Phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải - UVBCT, Bí thư Thành uỷ tại lễ báo cáo hoàn thành cung thỉnh tượng Bác Hồ với thiếu nhi về nhà thiếu nhi thành phố

Chủ Nhật, 31/05/2015 20:59  | BBT

|

Với sự thành kính và niềm tự hào Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 104 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, phấn khởi Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hôm nay Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Lễ báo cáo hoàn thành Cung thỉnh Tượng Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi thành phố, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ kính yêu.

Thay mặt Thành ủy, tôi trân trọng gởi đến đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trân trọng gởi đến đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng bào, đồng chí, các vị đại biểu, các em thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý lời chúc mạnh khỏe với những tình cảm tốt đẹp nhất.

Từ thành phố này, ngày 5 tháng 6 năm 1911, với lòng thương dân, yêu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Cuộc hành trình của Người đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, là Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người Thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt, đi trước về sau; trái tim Người luôn nhói nỗi đau trước thảm cảnh đọa đày cực kỳ tàn bạo, dã man do thực dân đế quốc gây ra cho đồng bào; đau đớn tột cùng trước sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ miền Nam; thương yêu, tin tưởng mãnh liệt đồng bào miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” kiên cường chiến đấu, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng bào, chiến sĩ, thiếu nhi miền Nam luôn một lòng sắt son hướng về Bác, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng ta, vào Bác Hồ và trông tin Người với tình cảm của những người con với người Cha. Tình cảm, niềm tin ấy là động lực tạo nên sức mạnh giành độc lập dân tộc, ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của toàn dân tộc. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới ngọn cờ vinh quang cùng đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và sự lãnh đạo sáng suốt của Bác, cả dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến công chói lọi, giành toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bốn mươi năm đã đi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố mang tên Bác đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện đường lối đổi mới, đạt được “những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước”[1].

Trên từng bước đường kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong mỗi chiến công, mọi thành quả của thành phố đều có ngọn nguồn sức mạnh vô biên, chỗ dựa tinh thần vững chắc, soi đường, chỉ lối, cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng bộ và Nhân dân thành phố mãi mãi ghi tạc công ơn trời biển của Người và ước muốn thiết tha được xây dựng Tượng đài Bác giữa lòng thành phố để được gần Người hơn. Thấu hiểu nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhất trí và chỉ đạo Thành ủy thực hiện xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Hồ Chí Minh. Bằng tất cả tâm huyết và tình cảm kính yêu đặc biệt với Bác, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Tượng đài Bác Hồ là “một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của Nhân dân thành phố đối với Bác Hồ trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi mai sau; là một công trình văn hoá có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của Nhân dân thành phố, đồng bào Nam Bộ”[2]; là nguồn động viên, cổ vũ Nhân dân thành phố ra sức phấn đấu, xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong quá trình xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Cung thỉnh Tượng Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi thành phố. Tượng Bác Hồ với thiếu nhi được họa sĩ Diệp Minh Châu khắc họa bằng sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, thể hiện tâm huyết, tấm lòng với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Ông Diệp Minh Châu là người có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam, sau khi được nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác, nghe tốp ca thiếu nhi hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, giữa chiến khu Đồng Tháp Mười mênh mong sóng nước năm 1947, đã cảm xúc mãnh liệt, dùng dao rạch cánh tay mình lấy máu vẽ chân dung Bác Hồ và ba em bé, đại diện cho thiếu nhi Bắc Trung Nam. Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu được may mắn sống gần Bác trong nhiều năm, đã ôm ấp hoài bão được khắc họa Tượng Bác. Năm 1980, tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu thạch cao “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc - 1951” tạc dựng hình ảnh Bác trong những ngày đầu kháng chiến vô cùng gian khổ, trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng thần thái vẫn ung dung bên cạnh một cháu bé, thể hiện sự tin yêu đối với thế hệ măng non, chăm lo cho tương lai của đất nước, của cách mạng. Tác phẩm đã đạt giải cao trong cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Vào năm 1990, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” được nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thực hiện bằng chất liệu đồng đỏ nặng gần 9 tấn, cao 3,3 mét, đặt trước trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố. Từ đó đến nay, Tượng “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc - 1951” được các tầng lớp Nhân dân thành phố và bầu bạn khắp nơi gọi thân thiết Tượng Bác Hồ với thiếu nhi, đã trở thành biểu tượng tình cảm đặc biệt, sự yêu thương, chăm lo của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng, chăm lo cho các thế hệ cách mạng của muôn đời sau, biểu trưng cho sự kỳ vọng, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không ngừng phát triển, mãi mãi trường tồn.

Bốn mươi năm qua, Nhà Thiếu nhi thành phố là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân cách, đạo đức của các thế hệ thiếu niên, nhi đồng, cháu ngoan Bác Hồ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc cung thỉnh Tượng Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi thành phố thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tình thương yêu bao la, vô bờ bến của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng; thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, Nhân dân, thanh niên, thiếu nhi thành phố với Bác Hồ muôn vàn kính yêu; đặc biệt là tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn để các cháu thiếu nhi đến với Bác, nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức trong sáng, xây dựng hoài bão, ước mơ cao đẹp, nỗ lực học tập và làm theo 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Các em thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý,

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hướng về miền Nam, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn ở trong tấm lòng của Bác. Trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng miền Nam năm 1965, Bác ao ước, hy vọng, tin tưởng: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”[3]. Hình ảnh Bác Hồ hiền từ, nâng niu bế cháu bé; ân cần bón cơm cho em nhỏ, hay rạng rỡ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị và chan chứa tình yêu thương! Trong sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục đặc biệt của Bác dành cho thiếu niên nhi đồng, cùng với những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu,… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non và dân tộc ta.

Cùng với tình cảm yêu thương bao la của mình, Bác Hồ luôn khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác căn dặn: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”[4]. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945, Bác ân cần dặn dò: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[5], Bác yêu cầu : “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”[6].

Trước lúc đi xa, Bác để lại “Muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[7]. Bác căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[8].

Tất cả thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đều tự hào, thành kính và hồn nhiên hát về Người “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”.

Tương lai của thành phố, của đất nước thuộc về các cháu thiếu niên, nhi đồng. Thiếu niên, nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh phải luôn nhớ ơn Bác Hồ, không ngừng cố gắng nhiều hơn nữa, phấn đấu học tập, rèn luyện, thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ và sau này trở thành những công dân tốt cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng và mong rằng Ban Thường vụ Thành Đoàn, Hội đồng Đội, các cháu thiếu nhi thành phố sẽ làm thật tốt việc quản lý, giữ gìn Tượng Bác Hồ với thiếu nhi, nâng cao hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, tấm gương sáng ngời của Bác Hồ đối với thế hệ măng non, cổ vũ thiếu niên, nhi đồng thành phố học tập, thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố xin hứa với Bác, mãi mãi đi theo con đường do Bác, Đảng ta đã chỉ ra; học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố “đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”[9], vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; hết lòng chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, thực hiện các chương trình, kế hoạch, tạo môi trường thuận lợi để tất cả các cháu thiếu nhi đều có điều kiện sống, học tập, vui chơi, phát huy tố chất, sở trường, năng khiếu, sáng tạo và phát triển toàn diện.

Với tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn và niềm tin son sắt với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, hôm nay, những người con của miền Nam thành đồng Tổ quốc, mảnh đất mãi mãi nằm trong trái tim vĩ đại của Người, kính xin báo cáo hoàn thành Cung thỉnh Tượng Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi thành phố.

Thành ủy kính báo cáo đồng bào, đồng chí, chiến sĩ thành phố. Thay mặt Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tôi trân trọng kính chúc đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư, trân trọng kính chúc đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí, các vị đại biểu, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thành phố, các em thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

[1] Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, ngày 10 tháng 8 năm 2012

[2] Phát biểu của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ Khánh thành, báo cáo với Nhân dân và Đảng bộ thành phố về hoàn thành xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 5 năm 2015

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 14, trang 754

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 7, trang 186

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 4, trang 35

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 15, trang 579

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 15, trang 624

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 15, trang 622

[9] Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, ngày 10 tháng 8 năm 2012


Bình luận (0)

Lên đầu trang