(CAO) Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều nay (28-5) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, nhiều đại biểu lo lắng trước vấn đề bội chi quá cao. Các đại biểu kiến nghị cần sớm có biện pháp lập lại kỷ cương ngân sách để không còn tình trạng bội chi.
Các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo, giải trình của Chính phủ, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội hết sức khó khăn dù chưa đạt nhưng vẫn vượt qua một cách ngoạn mục.
Tuy nhiên, công tác quản lý thuế còn chưa tốt, việc trốn thuế, gian lận thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn xảy ra gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo và có biện pháp mạnh mẽ để quản lý tốt hơn nhằm hạn chế tình trạng thất thu đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Trong điều kiện ngân sách trung ương hụt thu lớn, nhưng chúng ta đã chi đầu tư xây dựng cơ bản lớn, vượt hơn 50% so với dự toán và có nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư.
|
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh
Hầu hết các khoản chi ngân sách đều đạt và vượt kế hoạch, nhưng những khoản chi quan trọng lại không đạt dự toán. Đó là giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ. Các khoản chi thường xuyên lại thường cao hơn các khoản chi đầu tư.
Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng không thực hiện đúng tiến độ do việc giao vốn quá chậm, triển khai không kịp thời. Còn thiếu khá lớn nguồn để thanh toán các khoản nợ như thuế giá trị gia tăng, cấp bù các khoản lãi tín dụng ưu đãi nước ngoài, các khoản chi an sinh xã hội. Việc bội chi ngân sách cũng được các đại biểu rất quan tâm.
|
|
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên):
Vấn đề bội chi ngân sách đã vượt rất xa so với Nghị quyết Quốc hội đề ra, đề nghị Chính phủ báo cáo kỹ hơn về vấn đề này, trong đó nói rõ về hướng hoàn trả khoản bội chi này.
|
|
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa):
Cần phải chấm dứt ngay tình trạng tăng bội chi, dù đau cũng phải làm, không phải đã tăng kịch trần rồi mà vẫn tăng, như vậy mới đạt mục tiêu ngân sách đề ra và đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ cương của ngân sách.
|
|
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM):
Báo cáo quyết toán ngân sách như vậy thì đành phải ủng hộ vì thu thì đã thu rồi, mà chi thì cũng đã chi rồi. Dù bối cảnh kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội phải dung biện pháp công cụ tài khóa để kích thích tổng cầu; tuy nhiên, về dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn, vậy thì kỷ cương ngân sách chỗ nào? Nếu cứ tăng thu thì tăng chi, nước lên thì thuyền lên sẽ không còn kỷ cương ngân sách gì nữa. Các địa phương vi phạm thì có nên chỉ rõ và xử lý kỷ luật hay cứ xuê xoa rồi năm nào cũng thế. Vậy chúng ta có cần khắc phục và có khắc phục được không?.
Nếu thông qua dự toán ngân sách những năm tới cần phải giám sát nguồn tiền, có kiểm tra, điều chỉnh ngay để đảm bảo kỷ cương ngân sách. Một số ý kiến yêu cầu giải trình thêm sự khác nhau giữa báo cáo quyết toán và báo cáo của kiểm toán, đánh giá tình hình của kiểm toán nhà nước; tăng cường tính minh bạch, công khai, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước và cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đến những sai phạm, yếu kém trong quản lý, sử dụng ngân sách.
|
|
Các đại biểu cũng đề nghị:
Sử dụng số chuyển nguồn để trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương và các bộ ngành; đề nghị xem xét vấn đề nợ công tăng cao hơn thu ngân sách, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và cần giám sát một số trường hợp chưa thực hiện đúng, có sai phạm trong quản lý ngân sách qua báo cáo kiểm toán và xem xét quyết toán ngân sách năm 2013.
Những đánh giá về yếu kém, sai sót trong quản lý ngân sách của Chính phủ là rất đúng và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính và hạn chế lặp lại những thiếu sót này trong báo cáo quyết toán những năm về sau.
|
Ngay tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình về vấn đề bội chi ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó chủ yếu để trả nợ và tăng chi xây dựng cơ bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng báo cáo thêm về nguồn thu từ đầu thô, đất dai và cho biết, vấn đề kỷ luật ngân sách đã được nêu rõ trong Hiến pháp mới và không một khoản chi nào không được xem xét kỹ. Chúng ta sẽ đưa vấn đề này vào Luật ngân sách sắp tới.