Phản hồi bài “Thế giới... độ chim”: Để những cuộc chơi chim tao nhã, lành mạnh

Thứ Năm, 11/06/2015 08:02  | Lê Ngân - Phương Sơn

|

(CATP) Báo CATP phát hành ngày 5-6-2015 có bài “Thế giới... độ chim”, phản ánh một thực trạng mới thông qua việc độ chim. Sự việc đang diễn ra tại một số câu lạc bộ ở huyện Dĩ An, Bình Dương. Trò sát phạt biến tướng này đã khiến thú chơi tao nhã của nhiều người bị ảnh hưởng, hiểu lầm, bóp méo.

Ngày 9-6, Báo Công an TPHCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức chim cảnh Việt Nam, trực thuộc Trung ương Hội sinh vật cảnh VN. Ông Thân cho rằng chơi chim là thú vui tao nhã, giải trí lành mạnh, sau thời gian làm việc mệt mỏi, giúp cho ta có thêm sự kiên nhẫn. Chơi chim là nét đẹp trong văn hóa dân gian từ xa xưa.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức chim cảnh Việt Nam - Ảnh: Báo CATP

Vào những ngày lễ hội làng, ngoài các trò chơi đánh cờ, kéo co, đô vật... còn có các cuộc thi chọi chim, chim hót, làm phong phú thêm cuộc sống của người dân, cần được duy trì. Phong trào chơi chim hiện nay đang phát triển mạnh, nhất là chim chào mào. Từ nhu cầu này, ra đời nhiều cơ sở sản xuất thức ăn, lồng chim, trang trại gây giống... góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Chính vì vậy, ngày 14-3-2015, Trung ương Hội sinh vật cảnh VN thành lập Liên hiệp hội chim cảnh Việt Nam, có điều lệ quy định hoạt động rõ ràng. Cuối tháng 4-2015, Hiệp hội chim cảnh phía Bắc đã tổ chức đại hội, bầu ra 90 người trong Ban chấp hành. Sắp tới, trong tháng 6 và 7-2015, các hội ở phía Nam sẽ tiến hành đại hội.

Ông Thân mong muốn các hội chim hoạt động tự phát đăng ký tham gia sinh hoạt trong Liên hiệp hội chim cảnh VN từng khu vực, để hỗ trợ, giúp đỡ tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, tránh tiêu cực xảy ra khi không ai quản lý, kiểm soát.

Liên hiệp hội sẽ tổ chức lớp tập huấn trọng tài làm Ban giám khảo, để đảm bảo sự công bằng trong chấm thi. Bởi hiện có những cuộc thi tự phát, trọng tài chấm không công tâm, không đúng tiêu chí nhằm đưa những chim thuộc vây cánh của mình vào sâu trong giải, còn loại bỏ những chim tốt, sau đó nâng giá những chim này lên rồi bán ra thị trường.

Ông Vương Xuân Nguyên (thứ hai từ phải sang) trao đổi với PV Báo CATP - Ảnh: Báo CATP

Ông Thân cũng khẳng định những cuộc thi chim hót, nhất là chào mào, khó có chuyện tiêu cực. Bởi những cuộc thi này phải có thông báo thể lệ, thành phần ban giám khảo, cơ cấu giải, chấp thuận của chính quyền địa phương. Ban tổ chức thu phí của mỗi nghệ nhân tham gia khoảng 100.000 - 200.000đ, để trao giải thưởng, chi phí tổ chức, còn lại lập quỹ làm công tác xã hội từ thiện.

Trước đó, ngày 8-6-2015, tại Văn phòng đại diện báo CA TPHCM ở Hà Nội (số 9 ngõ 535 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi đã nhận được phản hồi từ những người nuôi chim chân chính. Ông Đặng Cao Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội chào mào miền Bắc - cám ơn Báo CATP đã phản ánh kịp thời những tiêu cực của một nhóm, cá nhân làm ảnh hưởng tới tiêu chí, mục đích phát triển của hiệp hội.

Ông Vương Xuân Nguyên - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam - khẳng định: “Các câu lạc bộ mà báo CATP phản ánh không nằm trong hiệp hội sinh vật cảnh. Hiệp hội có những quy định khắt khe, để đảm bảo một sân chơi tao nhã, lành mạnh cho tất cả các hội viên. Hiệp hội cũng đã từng khai trừ một Phó Chủ tịch, vì hành vi vụ lợi thiếu lành mạnh”.

Ông Nguyên cũng như ông Hải bày tỏ, mong muốn được hợp tác cùng Báo CATP trong các chương trình từ thiện, vốn là tiêu chí, mục đích và tôn chỉ hoạt động của hai Hiệp hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang