Tranh bướm xứ B’Lao hút khách Tây

Thứ Tư, 23/09/2015 09:52  | Kim Đồng

|

(CAO)- Xuất phát từ niềm đam mê loài bướm, cô gái khuyết tật Vũ Thị Nguyệt Ánh quyết định nuôi bướm, làm tranh và hiện đang sở hữu hàng ngàn bức tranh nghệ thuật làm bằng bướm khô thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Chúng tôi tìm đến cơ sở tranh bướm Ánh Kim ( số 828/2 Trần Phú, Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc-Lâm Đồng). Mục sở thị mới biết, ở đây có hàng ngàn bức tranh bướm được trưng bày với nhiều màu sắc, rất độc đáo thu hút hàng chục lượt khách/ngày trong và ngoài nước đến thăm quan. Chủ nhân của những tác phẩm tranh bướm nghệ thuật này là chị Vũ Thị Nguyệt Ánh.

Nhọc nhằn nuôi bướm

Sinh ra và lớn lên tại Bảo Lộc (tên cũ: B'Lao), năm lên 5 tuổi, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh phải chịu nỗi đau bất hạnh khi trong một lần bị cơn sốt ác tính hành đã khiến chị bị khuyết tật một chân.

Từ nhỏ, vốn sống ở vùng đất là thủ phủ của dâu tằm, chị Ánh sớm tiếp xúc với con tằm, một loài có họ hàng gần gũi với loài bướm nên rất yêu quý loài này. Lớn lên chi Ánh vun đắp ước mơ nuôi bướm làm tranh và bàn tay kỳ diệu của cô gái khuyết tật đã nối tiếp vòng đời cho chúng, đưa hàng ngàn con bướm vào tranh thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Những cánh bướm đã làm thay đổi cuộc đời của chị.

Du khách nước ngoài ngắm các bức tranh bướm ở cơ sở Ánh Kim - Ảnh: Kim Đồng

Để có được những bức tranh làm từ hàng ngàn con bướm, chị Ánh đã phải trải qua quá trình nuôi bướm, chăm sóc rất kỳ công. Chị tâm sự :“ sau khi đã tích lũy được chút vốn liếng và kiến thức về loài bướm, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ nuôi bướm làm tranh.

Đầu tiên, tôi dành thời gian tìm hiểu và sưu tầm các giống bướm từ nhiều vùng miền, đặc biệt là giống bướm ở khu vực nam Tây Nguyên rồi mới làm trại nuôi bướm”.

Cũng theo chị, thế giới bướm rất đa dạng và muôn màu, có bướm ngày và bướm đêm mỗi loài một màu sắc rực rỡ khác nhau. Để những bức tranh sống động, chị Ánh phải sưu tầm đủ loài đem về nuôi.

Quá trình nuôi và chăm sóc bướm không hề dễ dàng. Ngoài việc nắm bắt kỹ thuật, người nuôi bướm đòi hỏi phải có niềm đam mê và sự kiên nhẫn. Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh chia sẻ: “ để nắm rõ về từng loài bướm, nhiều lúc tôi phải ăn ngủ luôn tại trại nuôi bướm để theo dõi từng li từng tí những biến đổi của chúng. Sau đó tôi cho bướm phối giống, tùy theo giống bướm mà cho bướm mẹ đẻ trứng trên những loại lá cây khác nhau để sâu non nở ra có thức ăn phù hợp”.  

Các bức tranh bướm của chị Ánh - Ảnh: Kim Đồng

Đặc biệt, đối với bướm, nguồn thức ăn rất quan trọng ,nó quyết định đến sự phát triển và màu sắc của bướm. Bởi vậy, đòi hỏi bản thân người nuôi bướm phải biết cách chọn thức ăn phù hợp cho bướm thì mới có bộ sưu tập bướm phong phú về màu sắc”. – Chị Ánh cho biết thêm.

Vào thời điểm bướm phá kén chui ra ngoài, người nuôi bướm phải rất kỳ công, túc trực đợi bướm đủ độ cứng và phát màu sắc rực rỡ nhất thì dùng thuốc chích cho bướm chết và dùng hóa chất xử lý để bảo quản được lâu.

Mỗi giống bướm có thời gian bướm phá kén chui ra khác nhau, có con vài chục phút đến vài giờ và thậm chí còn lâu hơn nữa. Nếu không canh chừng thì bướm trưởng thành sẽ bay mất.

Độc đáo hàng ngàn tranh bướm

Vào thăm cơ sở tranh bướm Ánh Kim của chị Ánh, nơi nuôi hàng ngàn con bướm và bức tranh nghệ thuật làm bằng bướm mới hiểu sự thành công của người thợ thủ công tranh bướm không đơn giản chút nào.

Từ việc nuôi bướm đến quá trình đưa hàng ngàn con bướm vào những bức tranh để có được tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải rất công phu, có ý tưởng sáng tạo.

Mỗi bức tranh bướm nghệ thuật đòi hỏi phải cần một khoảng thời gian lâu dài. Chị Ánh cho biết: “ tranh làm từ thân con bướm thì làm rất nhanh, nhưng những bức tranh làm từ cánh bướm đòi hỏi phải rất kỳ công và làm rất lâu. Những bức tranh thông thường chỉ tốn vài chục phút hoặc vài giờ đồng hồ với giá bình quân từ vài trăm đến một triệu đồng. Còn những bức tranh mất khoảng 1- 2tháng/bức, giá trị mỗi bức trên chục triệu. 

Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh- chủ cơ sở tranh bướm Ánh Kim - Ảnh: Kim Đồng

Ngắm những bức tranh do chị Ánh và người thợ thủ công làm tại cơ sở Ánh Kim được lồng khung kính, có tên khoa học từng chủng loại khác nhau, với đủ đề tài, loại tranh muôn màu… chúng tôi như lạc vào mê cung của thế giới tranh bướm.

Cầm trên tay bức tranh có giá trị nhất, chị Ánh cho biết: “ Đây là bức tranh phố cổ Hà Nội được làm từ hàng ngàn cách bướm, rất nhiều người đặt mua có giá hơn chục triệu đồng”.

Cũng nhờ những con bướm, đôi bàn tay kỳ diệu của của cô gái khuyết tật Vũ Thị Nguyệt Ánh. Sau hơn 15 năm thành lập, giờ đây cơ sở tranh bướm của cô gái khuyết tật Vũ Thị Nguyệt Ánh đã trở thành một kho tàng của bướm, không chỉ là thú chơi mà còn phục vụ cho những ai yêu thích khoa học khám phá về thế giới tự nhiên sống động của loài bướm.

Không dừng lại ở đó, những tác phẩm tranh bướm của cơ sở đã trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham quan.

Clip Thưởng ngoạn tranh bướm ở cơ sở Ánh Kim : 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang