Chạy xe thuê nuôi 74 người điên trong nhà

Thứ Ba, 29/12/2015 08:59  | Chí Dũng

|

(CAO) Ở vùng cao nguyên đầy nắng và gió, có một đôi vợ chồng nghèo nhận cưu mang 74 người mắc bệnh tâm thần đến từ mọi miền đất nước. Chủ “ngôi nhà vui vẻ” là anh Hà Tư Phước và vợ là Huỳnh Thị Hạc ở thôn Ia Rôc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku (Gia Lai).

Đôi vợ chồng làm những việc không tưởng

Khi chúng tôi đến “ngôi nhà vui vẻ” cũng là lúc bắt đầu giờ ăn của 74 người “bạn đặc biệt” của anh Phước. Nhìn cảnh tượng hàng chục người xếp hàng dài ngay ngắn, chờ đến lượt lấy phần cơm của mình, khó ai mà nhận ra đây là những bệnh nhân tâm thần.

Trong căn bếp khoảng 10m3, một mình chị Huỳnh Thị Hạc loay hoay sắp xếp khẩu phần ăn vào 74 cái bát, rồi lần lượt phát cho từng người một.

Lau đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt mình, chị cười và bảo: “Phải dậy từ sớm đi chợ, mua đủ thức ăn cho gần 80 chục người ăn. Mất gần buổi sáng nấu và chuẩn bị khẩu phần ăn cho mọi người, vất vả tý nhưng lại thấy vui.”

Chị Hạc chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình đông đúc này

Đang nói chuyện với chị Hạc, thì anh Phước cũng đã kịp đánh chiếc xe tải vào sân. Chiếc xe này chính là cần câu cơm cho gia đình gần 80 chục người.

Vừa bước xuống xe, đã có 2 thanh niên đến túm lấy áo anh, miệng lắp bắp: “Sáng nay, Hùng bị đau bụng, Minh thì bị đau chân ở đoạn này”. Anh Phước ân cần bảo: “Ăn cơm xong chú lấy thuốc và dầu gió bôi nhé”. Hai anh bạn vui vẻ gật đầu và đi về xếp hàng chờ đến lượt lấy khẩu phần ăn.

Anh Phước thay vội bộ áo quần lấm lem vì bụi rồi tiếp chúng tôi. Anh chia sẻ: Mình làm nghề bốc vác và chở vật liệu xây dựng nên đi tối ngày. Chỉ cần có thời gian rảnh là mình chạy về thăm anh em. Cơm, áo, gạo, tiền của cả ngôi nhà đông đúc này đều dựa vào mình nên phải cố thôi. Làm thì làm nhưng cũng phải thường xuyên để ý tới những người “bạn đặc biệt” này.

74 người “bạn đặc biệt” sống vui vẻ hòa đồng với nhau dưới 1 mái nhà

Anh Phước bắt đầu kể về cơ duyên với những bệnh nhân tâm thần. Năm 2003, kinh tế gia đình anh rất khó khăn, ngoài nuôi gia đình nhỏ của mình anh còn phải lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Anh ngày ngày đi lái xe thuê kiếm từng đồng.

Như duyên trời định trong lần chạy xe ở dưới huyện, anh tình cờ gặp một thanh niên đi ngoài đường, chân bị trói bởi dây xích. Nhìn bộ dạng có thể gục xuống đường lúc nào không biết. Lúc đó con tim thôi thúc, cần làm gì cho anh thanh niên đó, thế là tôi đưa lên xe chở về nhà.

Những thành viên của ngôi “nhà vui vẻ” cùng anh Phước

Về đến nhà, ai cũng nghĩ anh bị khùng mới nuôi người điên không quen biết trong nhà.

Vợ anh thì khóc lên, khóc xuống vì không thể tưởng tượng nổi chồng mình làm cái việc khác người đến vậy.

“Mặc dù không đồng ý bằng mặt, nhưng với trái tim nhân hậu vợ tôi cũng chăm lo cho người “bạn đặc biệt” của chồng này. Thời gian sau, vợ tôi bắt đầu quen dần với việc thỉnh thoảng đi làm về, tôi lại dẫn theo một người “bạn đặc biệt mới”. Giờ vợ tôi đã trở thành cánh tay phải của tôi trong chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho các thành viên ở đây”, anh Phước nói.

Mát tay với người điên

74 con người ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, họ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng nhiều nhất vẫn là những bệnh nhân tâm thần bị gia đình bỏ rơi, được vợ chồng anh đưa về nuôi. Tất cả bệnh nhân ở trong nhà anh Phước, ngoài những bệnh nhân nặng bị nhốt cách ly còn lại vẫn chung sống vui vẻ cùng gia đình anh.

Có nhiều trường hợp trước khi vào đây vì bệnh không điều khiển được bản thân, đã gây ra những vụ án tày đình. Có người từng giết cha, giết anh em, hàng xóm khi lên cơn. Rồi vào đây họ đã rủ bỏ được những tội ác mình gây ra và sống lương thiện, bệnh tình cũng dần thuyên giảm.

Sau 1 thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân đã có thể giúp việc lặt vặt trong nhà

Trường hợp của Q. (23 tuổi, ở Phú Thọ) vào đây sau khi nghịch tử này vung dao chém cha mẹ. Q. giờ vẫn nhớ rất rõ, hôm đó lúc đêm khuya Q. lên cơn, cầm dao chém loạn xạ trong nhà. Cha mẹ Q. bị dính nhiều vết chém và tử vong, mẹ thì được người dân cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Đến giờ, Q. vẫn cho rằng mình bị ma theo. Ma xui khiến Q. làm như vậy. Q. hồn nhiên kể: “Năm lên 9 tuổi em đã bị ma ghen, nó không hại em thì em đã thành ca sĩ rồi. Giờ em chỉ ở đây với chú Phước thôi, về nhà là ma nó ghen”.

Dù điều kiện thuốc men rất thiếu thốn, chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân nhưng không hiểu sao, các bệnh tâm thần nặng hay nhẹ một thời gian được anh nuôi đều thuyên giảm.

Khi được đặt câu hỏi này, anh Phước chỉ cười và trả lời ngắn gọn: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Bệnh tâm thần vấn đề tâm lý rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang