Anh là Tạ Duy Sáu (SN 1978), trú ở xóm 7 xã Thọ Thành huyện Yên Thành (Nghệ An).
Vợ chồng anh Sáu với các con trong ngôi nhà tình thương
Tuổi thơ cơ cực
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, gia đình vốn khó khăn, bố anh lại mang nhiều bệnh tật nên khi 17 tuổi, anh đã phải vào miền Nam để làm thuê, kiếm tiền gửi về quê mua thuốc cho cha.
Nơi anh đặt chân đến đầu tiên là làm cửu vạn ở khu vực khai thác đá Sapphire ở Đắc Nông. T ại đây anh sống trong những ngày tháng kinh hãi, bị tra tấn, đánh đập, bắt phải làm việc cả ngày lẫn đêm đến kiệt sức, có những lúc tưởng như không còn đường để quay về nữa.
Suốt 3 năm trời, anh làm việc quần quật mà không hề nhận được một đồng tiền nào từ các chủ đá. Nghĩ cứ làm vậy rồi cũng đến lúc sức kiệt phải bỏ mạng nơi đây nên anh đã nung nấu ý định bỏ trốn. Rồi trong một đêm mưa gió, anh đã quyết định ra đi để tìm lối thoát cho mình; nhưng thật không may, anh bị bắt lại và thêm những trận đòn đánh đập tàn nhẫn hơn lên cơ thể anh.
Sau lần trốn chạy không thành, anh bị cai quản quản lý chặt hơn nên ý đinh bỏ trốn dần vụt tắt. Hằng ngày anh phải ra sức làm nếu không sẽ bị bỏ đói hay bị đánh đến ngất lịm.
Không chỉ vậy, ở đó anh còn phải chứng kiến cảnh các em gái khoảng 14 - 15 tuổi cũng bị lừa đưa vào bãi đá như mình, tại đây các em trở thành công cụ phục vụ cho cầu sinh lý cho bọn chúng mỗi ngày.
Ngôi nhà tình thương che chở cho các em nhỏ là ước mơ của anh Sáu từ những tháng ngày sống lang thang ởđất Sài thành
Nếu những ai có định bỏ trốn giống anh sẻ bị bỏ đói và đánh đập cho đến chết. Chứng kiến những cảnh tượng đó anh không thể nào quên được. Mãi đến năm 1996, khi lực lượng cơ động giải cứu thì anh Sáu mới thoát khỏi mỏ.
Với chút tiền ỏi của lực lượng cơ động cho để anh về quê, nhưng anh đã không về mà tiếp tục lên Sài Gòn để làm thuê kiếm sống. Tại đây anh đã làm đủ thứ nghề để sống, bốc vác, phụ hồ cho đến bán báo, đánh giày, tẩm quất… Sau một thời gian “hoạt động” anh mới biết rằng số tiền anh kiếm được mỗi ngày còn phải nộp lại cho các bảo kê ở khu vực này một nửa, có hôm không có tiền, anh lại bị đánh đập tàn nhẫn.
“Bị bỏ đói trong hai ngày liền, tôi ngất đi tại công viên lúc nào không hay biết. Khi tỉnh dậy thấy bên cạnh mình là 2 bố con ông lão mù hát rong, họ mua cháo rồi đút từng thìa cho tôi ăn. Tấm lòng của hai bố con ông lão mù đó không lúc nào tôi quên được”, anh Sáu nhớ lại.
Từ đó trong đầu anh chợt có ý nghĩ đến một lúc nào đó có tiền sẽ thành lập một trung tâm để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh, để chúng được làm những việc chính đáng bằng chính năng lực và công sức của mình.
Và trong lúc đang khó khăn này anh gặp chị Lê Thị Lương (SN 1981), là vợ của anh bây giờ, cũng là người cùng quê Nghệ An. Chị Lương cũng có hoàn cảnh éo le nên phải vào tận nơi đây kiếm sống. Hai con người cùng cảnh ngộ gặp nhau nên đã nhanh chóng có cảm tình với nhau, lại có chung chí hướng đã nguyện cố gắng cùng nhau để thực hiện được ước mơ của mình.
Làm “cha” của 50 đứa con trong ngôi nhà tình thương
Năm 2001, sau thời gian dài tích cóp được số tiền nho nhỏ từ việc làm thuê bao năm. Anh chị quyết tâm trở về quê để thành lập trung tâm bảo trợ trẻ em. Cũng trong năm đó, một đám cưới nhỏ và ấm áp được tổ chức tại quê nhà, sau đó anh chị quyết định thuê căn nhà để đón nhận các em cơ nhở, bị bỏ rơi. Không những vậy, nghe ở đâu có cháu nhỏ bị bỏ rơi, lúc ở bệnh viện, lúc ở nhà ga, bến xe anh đều tìm đến mang về nuôi dưỡng.
Năm 2006, UBND huyện Yên Thành đã quyết định cho thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương do anh làm giám đốc.
Anh Sáu tận tay chăm sóc các cháu nhỏ
Nhớ lại những ngày đầu anh nói: “Lúc mới đầu chỉ có 7 cháu nhỏ bị tàn tật được đem về nuôi dưỡng; tuy nhiên do mới đi vào hoạt động nên cơ sở gặp rất nhiều khó khăn từ khâu tổ chức, chăm sóc các cháu cho tới kinh tế để có thể đảm bảo cho cơ sở hoạt động. Thêm vào đó là những lời nói vào ra của xóm làng khi cho rằng anh là “gã khùng”, “dở hơi”, tự nhiên lại rước thêm gánh về nhà. Có người độc miệng lại cho rằng vợ chồng anh làm vậy là để bán các em sang Trung Quốc”.
Nhưng dù thế nào anh cũng bỏ ngoài tai, bởi anh làm bằng lương tâm của mình, và anh sẽ chứng minh cho mọi người thấy được tấm lòng cũng như trách nhiệm của bản thân đối với những hoàn cảnh đáng thương, vô tội đó. Chưa dừng lại ở đó, anh Sáu còn bàn với vợ thế chấp ngôi nhà của mình để lấy tiền xây dựng trung tâm khang trang rộng rãi hơn.
Chị Lương bên cháu nhỏ bị bại liệt
Đến nay, cơ sở xã hội Hiền Lương đã nhận cưu mang 50 trẻ bất hạnh. Trong đó, những em có khả năng đi học, anh Sáu đều tạo điện cho theo học tại các trường trên địa bàn. 20 em bị bại não, không có khả năng tiếp nhận kiến thức, anh nhờ người chăm sóc ngay tại cơ sở.
Nhiều người cảm động trước tấm lòng của vợ chồng anh Sáu đã tình nguyện đến phụ giúp anh chăm sóc cho các cháu nhỏ, không lấy tiền công nhưng anh không đồng ý.
“Họ cũng không khá giả gì, lại còn gia đình nữa nên mỗi tháng tôi vẫn cố gắng trả tiền công cho họ. Chí ít là để họ có thêm một chút tiền lo cho gia đình, như thế mới yên tâm giúp các em được”, anh Sáu nói.
Vừa chăm sóc cho các em, để có thêm thu nhập để phục vụ cho các em ở trung tâm, anh mở xưởng làm kem để bán. Sau một thời gian làm ăn thua lỗ, anh quyết định vào niền Nam lần nữa để học nghề. Anh đi khắp nơi để học nghề làm hương, chiếu trúc, làm chổi rồi về truyền dạy cho các em, vừa tạo thu nhập, vừa giúp các cháu cảm nhận được sự hữu ích của mình trong cuộc đời. Dù cơ sở còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cháu nhỏ đang hạnh phúc với mái ấm của đời mình.
Trung tâm tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật
Nói về dự định của mình sắp tới anh cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng kế hoạch của anh là sau này sẽ xây dựng thêm một phòng phục hồi chức năng và phòng học để phục vụ các cho em được tốt hơn”.
Chia tay mái nhà chung với hai tấm lòng vàng của vợ chồng anh Sáu , chúng tôi thầm cảm ơn tình cảm và cả sự tâm huyết của anh chị đối với những đứa trẻ bất hạnh này. Ngôi nhà Hiền Lương như là mái ấm luôn rộng mở cửa để đón nhận các em...