(CAO) Cha vướng vào con đường ma túy với bản án 18 năm,mới bước sang năm thứ 3, mẹ phát bệnh tâm thần nặng, ông bà đều đã khuất núi, 3 đứa trẻ có cha, có mẹ mà như trẻ mồ côi. Ngẫu nhiên gặp gỡ rồi tình thương trỗi dậy, bà đã đùm bọc, nhận nuôi nấng chúng, dẫu chẳng phải máu mủ, ruột rà và bà cũng không cần sự đền ơn…
“Bà tiên” ấy tên là Vương Thị Quế, đội 1, thôn Kim Thanh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngôi nhà được lợp bằng mái cọ, xung quanh là những thanh gỗ thô được ghép chênh vênh vào với nhau, nền nhà đang còn là đất sét và không có cửa đóng ra, đóng vào.
Căn nhà tuềnh toàng đó là nơi ở của người đàn bà 62 tuổi cùng người con trai cả và giờ đây là tổ ấm mới của 3 đứa trẻ đáng thương. Bé Hoàng Thị Phương Dung (SN 2004), hiện đang học lớp 5, trường Tiểu học Võ Liệt; bé Hoàng Thị Phương Ngân (SN 2006), hiện đang học lớp 3, trường Tiểu học Võ Liệt và bé Hoàng Trọng Đức (SN 2013), nay vừa tròn 20 tháng.
Bà Quế cùng các con trong ngôi nhà xập xệ
Chúng tôi đến nhà bà Quế khi mặt trời đã đứng bóng, những người dân trong làng đang hối hả làm nốt công việc đồng để trở về nhà nghỉ ngơi sau một buổi sáng đi làm mệt nhọc. Thấy chúng tôi vào, bà thân thiện cười chào mời. Vừa rót nước, bà vừa kể, chồng bà đã mất vì bệnh ung thư cách đây 10 năm, nhà có 2 đứa, một trai đầu đang ở cùng với bà, một gái thì đã đi lấy chồng và có cháu lên 3 tuổi. Trước, bà không làm ruộng mà đi nấu ăn cho Hạt Giao thông, Nhà hàng…nhưng từ khi nhận nuôi 3 cháu thì bà nghỉ hẳn, về lấy lại ruộng và gieo lạc, cấy lúa và chăn nuôi gà vịt trong vườn.
Bà bảo, chuyện gì cũng có duyên nợ của nó. Giữa bà với 3 đứa trẻ tội nghiệp ấy hình như đã có duyên nợ từ kiếp trước nên bây giờ, dẫu không phải là mẹ ruột của chúng thì bà trở thành mẹ nuôi. “Hồi tháng 9 năm ngoái, tui đi mổ ruột thừa ở bệnh viện dưới Vinh. Sau đó, về nhà nghỉ ngơi để dưỡng bệnh thì gặp được 3 đứa. Khi nớ nhìn 3 đứa như 3 con mèo, nhìn không ra người. Tui về “đổ” cật lực gần 20 ngày mới ra “hình người”. Lúc ấy, tui mới dám đưa chúng ra Ủy ban để làm giấy tờ và xin nhận nuôi”, bà tâm sự.
Câu chuyện bị ngắt quãng vì đã đến giờ ăn cơm trưa để chiều Dung và Ngân còn kịp giờ đi học. Mâm cơm được Dung bê lên, bà Quế xởi lởi “giới thiệu” món ăn: “Cô ăn cơm cùng gia đình tui cho vui. Không có món chi ngon mời cô cả. Trứng vịt rán, rau sam và rau dền luộc, nước canh bỏ nước mỡ trong gói mỳ tôm, lạc rang và cá nục kho. Trừ cá phải đi mua, còn lại, tất cả đều của nhà làm ra, kể cả gạo”.
Bà Quế đang đút cơm cho con
Trước khi cầm đũa, Dung và Ngân mời bà rồi mới chú Tình và sau đó mời chúng tôi rồi mới ăn. Hết bát cơm, Ngân đang định với lên để xới thêm cơm nhưng được chú Tình ngăn lại: “Đưa đây chú xới cho. Xa quá không xới được thì bảo chú xới, nếu hôm khác để xa tầm với quá thì cũng cố à?” Dung tỏ ra người lớn khi gắp bỏ bát cho tôi lạc rang rồi em kể: “Trước đây, khi cha đi tù, mẹ phát bệnh nặng, em Đức còn chưa đầy tuổi nên con và Ngân toàn phải nghỉ học để ở nhà bồng em và nấu cơm. Đến khi mẹ đi luôn không về thì 3 chị em con bữa có bữa không, đói nhưng không biết kêu ai. Nay, ở với bà, chúng con được ăn uống đầy đủ, được bà chăm sóc, tận tình chỉ bảo những công việc nhà. Chúng con không những được tiếp tục đến trường đi học, quần áo cũ thì có bà, có Dì (con gái bà Quế) mua cho đồ mới thay thế. Con yêu bà và bà mãi là bà của chúng con”.
