp bệnh binh ít ỏi nên phải đi làm bảo vệ ở mỏ đá để kiếm thêm thu nhập đỡ đần gia đình. Giờ phải đi khập khiễng, hễ trở trời là toàn thân tê buốt, đau nhức không chịu được.
Tuy đã xa nghề 25 năm nhưng những ngày đánh án luôn theo sát trong ký ức của ông. Và những chi tiết ngày xưa ấy cứ mãi còn lưu dấu. Việc ông kể lại, để chia sẻ, nhằm góp phần giảm trừ tình trạng tội phạm trọng tội ngày càng gia tăng; đồng thời cung cấp thêm một vài kinh nghiệm để các trinh sát, điều tra viên trẻ hôm nay tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc của mình.