(CAO) Có vào nhà mới biết họ khổ lắm, ai đời bị đày đọa quá. Bát đũa nhà chùa và bà con hàng xóm đem cho họ đều đập hoặc ném đi hết. Họ chỉ ăn mì tôm sống chứ không ăn cơm. Quần áo mọi người gom góp cho họ cũng đều xé hoặc ném hết đi...
Đó là hoàn cảnh của gia đình ông Đỗ Khắc Mạo, ngoài 60 tuổi ở làng Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Ông Mạo có ba người con bị điên là Đỗ Khắc Quý, Đỗ Khắc Phúc và Đỗ Thị Huyền. Ngoài ra, người em chú của ông này là Đỗ Khắc Minh cũng bị điên và có vợ là Trịnh Thị Lựu (giáo viên) bị bệnh nặng do di chứng thủy đậu từ nhỏ. Gia đình lúc nào cũng túng quẫn, hàng xóm kế bên lo sợ và có nhiều người phải dọn đi nơi khác vì có thể bị đánh, chém bất cứ lúc nào.
Ông Mạo bên căn nhà tuềnh toàng
Gãy răng... vì không cho con ăn cổ gà!
Chúng tôi đến nhà ông Mạo vào lúc cái nắng gay gắt của mùa hè đã lên gần tới đỉnh. Hai “căn nhà” nằm trơ trọi giữa cỏ dại và rác thải liêu xiêu dưới bóng nắng oi ả khiến ai nhìn vào cũng không khỏi chạnh lòng. Những viên ngói đổ nát trải dọc lối đi, mùn đất cùng những mớ giẻ rách giăng mắc từ ngoài sân, góc bếp cho đến trên nóc nhà.
Vừa thấy chúng tôi, ông Mạo đang dùng xô đựng vữa dội nước lên người bỗng giật mình và vội vàng chạy vào chiếc “giường” ngay trái nhà với những bao tải và quần áo rách cuộn lại. Xót xa hơn là hình ảnh anh con trai nằm ngủ trên mái nhà giữa tiết trời ngột ngạt, còn cô em gái trên tay lúc nào cũng cầm dao và gạch đang ngủ trên chiếc giường mà xung quanh là những quần áo, chăn màn cũ rách chi chít chắp vá.
Cái giường này được cho là chỗ ngủ của chịĐỗ Thị Huyền, con ông Mạo
Mỗi khi có người cho mì tôm hay bánh đều phải xếp thành các phần bằng nhau và chia đều cho từng người, nếu không họ sẽ cầm gậy và dao lao vào đánh nhau để cướp đồ ăn rồi giấu vào một góc riêng.
Cô Nguyễn Thị Chiều, hàng xóm chạnh lòng nói: “Họ ở nhà thấy cái gì là nhặt ăn cái đó, có hôm tôi đi dọc bờ mương thấy ông Minh nhặt miếng mít đã thối rữa lên ăn ngon lành”.
Cũng theo cô Chiều, có một lần ông Mạo đến đám tang trong thôn để xin cổ gà về ăn nhưng không dám cho con trai là Đỗ Khắc Quý ăn vì sợ mắc cổ nên bị anh này dùng cây đánh cho tới gãy hết hàm răng trên.
Còn bà Nguyễn Thị Lan (người cùng thôn) cho biết: “Ai cho gì thì họ ăn nấy nhưng phải chia đều nếu không họ sẽ đánh nhau. Có khi giành từng gói mì tôm sống hay gói bánh mà nhà chùa cho. Bà con hàng xóm ai thương nhưng sợ vì họ bị điên nên sẵn sàng đuổi đánh bất kỳ ai đến gần”.
“Có vào nhà mới biết họ khổ lắm, ai đời bị đày đọa quá. Bát đũa nhà chùa và bà con hàng xóm đem cho họ đều đập hoặc ném đi hết. Họ chỉ ăn mì tôm sống chứ không ăn cơm. Quần áo mọi người gom góp cho họ cũng đều xé hoặc ném hết đi, chúng tôi cũng chỉ giúp được phần nào. Càng ngày càng khó khăn cô ạ”, bà Trần Thị Toàn, người thường xuyên trông nom gia đình này đã 3 năm nay cho hay.
Nhặt rác và bắt cá sống để ăn...
Gia đình ông Đỗ Khắc Minh ở ngay cạnh nhà ông Mạo cũng với cuộc sống của một người điên khiến ai cũng phải đau lòng.
Ông Minh bị bệnh đã 5 năm nay. Cô Trịnh Thị Lựu (vợ ông Minh) vì mặc cảm bệnh tật nên không dám đi ra ngoài để giao tiếp với bà con hàng xóm.
Đồ đạc bên trong nhà cô Lựu lộn xộn, nhếch nhác
Bên trong căn nhà của vợ chồng ông Minh chỉ có chiếc ti vi là tài sản quý giá nhất nhưng được phủ áo mưa vì không bao giờ bật. Một mùi hôi tanh nồng nặc bao trùm cả ngôi nhà bởi quần áo lâu ngày chưa giặt và đủ thứ giẻ rách xung quanh. Giếng nước bên nhà đã bị chồng đập hoàn toàn nên cô Lựu đêm nào cũng phải đi xách nước về để tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Cô không dám đi xin nước ban ngày vì sợ mọi người nhìn thấy mình sẽ sợ và cũng vì sợ bị cháu mình đánh!
Tiếp xúc với chúng tôi, cô Lựu vừa khóc vừa buồn cho số phận vì dù biết chồng đi nhặt rác, bắt cá sống về ăn nhưng cô không thể ngăn cản được vì bản thân cô nhiều lúc phải chan nước sô vào cơm và bát cà hầm để ăn sống qua ngày. Nhìn vào mâm cơm với đĩa cà muối mặn khiến chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh cơ cực của một kiếp người.
Tấm bằng liệt sỹ của cha ông Mạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình ông Mạo có cha là liệt sĩ Đỗ Khắc Điện và mỗi tháng ông nhận 700.000 đồng tiền hỗ trợ. Nhưng với số tiền ít ỏi ấy vẫ không đủ để chèo chống một gia đình với 4 người điên và 1 người bệnh năng. Hiện nay, họ đang rất cần sự trợ giúp từ các tổ chức thiện nguyện và các trung tâm bảo trợ xã hội để có điều kiện chữa trị bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.