(CAO) Vì có quá nhiều người chỉ trích mạng xã hội, nên nhiều người thường nghĩ, mạng xã hội là trăm hại không một lợi. Nhưng, sự thật không phải thế, quan trọng là bạn sử dụng như thế nào. Thông qua mạng xã hội, một người phụ nữ trẻ ở Nghệ An đã “cứu” hàng trăm người khỏi cảnh suy dinh dưỡng, sống như thời “ăn lông, ở lỗ”.
Chị Đàm Thị Lan Anh, có nickname Facebook là Lan Đàm, một mạnh thường quân có tiếng ở thành phố Vinh. Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An là một trong những chỗ chị hay tới làm thiện nguyện.
Chị Lan Anh kể: “Lần đầu tiên tới thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, tôi thật sự bị sốc, không dám tin vào mắt mình. Khi thấy hàng trăm bệnh nhân tâm thần trần truồng ngồi vạ vật khắp nơi, ăn bốc từ những thau nhôm to, ở trong thau nhôm chỉ là cơm trắng với 3 miếng thịt ba chỉ mỏng lét. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ: Dù họ có là người điên thì cũng không thể đối xử như thế”.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Càng tìm hiểu, chị Lan Anh càng tức giận. Theo những thành viên khác trong trung tâm (ngoài bệnh nhân tâm thần nặng, trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An còn bảo trợ những người già neo đơn khác), không chỉ những bệnh nhân tâm thần mà cả bản thân họ cũng không được chăm nuôi theo đúng chế độ.
Hình ảnh trước (loạt ảnh dọc bên trái) và sau khi tố cáo
Trong trung tâm, có 5 nhóm đối tượng hưởng trợ cấp khác nhau, lần lượt là: 360.000, 450.000, 540.000, 810.000, 1.080.000 ngàn đồng/1 tháng, nhưng đều có suất ăn giống nhau. Khẩu phần 1 tô cơm và 3 miếng thịt gần như phần ăn cố định của họ trong 4 năm qua.
Chưa hết, theo chế độ của nhà nước, mỗi năm bệnh nhân được nhận 4 bộ quần áo (2 hè, 2 đông), 1 đôi dép, 1 cái chăn, 1 chiếc chiếu và 1 cái khăn. Nhưng trong 5 năm gần đây, chẳng ai trong trung tâm này nhận được bất cứ thứ gì tương tự như thế.
Mỗi năm, trung tâm có gần 10 người ra đi, một phần do bệnh tật, một phần khác do suy dinh dưỡng và rét. Chưa hết, thỉnh thoảng trung tâm còn cắt bớt 2 tháng tiền chế độ khi các đối tượng về nhà an dưỡng.
Sau khi chị Lan Anh đưa những thông tin động trời đó lên Facebook đã có hàng ngàn người quan tâm, chia sẻ, bình luận; đánh động được các báo đài khắp cả nước, cũng như lãnh đạo cao cấp của tỉnh Nghệ An.
Bữa ăn của các thành viên trong trung tâm trước khi tố cáo
Bữa ăn được cải thiện hơn sau khi tố cáo
Ngoài ra, chị Lan Anh cũng nhận được rất nhiều hiện vật, hiện kim mà những người có lòng khắp nơi trong và ngoài nước gửi về để hỗ trợ cho những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An.
Chị Lan Anh chia sẻ tiếp: “May mà mình nhanh trí đưa tất cả bằng chứng lên Facebook, nếu không chẳng biết kết quả sẽ như thế nào. Đi gõ cửa trực tiếp, nhiều khi người ta tức giận lên đe dọa mình, hủy hết các bằng chứng thì cũng chịu. Còn đã đưa lên mạng xã hội thì chẳng ai quản lý được nữa, những bằng chứng đó trở thành tài sản chung của xã hội, làm sao “kẻ xấu” có thể thủ tiêu hết”.
Theo chị, mặc dù kết quả thu lại vẫn chưa như những gì mong muốn, nhưng chị không hối hận vì đã lên tiếng. Bởi, mặc dù kẻ thủ ác vẫn chưa bị pháp luật trừng trị, nhưng ít ra đời sống của những con người cùng khổ ở trung tâm đã cải thiện một cách đáng kể.
Mạng xã hội đã giúp các thành viên trong trung tâm có cuộc sống tốt hơn
Tất cả đều có quần áo để mặc, mặc dù bữa cơm vẫn chưa xứng với số tiền trợ cấp mới: 810.000/1 tháng, nhưng chất lượng đã được cải thiện đáng kể so với trước kia, ăn trong khay với thìa muỗng,...
Chẳng nhẽ vì 1/3 số bệnh nhân trong trung tâm có “sở thích” xé quần áo và đánh nhau thì 2/3 còn lại cũng phải ở truồng và ăn bốc? Hoặc chúng ta có thể dùng thìa nhựa, thu lại ngay sau khi bệnh nhân ăn xong.
Hành động của chị Lan Anh cùng sức mạnh khủng khiếp của mạng xã hội, đã đánh lên một hồi chuông cảnh tỉnh về cách mà xã hội đối xử với những đối tượng yếu thế khác nhau, không chỉ giúp cuộc sống của những bệnh nhân tâm thần và người già neo đơn ở trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An mà còn khắp nơi trong cả nước.
Cách đây chưa lâu, lãnh đạo sở Lao động thương binh và xã hội Nghệ An đã trần tình với báo đài như thế này: Do chế độ thấp: 450.000 ngàn/1 tháng, nên chỉ có thể cho bệnh nhân ăn như thế; không cho họ mặc áo quần là sợ họ xé mất và không cho ăn thìa hay đũa là bởi đề phòng họ lấy dụng cụ ăn uống làm hung khí. Để vài bệnh nhân nặng “tự sinh, tự diệt” là bởi trung tâm không đủ người, bất lực. Họ không hề làm gì sai hết, không có chuyện ăn bớt, ăn xén hay bắt các bệnh nhân chăm nhau thay vì hộ lý. |