(CATP) Biển Đông vẫn đang nóng lên từng ngày, xung quanh các hành động tôn tạo đảo phi pháp của Trung Quốc. Và hôm thứ ba (26-5) căng thẳng leo thang sau khi Bắc Kinh vạch ra một chiến lược thúc đẩy tầm với của hải quân Trung Quốc, đồng thời ngang nhiên công bố xây dựng hai ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong Sách Trắng quốc phòng do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 26-5-2015, Trung Quốc thề sẽ tăng cường “bảo vệ các vùng biển mở”, chuyển từ phòng không sang chủ động tấn công và phòng thủ. Ngang ngược hơn, nước này còn lên án các nước láng giềng đang “có những hành động khiêu khích trên các đảo và bãi đá của Trung Quốc”.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trên các vùng biển chồng lấn và tiến hành chương trình cải tạo đất khổng lồ trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng trái phép. Biển Đông là tuyến giao thông hàng hải quan trọng của thế giới, với 5 ngàn tỷ USD giao thương hàng hải qua lại mỗi năm.
Mọi mưu đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc đều bị dư luận quốc tế vạch mặt và phản đối
Ngoài Việt Nam có lợi ích quốc gia rõ ràng gắn chặt với biển Đông thông qua chủ quyền hiển nhiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều quốc gia khác, kể cả Mỹ cũng có lợi ích quốc gia trên vùng biển chiến lược này. Do vậy, mưu đồ tham lam muốn chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc bị dư luận quốc tế vạch trần, phản đối và ngăn chặn.
Tuần trước, Trung Quốc cũng đã chỉ trích Washington sau khi một máy bay do thám Mỹ bay trên khu vực gần các đảo Trung Quốc đang xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Trung Quốc buộc tội Mỹ kích động bất ổn. Ngược lại, Mỹ cũng tuyên bố chính Trung Quốc mới là bên gây bất ổn khu vực.
Về các động thái mới của Trung Quốc mới đây, các quan chức Mỹ đồng loạt lên án, cho rằng thay vì đổ sức vào xây đảo trên các bãi đá nhằm gây bất ổn trên biển Đông, Trung Quốc nên sử dụng quân đội vào mục đích có ích hơn. Reuters hôm thứ tư (27-5) mới đây dẫn phát biểu của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Bắc Kinh “nên sử dụng sức mạnh quân sự của mình theo cách có ích hơn nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Phát ngôn viên Jeff Rathke lặp lại quan điểm của Mỹ rằng, hoạt động khai thác đất của Trung Quốc đã và đang góp phần làm tăng căng thẳng trong khu vực, và nhấn mạnh việc thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm không giúp Trung Quốc đảm bảo chủ quyền lãnh hải hoặc thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế.
Reuters cũng dẫn tuyên bố từ Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói, Tổng thống Barack Obama coi tình hình an ninh ở biển Đông là “cực kỳ quan trọng” đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu. Ông Earnest khẳng định Washington cam kết hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo dòng chảy tự do thương mại ở đây.
Đối với lễ khởi công lố bịch xây dựng hai ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, được quảng bá rầm rộ trên truyền hình Trung Quốc, Mỹ và Philippines đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay những hành động như vậy.
Trong khi đó, lần đầu tiên Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn giữa Mỹ và Úc, một dấu hiệu gia tăng liên kết an ninh giữa ba nước, nhằm phản ứng với những động thái khiêu khích ngày càng tăng của Bắc Kinh. Cả ba quốc gia đều từng tuyên bố họ quan ngại về tự do đi lại đối với hàng hải và hàng không ở biển Đông.