Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang:

Nghiêm cấm bức cung, nhục hình dưới mọi hình thức

Thứ Hai, 08/06/2015 08:35  | Hải Triều

|

(CATP) Tại buổi thảo luận toàn thể hôm 5-6 về kết quả giám sát tình hình oan sai và bồi thường oan sai trong việc thực hiện pháp luật về tố tụng hình sự, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã phát biểu trước Quốc hội để làm rõ thêm một số vấn đề.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Trần Đại Quang, “không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, nghiêm cấm bức cung, nhục hình” là phương châm nhất quán của ngành công an trong điều tra, xử lý các vụ án hình sự.

Để thực hiện nghiêm phương châm đó, Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định việc chấp hành pháp luật, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đồng thời tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều tra xử lý tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm cũng như rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại hội trường Quốc hội hôm 5-6

Công tác phối hợp giữa cơ quan công an với Viện kiểm sát, Tòa án cũng được đẩy mạnh, từ đó nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Chúng tôi kiểm điểm và thấy rằng đã đạt và vượt các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong các nghị quyết, qua đó góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” - Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về vấn đề liên quan đến bức cung, nhục hình và nguyên nhân của oan, sai mà các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận, người đứng đầu ngành công an tiếp thu với thái độ nghiêm túc, cầu thị. Ông thừa nhận, những vụ việc cá biệt này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, Bộ Công an đã và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp cán bộ chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm.

Tính từ 1-1-2011 đến nay đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ, chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp cũng bị xử lý trách nhiệm liên đới.

Chia sẻ với báo cáo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng làm rõ thêm một số nguyên nhân dẫn đến oan, sai. Cụ thể, là do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án bị can khởi tố điều tra hàng năm tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt.

“Trung bình hàng năm cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 80.000 vụ án, trên 120.000 bị can nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu. Nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30 - 50 vụ án mỗi năm, thậm chí có điều tra viên thụ lý tới 70 vụ án một năm đã gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm” - Bộ trưởng Quang chia sẻ.

Về chủ quan, Bộ trưởng Quang nhận định có một số điều tra viên, cơ quan điều tra ở địa phương còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, dẫn đến cẩu thả trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, chủ quan thỏa mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan tâm đến các chứng cứ gỡ tội khác. Một số ít chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, quy trình công tác và các quy định của pháp luật dẫn đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương để nhằm phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát và thường xuyên.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng chỉ ra một số quy định của Bộ luật hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính, như việc phân biệt giữa tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế chưa rõ ràng...

Bên cạnh đó, quy định về giám định cũng chưa hoàn thiện. Nhiều trường hợp phải giám định nhiều lần và kết quả giám định rất khác nhau. Đó là chưa kể có trường hợp phải đình chỉ vụ án vì kết luật giám định không xác định được hậu quả thiệt hại.

“Chúng tôi nhận thức rằng biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng chống oan, sai là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, là ý thức chấp hành pháp luật đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành các quy trình làm việc và quy chế công tác” - Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Công an rất chú trọng tới công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt giam giữ được tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện sớm sai phạm để tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang