Đảng bộ, nhân dân TP.HCM:

Đời đời biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng

Thứ Bảy, 06/06/2015 07:58  | Mai Loan-Hải Băng (thực hiện)

|

(CAO) Trong bầu không khí nồng ấm, Thừa ủy quyền của Chủ nước nước ông Lê Hoàng Quân và ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM trân trọng trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) và Huân chương độc lập hạng nhất, Nhì, Ba cho các tập thể, cá nhân.

Kỷ niệm 104 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2015), chiều 5-6-2015, Thành ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM long trọng tổ chức lễ Phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tập thể; 7 cá nhân và tặng Huân chương độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba cho 3 tập thể, 4 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lê Hoàng Quân trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các tập thể, cá nhân

Phát biểu tại lễ trao tặng ông Lê Hoàng Quân Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ: Đảng bộ và nhân dân thành phố đời đời, tri ân, biết ơn sự hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có người thân đã cống hiến máu xương, cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Các tập thể, cá nhân được tuyên dương dịp này là thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh – đó là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Tiếp tục khẳng định, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn bằng cả công sức, trí tuệ, xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây không chỉ là niềm vui của cá nhân, gia đình, của đơn vị, của đảng bộ các địa phương mà còn là niềm vui, tự hào của Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố Hồ Chí Minh…

ÔNG DƯƠNG NGỌC MINH – 73 TUỔI

Tôi là đồng đội cũ của liệt sĩ – Anh hùng LLVTND Huỳnh Lan Khanh. Từ năm 1993-2002, tôi cùng anh em cất công đi tìm hài cốt chị và rồi vỡ òa hạnh phúc khi có thể đưa Lan Khanh về với gia đình. Hôm nay, bước lên sân khấu nhận danh hiệu thay Khanh, tôi không thể kiềm được nước mắt. Thương Khanh và tự hào về Khanh. Khanh là người phụ nữ Việt Nam điển hình, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Cô ấy xứng đáng được truy tặng danh hiệu này.

 

ANH HÙNG LLVTND LÊ THỊ THU NGUYỆT – CÁN BỘ ĐỘI BIỆT ĐỘNG 159 QUÂN KHU SÀI GÒN – CHỢ LỚN – GIA ĐỊNH

Vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, tôi biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho thế hệ mình. Tuổi trẻ của tôi và đồng đội là ở chiến trường. Chúng tôi luôn tự hào vì đã góp một phần nhỏ vào ngày toàn thắng của dân tộc. Danh hiệu này, tôi xin nghiêng mình tặng lại cho đồng đội, đồng chí ở Đội Biệt động 159 xưa đã anh dũng hy sinh.

 

Liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh (*):         NỮ CHIẾN SĨ KIÊN TRUNG

Là con gái của cố Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Hùynh Tấn Phát, sinh ra là lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã có hành động anh hùng, thà chết chứ không chịu để rơi vào tay giặc hòng bảo vệ thành trì của cách mạng.

Sinh ngày 14-09-1948 tại Sài Gòn, khi gần 2 tuổi, vì cha mẹ đều thoát ly tham gia cách mạng, Huỳnh Lan Khanh được gửi cho dì và bà ngoại nuôi dưỡng tại vùng ĐaKao, đường D’Ariès (nay là đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1). Là nữ sinh của Trường nữ sinh Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), với bao ước mơ hoài bảo rất đẹp như bao cô gái khác. Khi 17 tuổi (đang học lớp Đệ Nhị (Tú Tài 1)), chị Khanh được tổ chức và gia đình chọn đưa ra miền Bắc học cùng với các em theo chính sách và chủ trương đào tạo các hạt giống đỏ cho Cách mạng Miền Nam nhưng chị đã khư khư xin cha mẹ và tổ chức được ở lại miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu chống Mỹ tại cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam (trong căn cứ rừng Suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Chị đã thuyết phục với cha mẹ nhằm đạt được mong ước của mình: “Anh Hai Hùng ở miền Bắc đang đi vào Nam để trực tiếp tham gia đánh Mỹ, lẽ nào con lại đi ngược chiều với Anh Hai”. Thế là bố mẹ và tổ chức đồng ý để cô gái tuổi 17 làm công tác văn thư và đánh máy chữ ở văn phòng trong căn cứ. Chị luôn tích cực tham gia lao động như: đào hầm trú ẩn, công sự chiến đấu; gặt lúa, trồng rẫy khoai mì; tải gạo; làm cấp dưỡng; trực gác bảo vệ cơ quan ban đêm,… Việc gì cũng làm, tích cực học hỏi; dù nặng nhọc và cực khổ đến mấy. Chị cũng là người rất khiêm tốn, bình dị, chan hòa, thân ái, nhưng cũng rất nguyên tắc, muốn tự phấn đấu vươn lên tiến bộ, không ỷ lại thân phận là con của lãnh đạo cấp cao Mặt trận TGPMNVN.

Sáng ngày 04/01/1968, dù không được phân công, chị Khanh đã xung phong cùng đồng đội cơ quan đi tải gạo ở Trảng Dầu (vùng Suối Chò) đã rơi vào nơi phục kích của biệt kích Mỹ. Chị bị thương vì vướng mìn của địch gài sẵn. Chị Khanh bị địch bắt lôi ra trảng, băng bó vết thương và đưa lên máy bay trực thăng với ý đồ khai thác, thu thập thông tin mạng lưới cơ sở cách mạng từ chị. Nhưng trong phút chốc giữa ranh giới của sự khủng bố của địch, giữa sống và chết, chị đã nhanh chóng chọn một con đường: Không thể bị khuất phục nhằm bảo vệ cơ sở cách mạng. Chị đã nhảy từ trên trực thăng xuống để chọn cái chết thanh thản đầy gan dạ chứ không chịu để dịch tra tấn, khai thác. Ba ngày sau, anh em trong đơn vị phát hiện xác chị bị treo trên ngọn cây, cách nơi bị phục kích khoảng nửa cây số. Chị Khanh cùng hai đồng đội cùng đi tải gạo hôm ấy bị trọng thương và hy sinh khi còn tuổi thanh xuân phơi phới đầy sức sống.

Ngày 26/03/1968, nhân dân kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, Ban Thường vụ Đoàn ủy liên cơ Dân – Chính – Đảng Trung ương cục miền Nam đã có chỉ thị phát động (do đ/c Sáu Phong, tức là Nguyễn Minh Triết – nguyên Chủ tịch nước, lúc ấy là ủy viên Ban Thường vụ Thường trực Đoàn ủy liên cơ Dân – Chính – Đảng Trung ương Cục miền Nam ký tên) học tập gương dũng cảm bất khuất của nữ đoàn viên Huỳnh Lan Khanh trong toàn thể Đoàn viên Thanh niên Cộng sản các cơ quan Dân – Chính – Đảng Trung ương Cục miền Nam thời bấy giờ.

Trung Sơn

Bình luận (0)

Lên đầu trang