Đôi vợ chồng chỉ có 4 tay, không chân để đi làm nên điều kì diệu

Thứ Bảy, 05/09/2015 08:40  | Kim Đồng

|

(CAO) Đôi vợ cộng lại chỉ được 4 tay, không chân để đi; nhưng họ đạt được thành công từ chính đôi tay của mình, không phải phù thuộc vào ai.

Nhắc đến đôi vợ chồng khuyết tật anh K’ Hoàng (hiện là chủ tịch hội người khuyết tật huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) và chị Nguyễn Thị Ánh ai cũng biết. Anh bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn, chị cũng cùng cảnh ngộ nhưng với nghị lực vươn lên số phận tật nguyện hai anh chị đã trở thành chủ Cơ sở nước tinh khiết nổi tiếng tạo việc làm cho rất nhiều người khuyết tật.

Chúng tôi tìm đến Cơ sở nước tinh khiết Sake tại thôn 1, xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Điều ngạc nhiên, chủ cơ sở này là đôi vợ chồng “chỉ có 4 tay”.

Anh K’ Hoàng hạnh phúc bên vợ và các con

Đôi vợ chồng “chỉ có 4 tay”

Nhẹ nhàng nâng tấm thân từ chiếc xe lăn, anh K’ Hoàng ngồi xuống ghế, rót vừa đầy ly trà và bắt đầu kể về cuộc sống đầy gian khổ của một “kẻ” bại liệt đôi chân.

Được sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, cha từng là trưởng ban dân tộc miền núi tỉnh Lâm Đồng, mẹ làm thợ may nên gia đình khá hơn so với những đứa trẻ khác.

Thế nhưng, năm lên 5 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của anh, từ đó đến giờ đã hơn 35 năm, cuộc sống của K’ Hoàng phải gắn bó với chiếc xe lăn. Dù vậy, suốt 18 năm liền, anh K’ Hoàng đã được những người thân trong gia đình đèo, cõng đến trường và mãi cho đến khi thi đậu 2 trường đại học: Đại học Bách Khoa, Đại học Tây Nguyên thì anh mới nghỉ học.

Anh K’ Hoàng nói: “Từ nhỏ, tôi đã có ước mơ trở thành bác sỹ, bởi lẽ, tôi muốn tự mình lấy lại đôi chân lành lặn. Thế nhưng, khi thi đậu vào 2 trường đại học thì cha mẹ ngăn không cho đi học vì sợ tôi ở một mình với đôi chân bại liệt sẽ không ai chăm sóc khi ốm đau, bệnh tật”.

Với nghị lực vượt qua số phận tật nguyền, anh K’ Hoàng từng là vận động viên cử tạ của tỉnh Lâm Đồng. Năm 2001 anh tham gia hội thao dành cho người khuyết tật toàn quốc và đạt 2 huy chương vàng, 3 huy chương đồng. Năm 2003, tham gia kỳ Sea Game do Việt Nam đăng cai tổ chức, anh K’ Hoàng vinh dự nhận được huy chương vàng.

Anh K’ Hoàng là tấm gương điển hình

Chị Nguyễn Thị Ánh thì lại khác, sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh em, chị là con út. Khi mới sinh ra chị đã bị tật nguyền, hai đôi chân cong vẹo, teo nhỏ, dị thường.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ai đưa đón nên chỉ học tới lớp 9. Mặc dù bị tật nguyền nhưng chị Ánh sớm ý thức được cuộc sống. Mỗi ngày chị nổ lực tập đi với đôi chân dị thường của mình để mai này vun đắp ước mơ được làm chủ một xưởng may quần áo, đồ lưu niệm… dạy nghề cho người nghèo, mồ côi và khuyết tật.

Thế nên, năm 18 tuổi chị dành dụm được hơn 200.000 đồng, xin mẹ lên tận Đà Lạt kiếm việc. Chị Ánh chia sẻ: “Dù không có đôi chân lành lặn như người khác, tôi vẫn còn đôi tay, tôi có thể học may, tập đan len… tôi tin sẽ có một công việc nào đó phù hợp với mình”.

Với quyết tâm kiếm được một công việc cho mình để đỡ gánh nặng cho gia đình, chị đã dùng đôi chân dị thường đi khắp các khu phố ở Đà Lạt và rồi ông trời đã không phụ lòng, chị Ánh được bà chủ một xưởng may, đan cho ở lại học nghề.

Đối với anh K’ Hoàng và chị Nguyễn Thị Ánh có lẽ, nếu không có cái duyên số, sự đồng cảm, sẻ chia với số phận thì họ đã không đến với nhau, có thể nói “ông tơ bà nguyệt” đã xiết chặt họ. Dù vẫn còn dăm ba tiếng vào ra ác ý về việc “thằng bại liệt lấy con dị tật” thì “lấy cái gì mà ăn”, nhưng anh chị vẫn tổ chức lễ cưới vào năm 2010. Sau khi cưới nhau, chị Nguyễn Thị Ánh làm thợ may, còn anh K’ Hoàng sữa chữa điện tử. Quyết tâm vượt lên số phận, anh chị cố gắng dành dụm, vay mượn tiền đầu tư làm ăn.

