Mua sâm Ngọc Linh: Coi chừng... gặp tử thần

Thứ Năm, 04/06/2015 09:17  | D.Nha Trang

|

(CAO) Còn có tên gọi sâm K5 hay sâm trúc vì có “cấu hình” từng mắt tựa cây trúc, sâm Ngọc Linh là loại sâm đặc hữu của núi rừng Việt Nam. Trên thị trường, một kg “sâm Ngọc Linh tự nhiên” loại 3-5 củ được rao bán lên đến 100 triệu đồng.

Vì giá trị cao ngất ngưởng, bán một ký sâm dỏm lời hàng chục triệu đồng, nên thương hiệu “sâm Ngọc Linh” rất được con buôn cùng dân đầu nậu xảo quyệt tích cực “thuốc” thiên hạ.

“SÂM THIÊN NHIÊN 100%”

Ông Vượng, 56 tuổi, là giám đốc Công ty xây lấp mặt bằng Kiến A., ngụ quận 12. Để có được các hợp đồng “thứ dữ”, ngoài việc “lại quả đậm”, ông Vượng còn có chiêu lấy lòng đối tác cùng những “anh Bảy, chú Ba” có chữ ký ngàn vàng bằng các loại biệt dược quý, nổi bật là sâm Ngọc Linh.

Khi biết ông vừa trả 60 triệu đồng để mua một ký sâm K5, chúng tôi hỏi thăm thì được ông Vượng tiết lộ mua từ mối quen. Ông cho biết: “Nửa ký thì ngâm rượu, phần còn lại ngâm mật ong. Đảm bảo sâm này là Ngọc Linh thứ thiệt. Cái thằng bán cho tôi có show-room trên đường Cách Mạng Tháng 8, nó uy tín lắm đảm bảo nguồn gốc thiên nhiên 100%. Nó rao bán sâm Ngọc Linh trên báo hà rầm với cam đoan nếu phát hiện không phải sâm K5, sẽ hoàn trả tiền”.

Thứ được gọi là sâm Ngọc Linh rao bán ầm ĩ trên mạng

Sâm Ngọc Linh hay sâm K5 có nhiều hoạt chất, yếu tố vi lượng quý hiếm, đặc biệt là hàm lượng saponin giúp tăng lực, tăng cường kháng thể,... vốn không thể làm nhân tạo, cũng không thể tìm thấy từ các loại dược liệu nào khác. Vì quá giá trị nên không chỉ được dân làm ăn kinh doanh như ông Vượng mua để làm quà tặng, biếu xén lấy lòng người này người nọ, mà sâm K5 còn được nhiều người có nhu cầu tẩm bổ, chữa trị các chứng bệnh nan y không tiếc tiền mua để sử dụng.

Bà V.T.Lý (56 tuổi, ngụ phường 2, quận Tân Bình), bị ung thư tử cung là một trong số đó. Theo bà Lý: “Khi vô hóa chất, kháng thể suy giảm, toàn thân mệt mỏi rã rời chẳng thiết tha gì việc ăn uống. Đây là giai đoạn mà người bị ung thư dễ chết nhất, chết không phải do mầm bệnh ác tính mà do cơ thể bị suy nhược. Giai đoạn này nếu nạp sâm K5 vào thì ổn lắm”.

CẠM BẪY... TỬ THẦN

Ai cũng biết sâm Ngọc Linh vô cùng quý hiếm, đến độ ngay cả người bản xứ nhiều năm qua không được tận mắt thấy. Cách đây không lâu, khi đến công tác tại vùng rừng Tu-Mơ-Rông (một huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum), cửa ngõ dẫn vào vùng núi Ngọc Linh, lúc được chúng tôi hỏi thăm, ông A Phen (người Xơ-đăng, gần 70 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tu-Mơ-Rông, cho biết sâm K5 gần như tuyệt chủng ở vùng núi rừng Ngọc Linh. Đó là lý do mà hơn 20 năm qua, ông cũng như nhiều người Xơ-đăng chưa từng thấy củ sâm K5 nào.

Tuần trước, trò chuyện với người viết, lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, cho biết cách đây hơn tháng, anh được mời tham gia trong đoàn khảo sát đỉnh núi Ngọc Linh do UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức, nhằm mục đích khảo sát thực địa cho việc quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh. Đoàn khảo sát gần 60 người, đi ròng rã nhiều ngày liền nhưng không tìm thấy củ sâm Ngọc Linh nào.

Hình ảnh sâm Ngọc Linh trong Từ điển cây thuốc Việt Nam

Hai ví dụ điển hình trên chứng minh rằng sâm Ngọc Linh vô cùng quý hiếm. Nhưng một điều rất lạ là hiện nay thứ sâm này được người ta rao bán tràng giang đại hải giữa đời thực và trên các trang mạng.

“10 người rao bán sâm Ngọc Linh thì có đến hơn 9 người bán sâm dỏm là củ gáy, một loại củ độc có hình dáng như anh em song sinh với sâm Ngọc Linh. Loại củ này khi dùng sẽ gây phù thận, suy gan. Giá thị trường một ký chưa đến 200.000 đồng. Dân buôn mua về phơi khô rồi ngâm rượu, ngâm mật ong.

Vì rượu ngâm sâm Ngọc Linh dỏm là cốt của rượu ngâm hồng đẳng sâm (giá thị trường dao động từ 500.000 - 1.500.000 đồng/kg tùy lớn nhỏ) nên khi uống có mùi sâm. Và để người mua có cảm giác uống vào tăng lực hiệu quả, dân buôn bỏ vào hũ rượu hoặc chai mật ong một số chất kích thích hóa học. Kiểu này tương tự dân buôn cao hổ cốt, lúc nấu nồi cao bằng xương gà đã bỏ á phiện vào, để người mua dùng có ngay cảm giác hưng phấn”, lương y Trần M. (ngụ quận 5) tiết lộ.

Theo các lương y, núi rừng có nhiều loại củ rễ giống sâm Ngọc Linh như hai giọt nước như củ gáy, tam thất hoang (còn gọi tam thất Vũ Điệp),... Do đó, để khẳng định một củ sâm là sâm Ngọc Linh, trước tiên củ sâm ấy phải còn đủ lá và phải được đưa đến Viện dược liệu - Bộ Y tế hoặc Trung tâm sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh, để kiểm tra xem mẫu thử có thành phần chất vốn có trong sâm Ngọc Linh hay không.

“Bằng không, nếu là thứ củ đã ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc phơi khô, hoặc cắt trụi lá thì chẳng thể nói được điều gì. Cho dù người bán có cam đoan, cam kết nếu không phải sâm Ngọc Linh thật sẽ hoàn tiền hay gì gì đó, cũng chớ nên tin. Bây giờ thật giả khôn lường, thứ gì người ta cũng phán là sâm Ngọc Linh chữa ung thư này nọ. Cả tin, nhiều người lao vào và... dính nạn!” - lương y Trần M. lưu ý. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang