Số phận trớ trêu và nghị lực phi thường của một cựu sĩ quan công an mù lòa

Thứ Bảy, 05/12/2015 18:49  | Kim Đồng

|

(CAO) Mặc dù đôi mắt bị mù, nhưng anh Vũ Xuân Trường có thể sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại di động, vào mạng internet để đọc báo như bao người bình thường. Anh là “thủ lĩnh” của các thành viên trong hội Người mù tỉnh Lâm Đồng.

Nhắc đến anh Vũ Xuân Trường (SN 1964, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Lâm Đồng, ngụ tại đường Trần Quang Diệu, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) ai cũng biết. Bởi, trước đây anh từng là trung úy công tác tại Phòng Điều tra xét hỏi (Công an Lâm Đồng), do tai họa bất ngờ ập đến khiến đôi mắt bị mù buộc anh phải nghỉ việc. Thế nhưng bằng nghị lực vượt lên số phận, hiện anh là “thủ lĩnh” của hàng trăm con người trong Hội người mù tỉnh Lâm Đồng.

Số phận trớ trêu

Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, cuối năm 1985 từ một anh bộ đội lữ đoàn 144, anh Vũ Xuân Trường chuyển về Đà Lạt công tác tại Phòng Điều tra xét hỏi (Công an Lâm Đồng). Đến năm 1993, với vai trò là trung úy Công an, trong công việc anh Trường luôn làm tốt nhiệm vụ được giao. Đối với gia đình anh là một người cha, người chồng hết mực quan tâm, chăm sóc vợ con. Cuộc sống gia đình đang êm ấm, hạnh phúc thì bất ngờ một tai họa ập đến khiến anh rơi vào số phận mù lòa.

Anh Trường đang đọc chữ nổi

Anh Trường cho biết: “Sau phiên trực Tết, tôi bị sốt nên đi khám và được bác sĩ kê thuốc cho uống. Thế nhưng càng dùng thuốc tôi càng bị sốt cao, có triệu chứng bỏng toàn thân và hôn mê. Sau 28 ngày điều trị tại các bệnh viện ở Đà Lạt và TP.HCM, tôi tỉnh lại tuy không còn sốt nhưng đôi mắt cứ mờ dần. Với mong muốn có đôi mắt bình thường như trước đây, tôi tiếp tục tìm đến Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) để điều trị, nhưng mọi nỗ lực chữa trị của y bác sĩ tại đây đều không thành. Hơn 5 năm điều trị, tôi trở về nhà với đôi mắt mù lòa”.

Giã từ màu áo Công an, tạm biệt những ước mơ và lý tưởng vẫn còn đang dang dở. Anh Trường loạng choạng bước đi khi tương lai phía trước là một màu xám xịt. Đã có lúc anh trầm mình trong đau đớn và phó mặc mọi thứ cho cuộc đời. Song dẫu mất đi đôi mắt, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ của một chiến sĩ cách mạng cùng trách nhiệm làm cha, làm chồng và sự cảm thông, chia sẻ động viên của bạn bè, người thân đặc biệt là vợ đã tiếp thêm sức mạnh để anh Vũ Xuân Trường không bị gục ngã trước số phận.

Anh Trường ngậm ngùi chia sẻ: “Nghĩ đến việc gia đình đang ở nhà thuê, một mình vợ vất vả ngoài chợ bán lòng heo để kiếm tiền nuôi cả gia đình, lúc đó tôi hoàn toàn tuyệt vọng chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng khi nghĩ đến hai con thơ và người vợ đã vất vả chăm sóc mình lúc nằm trong bệnh viện, tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt lên số phận”.

Năm 2000, trong một lần nghe đài anh Trường vui mừng khi biết ở một số tỉnh có tổ chức Hội người mù, và nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình đã vượt qua khó khăn. Anh Trường chia sẻ: “khi biết được có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như mình nhưng họ vẫn cố gắng nổ lực tự vươn lên để làm một điều gì đó có ích cho xã hội, tôi nghĩ mình cũng có thể làm được. Từ đó tôi quyết tâm học chữ nổi braille, học cách sử dụng máy tính, học định hướng di chuyển...”.

Đứng dậy từ bóng tối

Sau một thời gian kiên trì tập luyện, anh Vũ Xuân Trường đã có thể chủ động bước ra xã hội. Anh cùng một vài người bạn cùng cảnh ngộ xin gia nhập Hội Khuyết tật Đà Lạt để sinh hoạt và học tập kinh nghiệm.

"Tham gia sinh hoạt cùng hội một thời gian, đến tháng 8-2001 tỉnh Lâm Đồng cho phép lập ra Ban vận động thành lập Hội người mù, tôi rất vui. Bằng sự chân thành và cảm thông sâu sắc với các bạn đồng cảnh ngộ, sau khi được Trung ương Hội người mù tư vấn, tôi cùng số người mù đã chủ động xuống khắp các huyện trong tỉnh tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người khiếm thị ở địa phương, tập trung sinh hoạt, và tìm tiếng nói chung cho cộng đồng khiếm thị với mong muốn sẽ thành lập Hội Người mù. Đến tháng 4-2003, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập Hội người mù, tôi được bầu làm chủ tịch Hội. Lúc đó Hội có 3 người mù cùng 2 người sáng mắt nằm trong ban thường vụ và phải mượn tạm một phòng làm việc tại Sở lao động thương binh xã hội tỉnh”, anh Trường cho biết.

Anh Trường kể lại câu chuyện đời mình cho PV Báo Công an TP. HCM

Tháng 10-2003, trong một lần đi thăm Hội Người mù, một nhà hảo tâm thấy được sự khó khăn của Hội đã cho mượn tạm ngôi nhà gỗ trên đường Sương Nguyệt Ánh. Sau khi có chỗ làm việc mới, mặc dù chỉ có 7 triệu đồng trong tay, Hội đã mạnh dặn mở Cơ sở dạy chữ nổi braille, xóa mù chữ và tổ chức dạy nghề cho hơn 40 người khiếm thị.

Mới đầu hoạt động, anh Trường luôn trăn trở khi Cơ sở luôn thiếu thốn về vật chất và gặp nhiều khó khăn khi rào cản của người khiếm thính là giao tiếp, nắm bắt thông tin. Thế nhưng, cuối năm 2003 anh Hoàng Thương (là bạn thân của anh Trường), một Việt kiều khiếm thị về thăm quê, biết được anh Trường đang là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, anh Thương đã mua tặng một cái máy vi tính và dạy cách sử dụng.

Anh Trường chia sẻ: “Được anh Thương tặng máy tính và dạy cách thao tác trên máy, tôi có thêm động lực để vươn lên. Một thời gian sau tôi đã có thể tự sử dụng máy tính một cách thành thạo. Từ đó tôi đã chủ động phổ cập tin học cho một vài anh chị em trong Hội. Khi một vài người đã biết cách sử dụng máy tính, tôi muốn mua thêm máy để mở lớp học dạy vi tính nhưng không có tiền. Rất may, năm 2006, tôi vinh dự đoạt được giải thưởng trong cuộc thi "Ngày sáng tạo Việt Nam" với đề tài "Dạy vi tính cho trẻ em và thanh thiếu niên mù" do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được số tiền thưởng là 136 triệu đồng. Với số tiền này, tôi đã mua 8 dàn máy vi tính để tại Cơ sở đào tạo”.

Sau khi có được máy vi tính, Hội Người mù đã kết hợp với trung tâm dạy tin học trường Đại học Đà Lạt để đào tạo cho một vài thành viên trong Hội, khóa học thành công khi các học viên điều được tốt nghiệp. Sự lan tỏa từ lớp học giúp Hội chính thức mở lớp học vi tính cho người mù”.

Đi tìm ánh sáng

Được anh Thương tặng máy vi tính và dạy cách thao tác trên máy, anh Trường được tiếp thêm động lực, anh ấp ủ ước mơ trở lại giảng đường đại học. Lúc tai họa ập đến, anh Trường đang học năm 3 khoa Luật tại chức Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là ĐH Luật Hà Nội), nhưng do phải nghỉ học giữa chừng để điều trị đôi mắt nên anh xin được bảo lưu kết quả. Nhận thấy việc học là quan trọng, anh quyết định gửi đơn xin tiếp tục theo học tại trường. Tuy nhiên, khi biết anh bị mù, nhà trường đã từ chối không nhận anh vào học.

Không chịu khuất phục, tháng 8-2005, anh quyết định trực tiếp gặp Ban giám hiệu trường Đại học Luật Hà Nội để trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng. Anh Trường nhớ lại: "Lúc đầu sau khi nghe tôi trình bày về hoàn cảnh và nguyện vọng Ban giám hiệu cùng thầy cô nơi đây vẫn chần chừ, do dự, đến khi tôi lấy máy vi tính gõ một bài thơ và lá đơn thì các thầy cô ngỡ ngàng và rất xúc động. Tuy nhiên mọi người vẫn do dự vì cho rằng đây là trường hợp đặc biệt cần xin ý kiến từ Bộ Tư pháp. Mãi đến một thời gian sau, được Bộ Tư pháp đồng ý, tôi mới được nhà trường cho tiếp tục học để hoàn tất chương trình học đang còn dang dở”.

Anh Trường có thể tự dùng điện thoại di động, máy tính để đánh văn bản, truy cập internet cập nhật thông tin

Năm 2006, đeo balô trên vai với hành trang cho năm học mới, anh Trường một mình với đôi mắt mù lòa “bước ra từ bóng tối để đi tìm ánh sáng” anh lên Hà Nội trở lại giảng đường. Mặc dù bị mù, nhưng bản thân anh luôn nổ lực cố gắng học tập thật tốt, cuối năm, anh bước vào kỳ thi tốt nghiệp với kết quả cao nhất lớp.

Anh Trường nhớ lại: “Bước vào kỳ thi tốt nghiệp, tôi trực tiếp làm bài trên máy vi tính, sau đó in ra và giám thị ký vào. Kết quả thi cử tôi đứng đầu lớp. Cầm tấm bằng cử nhân trên tay, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, bạn bè thầy cô giáo ai cũng ngỡ ngàng và hết sức khâm phục”.

Mặc dù đã có bằng cử nhân Luật, nhưng đối với anh Trường công việc học tập là mãi mãi, anh mong muốn được học lên cao học, tuy nhiên do sức khỏe không tốt nên con đường học tập của anh không được trọn vẹn.

Hiện nay, trên vai trò là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng anh Trường luôn thực hiện tốt công việc của mình, anh tổ chức các lớp dạy học, dạy nghề để tạo công ăn việc làm cho những người mù để họ vượt qua mặc cảm hòa nhập với cộng đồng. Với những gì mình đã và đang làm anh Vũ Xuân Trường luôn được mọi người quý mến và cảm phục. Anh được xem là tấm gương sáng về nghị lực sống vươn lên số phận để mọi người noi theo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang