Gồng mình trả tiền nước sạch hao hụt

Thứ Năm, 28/05/2015 11:40  | Tiến Mạnh – Linh Vũ

|

(CAO) Từ nhiều tháng qua, 49 hộ dân ở tổ 7 của chung cư Nguyễn Trãi, P.14, Q.5, TP.HCM phải đóng tiền gấp đôi so tiền nước sử dụng do việc thất thoát nước.

Vượt định mức gấp đôi

Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên xảy ra đã lâu và số lượng nước hao hụt có khi tăng gấp đôi so với định mức tiêu thụ.

Năm 2013, định mức mà 49 hộ gia đình này được sử dụng là 880m3 nhưng trong kỳ kỳ 9 chỉ số tiêu thụ là 2.755 vượt gấp đôi so với định mức được sử dụng. Trong 8 tháng đầu năm 2014, định mức tiêu thụ giảm xuống còn 876m3 nhưng từ kỳ 1 đến kỳ 8, mức nước hao hụt trung bình là gần một nửa so với định mức trên.

Bắt đầu từ kỳ 9 năm 2014 đến nay, định mức tiêu thụ nước tiếp tục được giảm xuống còn 868m3 nhưng lượng nước hao hụt vẫn xảy ra và có chiều hướng tăng lên. Trong kỳ 4 và 5 số lượng nước hao hụt tăng gần gấp đôi so với chỉ số ghi từng nhà. Cụ thể, ở kỳ 4, chỉ số tiêu thụ là 2.084m3, chỉ số ghi tổng ở 49 hộ gia đình là 853m3 và mức hao hụt mà người dân phải trả thêm tiền là 1.231m3.

Đáng nói hơn, ở kỳ 6 chỉ số tiêu thụ nước của hộ dân cư ở đây tăng lên 2.584m3 (tăng 543 m3 so với kỳ 5 – 2.041m3 – PV). Trong khi đó, chỉ số ghi nước ở từng hộ gia đình không vượt quá định mức tiêu thụ cho phép.

Tiền nước hao hụt gấp đôi tiền nước sử dụng

Ngoài việc trả tiền nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày, hàng chục hộ dân nơi đây phải trả luôn tiền nước thất thoát mỗi tháng. Và số tiền này có lúc gấp đôi so với tiền sử dụng nước thực tế của người dân. Nếu hộ gia đình nào sử dụng nước càng nhiều thì số tiền phụ trội đóng thêm vào để trả cho tiền nước hao hụt sẽ càng cao.

Gia đình chị Trần Thị Thiện có 8 nhân khẩu, định mức sử dụng nước là 32m3. Ở kỳ 4, gia đình chị sử dụng có 30m3 nước. Thay vì đóng 198.050 đồng (tiền nước + phí bảo vệ môi trường + điện - PV) nhưng chị phải đóng thêm 420.000 đồng tiền phụ trội do thất thoát nước của kỳ này. Tương tự, hộ gia đình H. B. Q., tiêu thụ nước thấp hơn định mức 14m3 nhưng cũng phải đóng thêm 308.000 đồng tiền phụ trội.

Tréo ngoe hơn, hộ Văn Thuỳ Loan sử dụng vượt định mức 1m3 nước mà phải đóng thêm 508.000 đồng tiền phụ trội, gấp đôi so với tiền sử dụng nước thực tế là 208.000 đồng.

Chị Thảo trình bày bức xúc với phóng viên- Ảnh: T.M

“Dân ở đây toàn lao động nghèo mà tháng nào cũng đóng gần triệu tiền nước thì sao mà chịu nổi. Phải tìm cách khắc phục chứ kéo dài hết năm này qua năm nọ là dân không yên tâm rồi”, chị Lê Thị Ngọc Thảo, bức xúc.

Theo quyết định UBND TP.HCM, từ năm 2013, định mức nước sinh hoạt ở chung cư là 4m3/người/tháng với mức giá 5.300 đồng. Trường hợp trên 4m3 đến 6m3/người/tháng mức giá nước tăng lên 10.200 đồng, còn trên 6m3/người/tháng thì sẽ áp dụng mức tính 11.400 đồng.

Trong quá trình tìm hiểu, PV ghi nhận bảng chiết tính tiền nước ở kỳ 3 và 4 của chung cư này tăng từ 300 – 400 đồng/1m3 nước so với quy định. Ngạc nhiên hơn, trong bảng chiết tính tiền nước của kỳ 2 và kỳ 3 giống hệt về số lượng nước tiêu thụ của 49 hộ nhưng được tính với hai đơn giá khác nhau. Người lập các bảng này là ông V.H.S và được ông D.T.M (tổ trưởng) ký.

Sự chênh lệch về đơn giá trong hai bảng chiết tính tiền nước ở kỳ 2 và 3- Ảnh: T.M - L.V

Còn ở kỳ 5, tiền nước sinh hoạt của người dân lại được tính ở một mức giá thấp hơn. Theo bảng chiết tính tiền nước, trong định mức giá nước được tính 4.770 đồng/1m3, vượt định mức dưới 6m3 thì được tính 9.180 đồng/1m3. Còn trường hợp trên 6m3 thì tính với giá 10.260 đồng/1m3!?

Hoá đơn tiền nước của Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn bị trống phần chỉ số mới và chỉ số cũ - Ảnh: T.M - L.V

Chiều 27-5, trao đổi về vấn đề nước hao hụt xảy ra tại tổ 7 chung cư Nguyễn Trãi, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn cho biết, đơn vị này chưa nhận được đơn phản ánh của các hộ dân và cho rằng đơn vị cấp nước không chịu trách nhiệm về lượng nước hao hụt phía sau đồng hồ tổng và nếu xảy ra hao hụt thì người dân phải chịu trách nhiệm. Cũng theo ông Hiếu, chung cư nào cũng xảy ra tình trạng thất thoát nước, nguyên nhân của việc này là do công tác quản lý điều hành điều hành hoặc là do đồng hồ nước của các hộ dân.

Theo tìm hiểu, từ lúc 10 giờ ngày 25-5 đến 10 giờ ngày 28-5 chỉ số nước đồng hồ tổng của Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn tăng lên 200 m3, trong khi định mức của chung cư này là 868 m3/tháng.

Bát nháo thị trường đồng hồ nước

Để tìm hiểu kỹ hơn chất lượng đồ hồ nước, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) tìm mua đồng hồ nước giá rẻ. Thấy chúng tôi muốn mua đồng hồ nước để gắn phòng trọ, chủ cửa hàng chuyên bán sỉ các loại ngành nước H.P hồ hởi giới thiệu: “Ở đây có 4 loại. Nếu giá 85.000 đồng là hàng của Việt Nam sản xuất, bằng nhựa. Nếu đồng hồ phía dưới phủ lớp đồng thì của Trung Quốc, giá 115.000 đồng. Các chủ nhà trọ thường lấy loại giá thấp hơn. Mua nhiều sẽ giảm 5.000 đồng”. Khi được chúng tôi hỏi về người dùng có thể gian lận khi sử dụng không thì nam nhân viên bán hàng khẳng định không thể và chuyển sang giới thiệu loại đồng hồ nước với giá từ 400 – 500 ngàn.

Đồng hồ nước được bày bán tại cửa hàng H.P. ở chợ Kim Biên- Ảnh: T.M - L.V

Trong ngôi chợ này còn có cửa hàng N. cũng chuyên bán các loại đồng hồ nước, giá cao hơn so với cửa hàng H.P. Tại đây, chúng tôi được nhân viên P., tư vấn một loạt các loại đồng hồ nhưng chỉ có một loại có nguồn gốc rõ ràng và tem kiểm định chất lượng của công ty sản xuất. “Hàng này chất lượng lắm, giá hợp lý nữa. Nếu sợ gian lận thì anh mua loại trên 200 ngàn nhưng bây giờ loại đó bên em hết hàng rồi, khoảng 1 tháng nữa mới có”, nam nhân viên tên P., cho biết.

Nhân viên P. của cửa hàng N. tư vấn cho phóng viên- Ảnh: T.M - L.V

Trước tình trạng nước thất thoát quá nhiều, các hộ dân tổ 7 chung cư Nguyễn Trãi nơi đây đã đóng khoảng hơn 200.000 đồng cho ông S. mua đồng hồ mới để xác định nguyên nhân nhưng số lượng nước hao hụt vẫn xảy ra. Và theo khảo sát của PV, các đồng hồ này do Trung Quốc sản xuất có giá 115.000 đồng/cái.

 

 

Bình luận (3)

Gồng mình trả tiền nước sạch hao hụt đọc bài báo trên tôi thấy tình trạng này ko chỉ xảy ra riêng C/c Nguyễn Trãi đâu mà C/c Hùng Vương Lô E, P 11Q 5 nói riêng và tất cả các C/c trên địa bàn Q 5 đều phải bấm bụng chịu chi phí tiêu cực này mà ko thấy một nhà chức trách này hay cơ quan có thẩm quyền đứng ra quan tâm cho nhân dân nhờ đúng nghĩa theo văn minh của cuộc sống . Mà phản ánh lên chính quyền địa phương nhiều quá thì bị trên đó cho là phiền toái hoặc chỉ giải quyết hình thức ứng phó cho có thui .chưa kể ng phản ánh còn bị tổ trưởng cho ng nhà thách thức gây sự để dằn mặt cảnh cáo ng phản ánh. Khu này ngang nhiên tùy tiện thu phí gửi xe theo ý mình ,giờ giấc đóng cửa theo cảm hứng, về trễ là có nhà buộc phải thuê KS ngủ qua đêm , cổng chính ra vào là lối thoát hiểm duy nhất cũng bị lấn chiếm bán buôn,(rửa chén ,nấu ăn nhà nhà bếp) cầu thang lên xuống thì chất hàng tập hóa (dể cháy) chật cứng, trên sân thượng cũng bị tận dụng chứa hàng hóa luôn .Qua bài báo trên luôn tiện đề nghị cơ quan chức năng để tâm nhiều hơn và giải quyết triệt để tình trạng trên cho dân đc nhờ. (C/c Hùng Vương đã chịu thiệt hơn 15năm nay rồi)

Lê Bức xúc - Thứ Sáu, 29/05/2015, 18:11 Trả lời | Thích

Cũng bình thường...

Vu - Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:57 Trả lời | Thích

Ôi! Lao động nghèo đã vậy còn sinh viên nghèo thì phải làm sao ta? Tiền đâu mà trả cho nổi trời.

Bồ Đề - Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:45 Trả lời | Thích
Lên đầu trang