Anh K’ Hoàng nói : “Tôi với vợ cộng lại chỉ được 4 tay, không chân để đi, nhưng ước muốn của chúng tôi đạt được thành công từ chính đôi tay của mình, không phải phù thuộc vào ai”.

Ông chủ khuyết tật giàu lòng nhân ái

Giờ đây, anh K’ Hoàng luôn bận bịu với công việc, anh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Người khuyết tật huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), không còn làm điện tử, thay vào đó, anh chuyên cung cấp nước tinh khiết cho hơn 7 xã, thị trấn trong huyện Đạ Tẻh.

Còn chị Ánh sau khi đi học từ chương trình của Tây Ban Nha dạy nghề cho hội người khuyết tật ở Đà Lạt, chị đã mạnh dạn mở xưởng may gia công, chuyên may đồ cho trẻ em, đồ lưu niệm như gối, đệm… Điều đặc biệt, ngoài xưởng may, đôi vợ chồng “chỉ có 4 tay” đang từng ngày khẳng định thương hiệu nước tinh khiết Sake của mình.

Anh K’Hoàng - chủ Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake cho biết: “Khi mới thành lập, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để mua trang thiết bị máy móc. Muốn đi vay ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, mượn bạn bè thì người ta cũng ngại vì bản thân tật nguyền như thế này biết có trả nổi tiền cho họ không…” .

Anh K’ Hoàng là tấm gương sáng

Sẵn có ý tưởng trong đầu, với quyết tâm làm bằng được, anh K’ Hoàng thuyết phục anh em trong gia đình mình vay tiền để anh thực hiện mơ ước.

“Được người thân tin cậy giúp đỡ với số tiền gần 300 triệu đồng, tôi mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nước tinh khiết như: bình chứa, hệ thống xử lý nước, bệ lọc, bình lọc,… và một số trang thiết bị cần thiết”, anh K’ Hoàng cho biết thêm.

Bước đầu khi cơ sở đi vào hoạt động, ngoài trang thiết bị thiết yếu, cơ sở đòi hỏi phải có nhân viên để làm việc. Bản thân đã “không bình thường” lẽ ra anh K’ Hoàng phải kiếm người làm lành lặn để đảm nhiệm công việc, thế nhưng ngược lại ông chủ này lại khiến cho mọi người hết sức bất ngờ, tất cả nhân viên trong cơ sở điều là người khuyết tật.

Anh K’ Hoàng chia sẻ: “Tôi thành lập cơ sở nước tinh khiết Sake chủ yếu để tạo việc làm cho người nghèo, mồ côi, khuyết tật trong huyện để họ có thể tự tay mình kiếm tiền, đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đặc biệt giúp họ có được ý chí, nghị lực vươn lên số phận tật nguyền để sống có ích cho xã hội”.

Khẳng định thương hiệu nước tinh khiết Sake

Lúc đầu cơ sở chỉ cung cấp khoảng 20 bình/ngày. Để khắc phục những khó khăn, anh K’ Hoàng đã lắp đặt ròng rọc giúp người khuyết tật dễ dàng nâng lên và vận chuyển bình nước, tiết kiệm được thời gian làm việc.

Để đảm bảo chất lượng và thị trường, anh Hoàng và những công nhân của cơ sở này khắc phục bằng cách khử trùng thật kỹ, súc bình sạch sau đó cho người tiêu dùng lấy sản phẩm dùng thử, đồng thời phục vụ khách hàng chu đáo.

Sau một thời gian, dần dần nước tinh khiết của cơ sở Sake đã lấy được lòng tin của rất nhiều người ở địa phương. Sự cố gắng của anh và nhân viên đã dần có kết quả. Sản phẩm nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu Sake, với giá mỗi bình nước 8.000 đồng, đã có mặt tại các cơ quan nhà nước, tiệm tạp hóa, nhà hàng… tại 7 xã và thị trấn của huyện Đạ Tẻh.

Hiện nay, cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake có 20 thành viên là người khuyết tật trên địa bàn huyện trực tiếp lấy nước lọc bán lại cho người dân địa phương để có thêm thu nhập. Giúp nhiều người khuyết tật làm việc tại cơ sở tự kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Đối với anh K’ Hoàng và chị Ánh ước mơ nhỏ nhoi của họ là có được cơ nghiệp ổn định tạo công an việc làm cho những người nghèo, mồ côi, khuyết tật. Hiện anh chị đang sống hạnh phúc với 3 đứa con, con trai lớn học lớp 8, đứa nào cũng khỏe mạnh và lành lặn là niềm hành phúc lớn nhất đối với anh chị.

Nhắc đến anh K’ Hoàng, anh Đỗ Quốc Sơn, người dân gần nhà cho biết : “Anh K’ Hoàng là tấm gương sáng mà bà con tại đây noi theo”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang