(CAO) Đều đặn hai lần trong một tháng, cụ ông Phan Định Xiết - một ông lão người Dao ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại tạm gác việc nhà để băng rừng, lội suối đến kiểm tra cột mốc biên giới trên địa bàn.
Bản Suối Tút yên bình nép mình dưới chân dãy núi Pom Dưới vùng biên giới Việt - Lào. Trong căn nhà nhỏ của cụ Xiết, cái lạnh đầu đông giữa đại ngàn Mường Lát như tan biến bởi những chén rượu ngô bên bếp lửa đỏ au than củi.
Nhìn cụ Xiết, nghe cụ kể chuyện bằng cái giọng sang sảng, “đấu” rượu với cụ chắc chẳng ai nghĩ cụ đã ngoài 70 tuổi.
Hơn 20 năm cụ Xiết tình nguyện làm công việc tuần tra, thăm kiểm tra cột mốc biên giới
Hơn 20 năm qua, cụ Xiết tình nguyện làm cái công việc tuần tra biên giới, thăm kiểm ta cột mốc G6, nay là cột mốc 287 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Xem clip:
Hỏi cụ sao lại có cái ý định tình nguyện thực hiện việc tuần tra biên giới, thăm kiểm tra, bảo vệ cột mốc biên giới? Cụ mộc mạc trả lời: “Bác Hồ nói tấc đất tấc vàng, một tấc không đi một ly không dời. Bố ở vùng biên giới nên bố quyết tâm bảo vệ cột mốc. Bố thấy cái cột mốc là hết sức quan trọng, hết sức thiêng liêng đối với bố, đối với Tổ Quốc của chúng ta, nó là đất đai, là rừng núi của chúng ta không ai có thể di dời, xâm chiếm được nên bố quyết tâm giữ gìn, bảo vệ”.
Cụ Xiết trao đổi thông tin với Bộ đội biên phòng sau mỗi lần tuần tra biên giới
Xuất phát từ ý nghĩ đó, từ năm 1994, cụ Xiết đã tình nguyện làm cái công việc băng rừng lội suối đi tuần tra biên giới, thăm kiểm tra và bảo vệ cột mốc 287.
Để đến được cột mốc này cụ Xiết phải vượt qua quãng đường núi hơn 5km, băng qua nhiều suối sâu, đèo cao, địa hình hiểm trở.
Đường vào bản Suối Tút
Hành trang trong mỗi lần tuần tra của cụ Xiết là con dao quắm dùng để phát cây trên đường đi, một cuốn sổ ghi chép để ghi lại thông tin mỗi lần thăm mốc, cơm nắm, nước uống mang theo ăn dọc đường. Hành trình của cụ Xiết bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc vào chiều muộn, khi mặt trời đã xuống núi.
Mỗi lần đến cột mốc 287, cụ Xiết cẩn thận ghi chép các thông tin liên quan, chỗ cột mốc bị sứt sẹo nếu có, dùng dao phát quang cây cỏ dại lấn vào khu vực cột mốc, đắp đất vào những chỗ đất ở chân mốc bị mưa rừng làm sói lở… Ghi chép thông tin cẩn thận vào sổ ghi chép, cụ Xiết quay về trao đổi lại với Bộ đội biên phòng ở Đồn biên phòng Quang Chiểu đóng trên địa bàn.
Cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu trên mỗi nếp nhà của đồng bào vùng cao biên giới
Nói về tương lai công việc, cụ Xiết bảo: “Bố rồi cũng sẽ già yếu, sẽ không đi rừng được nữa. Chính vì vậy bố họp gia đình và bàn giao công việc bảo vệ cột mốc cho thằng San con trai bố. Bố có 3 con trai, 3 con gái, bố yếu thì sẽ có đứa thay, gia đình bố sẽ thay nhau bảo vệ cái cột mốc này mãi”.
Trong những lần “thăm mốc” gần đây, đồng hành với cụ Xiết là người con trai tên San. Anh con trai được bố chỉ bảo kỹ lưỡng những công việc mà mình đã gắn bó hơn 20 năm qua, để anh có thể vững vàng nối tiếp công việc của bố mình nơi biên cương Tổ Quốc.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Quang Chiểu nói với chúng tôi rằng, công việc tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh trật tự trên đia bàn vẫn do lực lượng biên phòng chủ lực đảm nhiệm. Dẫu vậy, việc làm của cụ Xiết và gia đình là rất cần thiết, mang lại những hiệu quả tích cực và đóng góp công sức rất nhiều cho vấn đề an ninh biên giới.
Trước đây ở bản Suối Tút có duy nhất cột mốc G6, sau này mật độ mốc giới được cắm dày hơn với 4 cột (gồm 285, 286, 287 và 288). Hiện tại gia đình cụ Xiết vẫn đảm nhận trông coi tất cả các cột mốc này mà không đòi hỏi bất kỳ một chế độ hỗ trợ gì.
Ở nơi biên cương Tổ Quốc, một hành động phá hoại cột mốc dù vô tình hay cố ý cũng có thể gây hiểu nhầm cho công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới. Điều đó cho thấy việc làm bảo vệ cột mốc của gia đình của cụ Xiết là rất quan trọng.
Rời Mường Lát trong tiết trời se lạnh, hình ảnh in đậm trong tâm trí chúng tôi là lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu, tung bay trên mỗi nếp nhà sàn. Đứng ở cái nơi mà chỉ vài bước chân thôi ta đã ở bên một quốc gia khác có lẽ chúng ta mới cảm nhận hết hai từ Tổ Quốc thiêng liêng thế nào.