Đà Nẵng:

Ngư dân làm giàu trên vùng biển Hoàng Sa

Thứ Năm, 11/06/2015 17:28  | Xuân Hoài

|

(CAO) Mỗi chuyến biển, tàu ông Chơi chuẩn bị lương thực thực phẩm, thiết bị, lưới, câu… trên 500 triệu đồng, trừ tiền chi phí thì, trung bình mỗi chuyến lãi 500-800 triệu đồng là “chuyện thường” trên vùng biển Hoàng Sa.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có TP. Đà Nẵng, ngư dân đã được hưởng nhiểu chính sách, cơ chế hỗ trợ ngư dân bám biển đã tạo điều kiện cho người dân ngày càng có cuộc sống ổn định hơn đồng thời yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân an tâm bám biển

Với Đà Nẵng, còn có một số đặc thù khác nữa nên ngư dân ở thành phố biển này luôn phấn khởi, có thêm nhiều động lực…

Sự đồng tâm hiệp lực ở khơi xa tạo thêm sự đoàn kết cho ngư dân bám biển

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quang Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có tổng số 1.194 tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản, trong đó tàu trên 90 CV là 308 chiếc, trên 400CV là 185 chiếc.

Theo ông Vinh, thời gian qua, Đà Nẵng cũng như cả nước ngư dân có nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đặc biệt Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đã tạo điều kiện rất lớn trong việc đóng mới tàu thuyền, hỗ trợ các chính sách cho ngư dân, hạ tầng cơ sở hậu cần nghề cá…

Đà Nẵng có Quyết định 43 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ áp dụng thực tế tại địa phương.

Theo đó, đến nay đã có 12 hồ sơ đăng ký đóng tàu mới công suất lớn trên 800 CV thực hiện theo Nghị định 67 Chính phủ.

Đã có 4 trường hợp đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt. Như ông Lê Văn Nhắn (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có 1 chiếc tàu vỏ gỗ trên 800 CV đang thi công, được nhà nước cho vay 75% giá trị con tàu với lãi suất 7% (trong đó nhà nước hỗ trợ 4 %), cá nhân trả 3% trong vòng 11 năm.

Có 3 chiếc tàu cá vỏ sắt của ông Trần Văn Mười (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), tàu của ông Nguyễn Sương, phường Nại Hiên Đông và của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước) đã được phê duyệt, hiện đang làm thủ tục để đóng mới. Với tàu vỏ sắt trên 800 CV này, nhà nước hỗ trợ cho vay 95% giá trị, trong đó lãi suất 7% (nhà nước hỗ trợ 6%), cá nhân chỉ chịu lãi suất 1% trong vòng 11 năm.

Ngư dân rất phấn khởi trước nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước

“Ngoài những chính sách chung của cả nước thì Đà Nẵng có thêm chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu theo Quyết định 47 (thay cho Quyết định 7068 trước đây).

Theo đó, tàu đóng mới từ 400 CV trở lên được hỗ trợ 500 triệu đồng; từ 400-600 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng; từ 600-800 CV được hỗ trợ 800 triệu đồng.

Ngư dân Đà Nẵng có thể chọn lựa một trong hai hình thức hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ hoặc Quyết định 47. Được biết, tại Đà Nẵng đến trước năm 2014 đã có 20 tàu được thực hiện theo Quyết định 7068 và 8 chiếc được hỗ trợ theo Quyết định 47 của TP. Đà Nẵng”, ông Vinh nói.

Giàu lên nhờ biển

Ông Trương Công Chơi (SN 1967, trú tại phường Xuân Hà), chủ tàu DNa 90499 cùng các thuyền viên của mình hối hả chuẩn bị cho chuyến vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa để câu mực sà. Là tàu với công suất lớn trên 380CV, với mỗi chuyến đi kéo dài hơn hai tháng nên công tác chuẩn bị thực phẩm, thiết bị phải thật chu đáo.

Ông Chơi cũng được sự hỗ trợ nhiều chính sách của nhà nước, sắp tới có kế hoạch đóng mới tàu cá để vươn khơi xa hơn.

Mỗi chuyến biển, tàu ông chuẩn bị lương thực thực phẩm, thiết bị, lưới, câu… trên 500 triệu đồng. Có chuyến trúng trên 2 tỷ đồng, trừ tiền chi phí, tiền bạn của 37 người (thuyền viên đóng góp thêm vốn, khoảng 500 triệu đồng) thì tàu ông Chơi lãi trên một tỷ đồng. Còn trung bình mỗi chuyến lãi 500-800 triệu đồng là “chuyện thường” trên vùng biển Hoàng Sa.

Tàu ông Nguyễn Công Chơi đang vận chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu để chuẩn bị ra khơi

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng còn có nhiều chính sách hỗ trợ , tạo điều kiện trong ngư dân yên tâm bám biển khác nữa. Như theo Nghị định 67 của Chính phủ thì ngư dân trên tàu 90CV được hưởng chính sách nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm (khơi xa) thì ở Đà Nẵng vùng lọng (vùng trung) ngư dân vẫn được hưởng bảo hiểm từ nguồn ngân sách của thành phố.

Theo đó, năm 2014 sản lượng đánh bắt hải sản của TP. Đà Nẵng đạt 43 ngàn tấn, 6 tháng đầu năm 2015 đạt 23,9 ngàn tấn, dự báo toàn năm 2015 sản lượng đó sẽ tăng lên nhiều so với năm 2014.

Vẫn còn trăn trở

“Theo NĐ 67 CP thì Đà Nẵng là một trung tâm nghề cá của cả nước, theo đó, cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá, các hoạt động phụ trợ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thi công chưa được thực hiện. Theo đó ngư dân mong muốn được triển khai sớm cơ sở hạ tầng trung tâm nghề cá để đáp ứng đầu ra, tăng giá thành sản phẩm để ngư dân có cuộc sống ổn định hơn, gắn bó lâu dài với việc đánh bắt xa bờ hơn”, ông Tám nhìn nhận.

Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng hiện thực hiện rất tốt tổ chức nghiệp đoàn nghề cá (NĐCN) thực hiện triển khai chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, tại Đà Nẵng đã có 4 nghiệp đoàn với trên 500 thành viên. Trong đó, quận Sơn Trà và quận Thanh Khê mỗi địa phương có 2 NĐNC.

“NĐNC ra đời đã hỗ trợ, tương trợ tạo sự đoàn kết cho ngư dân trong việc vươn khơi bám biển, đặc biệt tập trung hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Hoàng Hữu Nghị, Phó chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.

Theo đó, trong năm qua, LĐLĐ đã là kênh kết nối và trực tiếp hỗ trợ cho ngư dân, thân nhân, con em của ngư dân yên tâm bám biển. Như phối hợp với Công đoàn ngành Y tế trao gần 300 tủ thuốc y tế , hỗ trợ máy bộ đàm, nhiều thiết bị phục vụ việc ra khơi của ngư dân. Hay mỗi năm LĐLĐ thành phố hỗ trợ cho mỗi NĐNC trên địa bàn 50 triệu đồng. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay, LĐLĐ đã có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân với số tiền gần 2 tỷ đồng.

“Hiện nay LĐLĐ TP. Đà Nẵng đang trăn trở một điều nhưng chưa có kinh phí thực hiện đó là việc xã hội hóa, mở lớp mẫu giáo tại địa bàn tập trung đông khu dân cư có ngư dân sinh sống để tạo điều kiện cho gia đình ngư dân không phải đưa con đi học xa mà ngư dân càng an tâm khi con cái được học gần nhà. Sắp tới chúng tôi rất mong các tổ chức cá nhân ủng hộ mong mỏi này của LĐLĐ TP. Đà Nẵng cũng là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, ông Nghị chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang