Chàng trai câm điếc có đôi tay tài hoa kì diệu

Thứ Sáu, 25/12/2015 05:08

|

(CAO) Một chàng trai câm điếc nhưng bàn tay lại tài hoa và kì diệu với những đường nét chạm trổ tạo nên những sản phẩm mộc mỹ nghệ đầy linh hồn và độc đáo.

Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi bước chân đến Cầu Ngói Thanh Toàn, tình cờ ghé thăm vào cơ sở mộc mỹ nghệ mà anh Ngô Tam Bửu (30 tuổi) được chính quyền xã hỗ trợ nằm gần chân cầu.

Ngôi nhà của anh nằm cạnh bên một con kênh nhỏ êm đềm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo đông con, lại là con trai duy nhất nên anh Bửu được cha mẹ đặt niềm hi vọng lớn.

Thổi hồn vào nghề

Thế nhưng số phận trớ trêu đã không ban cho anh Bửu khả năng nghe nói như bao người khác. Tuy bị câm điếc bẩm sinh nhưng chính nghị lực của bản thân đã giúp anh Bửu vượt lên trên số phận của mình để trở thành một người thợ điêu khắc giỏi có tiếng ở Huế.

Anh Bửu đang đục đẽo một ông thần tài

Chúng tôi không nói chuyện được với anh Bửu nên chỉ có thể đưa tay ra dấu hoặc viết lên giấy cho anh hiểu nhưng trong đáy mắt anh luôn ánh lên nỗi niềm khó tả khi nói về cuộc đời mình.

Lúc nhỏ anh học ở trường làng Thủy Thanh hai năm đến năm 8 tuổi thì được cha mẹ chuyển lên trường Vĩnh Ninh, thành phố Huế để học tiếp.

Anh Bửu học ngang lớp 8 thì hết chương trình vì đó là trường dành cho học sinh khuyết tật. Nhận thấy năng khiếu vẽ của anh Bửu, một cô giáo dạy học cho anh đã định hướng giúp cho anh thực hiện mơ ước. Anh Bửu muốn đi học tiếp nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ ở thành phố nhưng cha mẹ anh lo cho con nên không cho.

Anh Bửu được gửi cho thầy Kim Du, đường Hải Triều, Huế để học nghề. May mắn đã mỉm cười vì anh được học một người thầy giỏi và tận tình chỉ dạy. Anh Bửu được thầy và bạn bè vô cùng yêu mến, anh còn là lớp trưởng trong lớp học nghề của thầy Du.

Chính bằng nghị lực và niềm đam mê, ngày ngày đạp xe vượt đường dài gần 10km anh đã hoàn thành khoá học của mình một cách xuất sắc sau 3 năm học nghề.

Một sản phẩm được làm từ gỗ của anh Bửu

Trở về nhà, anh Bửu bắt đầu thực hiện các sản phẩm của mình với những ý tưởng gần gũi, thân thuộc với bản thân và quê hương mộc mạc như Cầu Ngói Thanh Toàn, xe đạp nước, xe đạp lúa,…

Những sản phẩm ban đầu được làm từ gỗ, tăm tre với đầy sự sáng tạo của bản thân anh. Với nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của chính mình, sản phẩm “Cày ruộng” của anh đã được lọt vào vòng chung khảo Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng Huế 2010.

Rồi bắt đầu từ đó, anh Bửu bắt đầu gặt hái được nhiều quả ngọt trên chính mồ hôi và công sức của mình như sản phẩm của anh được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thị xã năm 2011 và nhiều năm liền sau đó,…

Tiếp thêm niềm tin cho thế hệ trẻ

Gương mặt anh Bửu rạng rỡ, tươi sáng hơn hẳn khi đem một quyển sổ đầy giấy chứng nhận giải đem ra cho tôi xem và chỉ vào những bằng khen mà chính mình đã đạt được.

Anh Bửu đã từng là một trong 4 nhà nông của tỉnh Thừa Thiên Huế có mặt trong danh sách 300 nhà nông xuất sắc nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2013. Gần đây nhất, anh Bửu còn nhận được bằng khen của thị xã Hương Thủy khi anh là một trong những đoàn viên thanh niên xã Thủy Thanh có thành tích xuất sắc trong phong trào yêu nước giai đoạn 2010-2015… 

Những chứng nhận mà anh Bửu đạt được

Anh Bửu chính là một tấm gương vượt khó để vươn lên cuộc sống, là một tấm gương giúp cho bao thế hệ đoàn viên thanh niên học tập, sống và cống hiến cho xã hội.

Không những thế, anh Bửu còn tiếp thêm niềm tin cho những ai muốn vươn lên cuộc sống.

Chính bản thân anh Bửu, một con người không nghe, không nói được nhưng vẫn có thể tiếp tục truyền lửa cho hai người học trò nối gót của mình. Mặc dù gặp khó khăn trong việc truyền đạt để học trò hiểu nhưng anh vẫn cố hết sức mình để truyền đạt cái nghề cho một thế hệ khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang