Điều kỳ diệu tại mái nhà điên:

Kỳ 1: Hai vợ chồng 'điên' nuôi hàng trăm người tâm thần

Thứ Sáu, 25/09/2015 07:22  | Kim Đồng

|

(CAO) Hơn chục năm qua, nhiều người vẫn thường gọi hai vợ chồng ông Bùi Văn Thu, bà Trần Thị Tươi là hai người “điên”. Bởi lẽ, dù đã ngoài năm mươi nhưng họ vẫn cẩn mẫn chăm sóc đều đặn cho hơn 400 người tâm thần trong nhà mình mà không đòi hỏi gì cả.

Đối với họ, niềm vui, sự hạnh phúc là được chứng kiến những “bệnh nhân” được mình nuôi dưỡng hồi phục một cách kỳ diệu.

Vào một buổi trưa nắng dịu, gió man mát, chúng tôi tìm đến Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức, nơi nuôi dưỡng miễn phí hơn 400 người tâm thần của vợ chồng ông Bùi Văn Thu và bà Trần Thị Tươi (ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, hình ảnh hai vợ chồng đã ngoài năm mươi cứ thay phiên nhau chăm sóc “bệnh nhân” là những người điên khiến ai biết đến đều cảm phục.

Điều đặc biệt, mặc dù không dùng nhiều thuốc, không có chuyên môn điều trị bệnh tâm thần, nhưng ông Thu, bà Tươi đã giúp rất nhiều người điên khỏi bệnh một cách kỳ diệu.

Ông Bùi Văn Thu (đứng giữa) và gia đình anh Nguyễn Huy Cường (trước đây anh Cường từng bị điên nay đã khỏi bệnh)

Tình cờ “bén duyên” với người điên

Năm 2004, trong một lần tham gia đi từ thiện cùng bác sĩ Nguyễn Quang Huy tại bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai), ông Bùi Văn Thu tình cờ thấy một cái chòi nhỏ được dựng tạm bợ bên cạnh bệnh viện.

Ông Thu cho biết: “Khi phát hiện cái chòi, tôi đã tò mò đến xem và thấy trong đó có một người đàn ông đầu tóc bù xù, quần áo rách nát, người dơ bẩn… dưới chân là dây xích đã rỉ màu đang xiết chặt như một con thú. Tôi thương lắm, lương tâm cứ bứt rức buộc tôi phải tìm hiểu. Được biết đó là một người điên, do quá hung hăng, mỗi lần lên cơn, anh lại chạy ra ngoài đường la hét, cầm gậy đuổi đánh người… gia đình phải nhờ những chàng trai khỏe mạnh trong buôn làng bắt giữ mới khống chế được. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, thậm chí bán đất, bán nhà nhưng vẫn không chữa khỏi, lo sợ ảnh hưởng đến hàng xóm nên gia đình đã nhốt anh lại”.

Một người điên bị xích chân được ông Thu đem về cơ sở nuôi miễn phí

Kết thúc chuyến đi từ thiện, ông Bùi Văn Thu ngậm ngùi ôm nổi xót thương về nhà và kể lại cho vợ nghe về người đàn ông xấu số kia. Nghe ông kể, bà Trần Thị Tươi xúc động rơi nước mắt và bảo chồng vượt hơn 100km đi xe máy tới nơi đang nhốt người đàn ông điên.

Ông Thu trầm ngâm: “Tới nơi, dù vẫn còn mệt nhưng vợ tôi vẫn một mạch đòi dẫn đến căn chòi gặp người đàn ông điên. Được tận mắt chứng kiến, bà đã bật khóc vì quá xúc động”.

Đồng cảm với số phận của người đàn ông, vợ chồng ông Thu, bà Tươi xin phép gia đình người điên được tận tay cho ăn cơm, tắm rửa, thay đồ.

Thế nhưng gia đình anh không cho phép vì sợ không ai có thể khống chế nếu anh được cởi xích, sợ anh sẽ la hét, chạy nhảy khắp nơi.

Năn nỉ mãi, cuối cùng hai vợ chồng ông thu mới được gia đình người điên đồng ý. Điều đặc biệt khi tiếp xúc với người đàn ông điên, hai vợ chồng ông Thu, bà Tươi như đã cảm hóa được anh. Từ một người điên rất hung dữ nay trở nên hiền lành và biết nghe lời. Nhiều người trong buôn làng được chứng kiến đều cảm thấy như một điều kỳ lạ.

Cũng từ đó, mỗi tháng ông Thu và bà Tươi lại đều đặn 2, 3 lần xuống thăm người điên.

Hai tháng trôi qua, mỗi lần xuống thăm người điên phải vượt hơn 100km, tốn kém rất nhiều nên bà Tươi nảy ý định xin phép gia đình đưa người đàn ông điên về nhà mình để tiện chăm sóc.

Ông Thu chia sẻ: “Khi chúng tôi xin đem anh về nuôi, gia đình cảm thấy khó hiểu, họ như không tin vào những lời tôi nói. Thế nhưng, thấy được sự đồng cảm, sự chăm sóc nhiệt tình của tôi và vợ, gia đình anh đã cho phép đem anh về và họ rất biết ơn”

Được gia đình cho phép, hai vợ chồng ông Thu đưa người điên về nhà chung sống chung với mình và đặt tên là Churu.

“Lúc đầu, cứ đêm về mỗi lần lên cơn là anh Churu lại la hét chửi bới khiến hàng xóm không ngủ được. Họ đến tìm tôi và bảo, hai vợ chồng ông điên rồi à, không có việc làm hay sao mà đi nuôi người điên. Vì thương anh, tôi và vợ đành ngậm ngùi mà chịu đựng”, ông Thu chia sẻ.

Hơn ba tháng trôi qua, như có một điều kỳ diệu xảy đến, Churu không còn la hét mà trở nên rất hiền lành, nghe lời, sai gì làm đó. Cũng từ đó, những người biết đến cảm thấy cảm phục ông Thu và bà Tươi. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ, cưu mang những người thân bị bệnh tâm thần. Hàng xóm cũng không còn ai nghĩ hai ông bà là người điên.

Đến “nhà điên”… hết điên

Từ anh Churu được nhận nuôi vào năm 2004, hiện nay Cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức đang nuôi hơn 400 nam, nữ là người tâm thần.

Điều đặc biệt ở hai khu nam, nữ riêng biệt những người điên tại đây đều rất hiền lành, thân thiện thậm chí bảo gì nghe nấy.

Tiếp xúc với chúng tôi là ông Nguyễn Huy Sâm (67 tuổi, quê ở xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), một trong những gia đình có con bị tâm thần đã được ông Thu và bà Tươi giúp cho khỏi bệnh và tự nguyện xin ở lại cơ sở để cùng chăm sóc người điên để báo đáp công ơn.

Ông Sâm chia sẻ: “Con trai tôi là Nguyễn Huy Cường, vào năm 2008 khi nó đang học lớp 12 thì đột nhiên chạy nhảy, nói, hát lung tung. Thấy con bất thường tôi liền đưa đến bệnh viện khám và được biết con bị bệnh tâm thần phân liệt.

Thương con tôi đã đi chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi bệnh. Lúc này tôi tuyệt vọng chỉ biết ngồi ôm con mà khóc. Thế nhưng khi xem chương trình Người đương thời tôi được biết cơ sở của ông Thu nhận nuôi người điên và rất nhiều người đã khỏi bệnh. Tôi liền tìm đến nhờ cơ sở chăm sóc con. Điều kỳ lạ, chỉ sau vài tháng sống trong đó , tôi đến thăm con thì thấy đã đỡ đi rất nhiều”.

Cũng từ đó, ông Sâm cùng vợ xin ở lại cơ sở để được gần con và phụ giúp chăm sóc những người điên khác đến nay đã 7 năm.

Trò chuyện với anh Nguyễn Duy Cường (25 tuổi, con trai của ông Sâm), chúng tôi không tin trước đây anh từng bị điên. Anh Cường từ tốn, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi như một người bình thường.

Những người điên được ông Thu mang về chăm sóc

Ở cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức, chúng tôi còn gặp một anh tên là Trần Văn Huân (28 tuổi, một người điên đã khỏi bệnh gần như tám mươi phần trăm và ông Trần Xuân Hậu (56 tuổi, quê Nghệ An, là cha đẻ của anh). Ông Hậu cho biết: “Huân nhà tôi học hết lớp 10 thì xuống Sài Gòn làm công nhân cho một công ty. Đi làm được một thời gian nó trở về nhà và có triệu chứng của một người tâm thần. Ở nhà được vài tháng thì Huân bỏ đi rồi thất lạc.

Sau ba tháng, con tôi được công an phát hiện và đưa về nhà, lúc này nó chẳng còn nhớ đến ai, nhiều lúc lên cơn con lại cầm dao, gậy đuổi đánh tôi và người nhà.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng chạy chữa cho con. Thế nhưng vẫn không khỏi bệnh mà ngày càng nặng hơn.

Được hàng xóm mách bảo, tôi biết đến cơ sở của anh Thu. Đầu năm 2012 tôi đã đưa con đến nhờ chăm sóc. Tôi rất vui khi nhìn thấy con khỏe mạnh và bệnh cũng đỡ đi rất nhiều, tôi đã có thể cùng con nói chuyện vui vẻ như trước”.

Không chỉ riêng anh Huân, anh Cường mà hàng trăm người bị bệnh tâm thần ở cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức từ một người điên, hung hăng, dữ tợn mất lý trí như một con thú nay trở nên hiền lành, thân thiện và biết nghe lời hơn nhiều. Rất nhiều người đã khỏi bệnh và về sinh hoạt với gia đình, một số người ở lại cơ sở cùng vợ chồng ông Thu, bà Tươi để tiếp tục chăm sóc cho những người điên còn lại.

(còn tiếp)

Bình luận (1)

tích bac,tích vàng,tích báu châu tích là như thế chưa phải giầu nếu ai tích được nhiều nhân đức thế mới thật giầu thế mới sang .

nguyễn hải - Thứ Sáu, 25/09/2015, 13:23 Trả lời | Thích
Lên đầu trang