Thừa nhận trên thế giới đã cho phép cá nhân được chuyển đổi giới tính song đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) kiến nghị không nên áp dụng ở Việt Nam, vì văn hóa dân tộc chưa cho phép.
“Tôi đề nghị không đồng ý cho chuyển đổi giới tính và không thừa nhận việc này. Chỉ thừa nhận những người nào đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực” - đại biểu Dũng nêu quan điểm.
Chung suy nghĩ này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng những trường hợp muốn chuyển đổi giới tính cần phải có chứng nhận khoa học nào đó để khẳng định chính xác giới tính của họ.
Phân vân việc không đồng ý cho chuyển đổi giới tính sẽ vô tình ảnh hưởng đến quyền con người nhưng theo đại biểu Sơn, những trường hợp có suy nghĩ lệch lạc, hay do cách sống ảo tưởng là nữ nhưng nghĩ mình là nam và ngược lại mà đòi chuyển đổi giới tính thì không nên cho phép.
Nhìn nhận việc chuyển giới là đòi hỏi thực tế, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) e ngại việc không cấm cũng không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính sẽ vô hình chung để đối tượng này ngoài vòng pháp luật.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh thảo luận tại tổ TP.HCM - Ảnh: Ngân Hòa
“Pháp luật không quy định sẽ gây phức tạp cho xã hội” - đại biểu Thủy nói, đồng thời yêu cầu nên sửa cả trong Luật hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới tính.
Nhấn mạnh quyền xác định giới tính là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt là người chuyển giới, đồng tính và gia đình họ, đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Phòng) lưu ý việc không thừa nhận quyền chuyển giới nhưng lại công nhận cải chính hộ tịch là sự mâu thuẫn.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) yêu cầu cho hay không cho phép chuyển đổi giới tính cần được quy định rõ ràng trong luật. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông góp ý: “Cũng như chúng ta đã bàn về mang thai hộ trước đây, luật này cũng phải bàn chuyển giới và điều kiện cho phép. Bộ luật dân sự không nên né tránh”.
Liên quan đến quyền đối với họ, tên (Điều 26 dự thảo Bộ luật), đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết sẽ ủng hộ nếu quy định đặt tên của công dân Việt Nam không quá 25 chữ là để phục vụ cho việc thực hiện mã số công dân.
Đại biểu này góp ý không nên thừa nhận những tên phi văn hóa, không phù hợp với thuần phong mĩ tục. Ở góc độ khác, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đồng tình quy định đặt họ tên là tiếng Việt, không có kí tự, không bằng chữ số.
“Bây giờ đưa vào luật là đúng vì từ trước đến giờ không có quy định nên không điều chỉnh được. Quyền cũng phải có giới hạn chứ không thể vô biên. Tôi ủng hộ tên họ không được số, mã hóa, không quá dài, nhưng bao nhiêu chữ, 25 hay 30 thì cần bàn thêm để sau này mã hóa cơ sở dữ liệu cho phù hợp” - ông Ánh nói.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng nghiêng về ý không đồng tình với quy định không được đặt tên bằng số, kí tự, họ tên vượt 25 chữ. Trong khi đó, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lại cho rằng cần xem xét lại quy định này.
Lý do mà ông Hoàng nêu ra là việc đặt quá 25 chữ cái không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, cuộc sống, xã hội. Nếu đưa quy định như vậy vào trong luật thì Ban soạn thảo phải giải thích vì sao, phải giải thích để người dân hiểu đặt tên như vậy sẽ gặp khó khăn như thế nào chứ không nên ghi vào trong luật.
Trước đó, khi dự thảo Bộ luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. Do đây là nội dung mới, hạn chế quyền nhân thân của cá nhân mà không dựa trên các lý do đã được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp nên Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng để bù đắp bội chi
Chiều cùng ngày, với 77,58% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.084.064 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2012, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.277.710 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014.
Cũng theo Nghị quyết được phê chuẩn, bội chi ngân sách nhà nước là 236.769 tỷ đồng (hai trăm ba mươi sáu nghìn, bảy trăm sáu mươi chín tỷ đồng), bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 180.347 tỷ đồng (một trăm tám mươi nghìn, ba trăm bốn mươi bảy tỷ đồng), vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng (năm mươi sáu nghìn, bốn trăm hai mươi hai tỷ đồng).
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe tờ trình dự án Luật Khí tượng thủy văn và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.