Hy sinh tình riêng, tiễn chồng con đi giữ biển

Thứ Năm, 04/06/2015 09:41  | Lê Văn Chương

|

(CAO) Có câu chuyện mà báo chí chưa nhắc đến. Đó là cách đây tròn 1 năm về trước, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, phụ nữ ở các làng chài Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã động viên chồng, con đi giữ biển. Các chị đã hy sinh tình riêng để chồng, con đi lo việc nước, sẵn sàng chấp nhận sự gian khổ, mất mát.

­­­­Tạm biệt mẹ, con đi!

Từ đầu tháng 5-2014, báo chí dày đặc thông tin, sôi sục trước hành động của Trung Quốc liên tục đâm va, gây thiệt hại cho ngư dân và lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Nhưng có những câu chuyện mà báo chí hầu như không nhắc đến. Đó là tại các làng chài Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, hàng ngày người phụ nữ là mẹ, là vợ của các ngư dân hàng ngày mong tin. Trước đó, chồng, con của các chị đã nghiến răng, lái chiếc tàu gỗ nhỏ bé hướng về tọa độ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và mang theo quyết tâm “hắn chưa nhổ cái khoan đó thì mình chưa trở về!”.

Sáng ngày 1-6-2014, tại thôn Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), 20 chiếc tàu xếp một hàng dài để sẵn sàng chở 200 ngư dân tiến ra giàn khoan đấu tranh. Trong các ngôi nhà giữa xóm, vợ của các ngư dân Bùi Dự, Nguyễn Sinh Bảnh, Nguyễn Văn Dự… xếp quần áo cho chồng đi giữ biển. Cha mẹ, anh chị của các ngư dân tập trung rất đông tại nhiều ngôi nhà để chia tay. Có tiếng gọi í ới giữa xóm về việc “phải mua thuốc và bông băng cho tàu, lỡ tàu nó đâm bị thương thì băng bó”. Vậy là các chị lại lao đi mua thêm nhiều loại thuốc, mua thuốc bổ để chồng có sức trụ bám dài ngày trên biển. “Chiến thắng trở về nghe chưa” – có tiếng hô to vang lên giữa làng chài khiến nhiều người cười to và đáp lại “phải chiến thắng rồi trở về quê hương”.

Ngư dân lái chiếc tàu gỗ nhỏ bé hướng về tọa độ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và mang theo quyết tâm “hắn chưa nhổ cái khoan đó thì mình chưa trở về - Ảnh: Văn Chương

Tại căn nhà giữa xóm Định Tân, bà Nguyễn Thị Tùng xếp lại vài bộ quần áo cũ vào túi xách cho con trai chuẩn bị lên đường ra vùng biển nóng. Thời trước, chồng bà đi biển thì nhét quần áo vào chiếc bao rồi quăng xuống chiếc thuyền nhớp nháp nước mặn, khói xịt đen đặc khi nổ máy lao ra Hoàng Sa. Còn bây giờ, quần áo đưa con trai thì được xếp vào một chiếc túi dây rút lành lặn hơn, đi trên chiếc tàu gỗ tốt hơn.

Cậu con trai của bà Nguyễn Thị Tùng là Trần Văn Tuận, 21 tuổi. Chiều hôm trước cậu Tuận sốt li bì nhưng vẫn nhỏm dậy nói “mai con vẫn ra Hoàng Sa đó mẹ. Con ra đó với anh em đấu tranh chứ không để nó cắm giàn khoan ở biển mình”. Đến sáng hôm sau, cơn sốt chưa dứt cơn, cậu vẫn ôm túi quần áo lao nhanh xuống tàu QNg 90396 TS của ông Nguyễn Sinh Bảnh. Bà Nguyễn Thị Miên, mẹ ruột của ông Bảnh có khuôn mặt hiền từ, nhưng ánh mắt của bà đanh lại khi nhìn con trai làm đội trưởng đưa đoàn tàu tiến thẳng ra biển.

Khi tàu nhổ neo, các ngư dân í ới vẫy tay, gọi điện thoại tạm biệt vợ, con, người thân và gởi lời nhắn “nó nhổ giàn khoan thì anh em mới vô bờ, còn không thì cứ ở ngoài đó tới khi cạn dầu”. Còn cậu ngư dân Trần Văn Tuận thì nhắn tin cho mẹ: “Con ra Hoàng Sa đây mẹ ơi!”.

Mẹ ơi! Con xin đi cùng cha

Đoàn tàu 20 chiếc của ngư dân Quảng Ngãi tiến ra Hoàng Sa vào ngày 1-6-2014 để thay thế cho đoàn tàu của ngư dân tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng trụ bám tại Hoàng Sa từ đầu tháng 5 và đã đến ngày quay vào bờ tiếp nhiên liệu. Trong thời gian đội tàu Quảng Nam và Đà Nẵng bám trụ ở Hoàng Sa, người thân là mẹ, vợ của hàng trăm ngư dân ngày đêm ngóng trông ra đảo, và có lúc làng chài đã “nổi sóng dữ”.

Đó là vào chiều ngày 14-5-2014, một cuộc điện trực tiếp từ giàn khoan qua Đài Duyên hải miền Trung báo tin về xã đảo Tam Hải huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam: “Bốn, năm chục chiếc nó vây đâm tàu mình, nó đang đâm tàu anh em, vây ép, nhưng anh em không sao, vẫn khỏe…!”. Làng chài Tam Hải lập tức “nổi sóng”. Nhiều chị em phụ nữ chạy tới nhà chị Trần Thị Thương, vợ thuyền trưởng Nguyễn Đức Nghiệp và nói: “Chị Ba ơi, ở ngoài đó vừa điện về đất liền, mình bị rồi! Tàu Trung Quốc đâm dữ lắm, có tàu bị đâm sạt lườn. Bây chừ chị em mình tính sao đây!”.

Tàu Trung Quốc lao vào đâm ngang tàu của ngư dân Quảng Nam. Ảnh: Văn Chương

Thương chồng, thương anh em ở ngoài biển đang vất vả. Trong lòng xót xa lắm, nhưng để chị em yên tâm, chị Thương động viên: “Đừng lo. Anh Nghiệp điện về nói là không có chi, không lo gì hết. Nó đâm mình thì có tàu khác vớt”. Chị động viên chị em xong thì lại một cuộc điện trực tiếp vào bờ về việc có tàu bị đâm tràn nước. Chị em phụ nữ lại thấy lòng dạ như lửa thiêu đốt, nghĩ đến người thân thương tích, con tàu tơi tả. Các chị chạy đến nói với chị Thương: “Đâm dữ lắm, mà sao chị cứ nói là không có chi, không có gì… ờ mà chắc anh em mình cũng không có gì thiệt rồi!”.

Bà Nguyễn Thị Miên, mẹ của thuyền trưởng Nguyễn Sinh Bảnh động viên con trai dẫn đoàn tàu tiến thẳng ra Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Vào thời điểm đó, tại Hoàng Sa, tàu QNa 90747 TS của thuyền trưởng Nghiệp (là chồng chị Thương) xoay đảo trong vòng vây. Chiếc tàu Trung Quốc vừa lướt tới, ông Nghiệp đã giật ga cho tàu tụt lại phía sau. Né được tàu này thì ông Nghiệp lại phải chuẩn bị xoay sở với 2 tàu Trung Quốc đang lao tới từ phía sau để dồn chiếc tàu gỗ vào thế bí. Có tàu QNa 91559 TS chạy gần tàu ông Nghiệp, đó là cha con ông Ngô Ry. Chiếc tàu này máy mạnh, chạy lướt, nhưng vẫn bị tàu Trung Quốc mang số 11075 húc tung vào sườn. Cú đâm khủng khiếp làm con tàu nghiêng lệch, nước tràn khắp tàu, đồ đạc văng tung tóe và con tàu gần chìm.

Trên máy Icom, các ngư dân thông báo tin nóng “tàu bị đâm, sắp chìm”. Và hung tin đó được chuyển vào bờ. Làng chài trong đất liền xao động. Ánh mắt của bao người mẹ, người vợ hiện ra nỗi lo lắng. Rồi các chị lại ngồi nép bên nhau, động viên cho yên lòng: “Nếu bây chừ mình không giữ biển, nếu mình sợ thì hắn sẽ chiếm mất biển của mình”.

Tại căn nhà của thuyền trưởng Võ Văn Thảo, chị Lê Thị Nhi liên tục nhận được điện thoại của người thân động viên: “Đừng lo nghen con, giống như bộ đội diễn tập đó mà, nghe thời sự chưa, mình không thua hắn đâu…”. Chị Nhi trả lời rằng không lo gì, chỉ lo tàu chạy máy đừng bị trục trặc để anh em hoàn thành nhiệm vụ giữ biển.

Chị Lê Thị Nhi ngóng tin chồng ở Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Từ ngày anh Thảo ra Hoàng Sa, con tàu bặt thông tin, vì anh không muốn vợ ở nhà lo lắng. Vậy là hàng ngày, chị Nhi chỉ biết mở tivi theo dõi chương trình thời sự với hy vọng được nhìn thấy anh. Cậu con trai học lớp 6 cũng suốt ngày tìm ba trên tivi. Cậu nói giọng non nớt: “Chuyến sau ba về thì má cho con đi theo ba ra Hoàng Sa. Ba bỏ con vô cái thùng gỗ đặt con lên tàu”.

Một năm sau sự kiện này, khi anh đi biển, chị vẫn ra sau hiên nhà và ngóng về vùng biển xa.

Bình luận (5)

Người phụ nữ Việt Nam rất dũng cảm, đôn hậu và thủy chung.

Mai Đại - Thứ Sáu, 05/06/2015, 05:47 Trả lời | Thích

Những người phụ nữ Việt Nam đôn hậu, thủy chung, vì chồng vì con. Xin cám ơn các chị!!

Hoàng Yếnn - Thứ Năm, 04/06/2015, 16:28 Trả lời | Thích

Phụ nữ Việt Nam anh hùng đã không sợ gian nguy khi tiễn chồng con đi bảo vệ biển đảo đất nước. Ở thị xã Hà Giang có ông cụ cựu chiến binh rất già yếu nhưng vẫn cầm cây bảo để tao ra đó đánh. Nhưng 3 ngày sau thì cụ mất. Thật không tin nổi tinh thần người Việt.

Nhật Liêm - Thứ Năm, 04/06/2015, 16:09 Trả lời | Thích

Những người mẹ, người vợ thật can trường.

Ngọc Hạnh - Thứ Năm, 04/06/2015, 15:57 Trả lời | Thích

Thật xúc động biết chừng nào ! Ôi những người con dân tộc quyết giữ biển thiêng liêng ! Có lẽ từ trong sâu thẳm của tâm hồn những người mẹ, người vợ tiễn con và chồng ra khơi giữ biển lòng vẫn canh cánh âu lo vì sự an nguy của những người ruột thịt nhưng họ vẫn kiên cường cho người thân bám biển vì chủ quyền thiêng liêng của đất Việt ! Sự hy sinh thầm lặng mà cao cả biết chừng nào !

Hungvan - Thứ Năm, 04/06/2015, 14:47 Trả lời | Thích
Lên đầu trang