Bà Quế vừa đút cơm cho bé Đức, vừa không ngớt kể chuyện: “Hai chị Dung và Ngân lớn rồi nên gọi bằng bà, còn thằng Đức đang nhỏ, nó cứ một tiếng, hai tiếng gọi là “bẹ” (mẹ - PV). Thằng Đức bữa nay một bữa ăn được gần 1 tô cơm, cô ạ! Nó ngoan lắm, không bao giờ lười ăn đâu; Con Ngân và Dung cũng chăm học lắm, sáng nó cũng theo bà dậy sớm, chong đèn ngồi học, rồi tự rang cơm ăn, quét dọn nhà cửa rồi mới đi học; Bữa ăn nào bà cháu cũng ngồi lâu vì cái Ngân và cái Dung cứ tranh nhau kể chuyện trên trường, trong lớp… Bọn trẻ bây giờ lớn nhanh lắm, tuổi của nó giờ cũng khác ngày xưa nên mình cũng phải thay đổi cách nghĩ để hiểu và tâm lý cho bọn nó hơn…”
Bữa cơm sẽ lại kéo dài lâu hơn nếu tiếng ậm ự nhắc khéo của Tình dành cho mẹ “ngừng kể” để cho khách ăn. Ăn xong, bát đũa được Dung bưng xuống giếng rửa và nồi cơm điện, lau chùi bàn thì được Ngân làm rất thành thạo mà không cần bà Quế sai bảo câu gì. Trong vòng tay của “mẹ” Quế, bé Đức đã ngủ ngon lành sau vài tiếng “ầu ơ” nhẹ nhàng của “mẹ”. Dung và Ngân cũng đã làm xong công việc và đã đi đến trường học.
Sau khi bé Đức lên giường ngủ và hai chị cũng đã đi học, bà Quế “rủ” tôi qua nhà cha mẹ “bọn trẻ” hái rau về ăn. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Quế giải thích: “Dù cha mẹ bọn trẻ không còn ở nhà, người thân thì ở xa nhưng tôi ngày nào cũng đều qua nhà, bơm nước, bật điện và xung quanh vườn thì đều cuốc, xới để làm rau. Cứ mỗi chiều, tôi cùng với lũ trẻ đều qua nhà quét dọn, thu xếp đồ đạc rồi bà cháu hái rau mang về nhà ăn”. Theo bà Quế, làm như vậy để căn nhà bớt hiu quạnh và dẫn lũ trẻ thường xuyên về nhà cho chúng đỡ nhớ cha mẹ ruột. Những ngày giỗ ông bà nội của “bọn trẻ”, bà cũng làm mâm cơm tươm tất nhất để cúng, như làm cho người thân, ruột thịt của mình vậy.
Khi tôi thắc mắc, hiện tại nhà còn tạm bợ, bà còn đứa con trai đầu đến tuổi lấy vợ, cơm rau hàng ngày đều phải tính toán, liệu có nuôi được 3 đứa đến lâu dài hay không? Bà Quế cười: “Hiện tại, nhà cửa cũng chưa ổn định chi, trời nắng thì không vấn đề nhưng sợ trời mưa bão mà thôi. Cũng mong muốn xây được ngôi nhà nhưng góp mãi cũng không đủ. Còn ăn uống, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, bà cháu đùm bọc nhau để vượt qua. Nuôi con gà, con vịt, tự trồng rau rồi cấy lúa ngoài đồng, không thiên tai, bão lụt thì chắt chiu, dành dụm, bà cháu cũng sẽ có cái ăn, cái mặc”. Bà khẳng định rằng, từ khi đưa bọn trẻ về nuôi là đã xác định, dù khó khăn đến đâu bà vẫn cho 3 đứa đi học, vẫn cưu mang chúng như con cháu trong nhà. Những tiếng gọi mẹ đang bập bẹ những tiếng đời của Đức đã làm bà Quế nhiều lúc phải ôm Đức vào lòng khóc nức nở vì hạnh phúc, vì bà lại được làm mẹ có “con mọn” trong nhà.
Gió Lào thổi phần phật, thời tiết nắng nóng, oi bức với nhiệt độ gần 40 độ C, trong ngôi nhà với những tấm gỗ tạm bợ bao bọc xung quanh với nền nhà bằng đất với tiếng quạt điện chạy ro ro cùng tiếng thở đều đều của bé Đức lại cho chúng tôi cảm giác mát mẻ hơn hẳn.