Xót xa bé trai bị lở loét khắp người

Thứ Sáu, 25/09/2015 07:14  | Nam Anh

|

(CAO) Chỉ 3 ngày sau khi chào đời, phần da bao bọc cơ thể của con trai chị là bé Trần An Phát có dấu hiệu nổi bóng nước, rồi lở loét từ đầu đến chân. Nhiều nhất là vùng mông, lưng...

Bệnh hiếm

Chị Nguyễn Thị Mỹ (ngụ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, không hiểu vì lý do gì mà phần da bao bọc cơ thể của con trai chị là bé Trần An Phát (hiện 2,5 tháng tuổi) cứ loang lổ bóng nước. Vết lớn cỡ 3 ngón tay, vết nhỏ nhất cũng bằng đầu ngón tay.

Chị Mỹ cho hay, chỉ 3 ngày sau khi cháu nó chào đời, hiện tượng này đã xảy ra. 

“Tôi cứ tưởng bé bị tay chân miệng, rồi lại tưởng do mình chăm sóc bất cẩn để bé đụng phải cái gì bị bỏng, nhưng sau đó, bóng nước ngày một nhiều. Chỗ loét cũ chưa lên da non thì đã thấy mọc lên bóng nước mới”, chị Mỹ nói.

Chị Mỹ đang chăm sóc con tại bệnh viện

Gia đình đưa Phát đi điều trị nhiều nơi ở địa phương nhưng tình trạng bé vẫn không cải thiện. May mà có một nhà hảo tâm ở TP.HCM biết chuyện đã hướng dẫn gia đình đưa bé vào Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị.

Tiếp xúc với em bé tại bệnh viện, chúng tôi ghi nhận tình trạng tổn thương khá nặng. Dù các vết thương của bé có dấu hiệu khô, không còn loét hay lan rộng nhưng vẫn tấy đỏ khiến bé vô cùng đau đớn.

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bé Phát được chẩn đoán mắc chứng ly thượng bì bóng nước bẩm sinh.

“Đây là một bệnh lý hiếm gặp. Bệnh do yếu tố bất thường nào đó trong cấu trúc gen gây ra, khiến cho bệnh nhân bị mất khả năng liên kết của da. Lớp thượng bì dễ bị tách ly, dịch tràn vào tạo bóng nước và lớp da rất dễ bị trợt đi nếu có tác động từ bên ngoài”, bác sĩ Tường nói.

Theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh này là 8 ca/1 triệu dân. Trong đó, thể nặng chiếm dưới 5%. Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, lâu lâu có tiếp nhận một trường hợp. Da của người bệnh nhân dễ tổn thương do áp lực lên da, tạo bóng nước, dễ trợt da, viêm loét, nhiễm trùng…

Cần chăm sóc, nâng niu suốt đời

Bác sĩ Tường cho biết, dựa trên các triệu chứng lâm sàng, có thể xác định ngay bệnh lý này. Tuy nhiên, ly thượng bì bóng nước bẩm sinh có nhiều thể nặng nhẹ khác nhau. Muốn biết chính xác, cần phải làm các xét nghiệm chuyên sâu về da liễu. Ở thể nặng bệnh nhân sẽ tử vong sớm, hoặc thể nhẹ hơn, bệnh nhân có thể sống đến tuổi trưởng thành. Chưa thể tiên lượng gì ở trường hợp bé Phát.

Theo bác sĩ, hệ miễn dịch của những trẻ này chắc chắn là không bình thường, da mất liên kết nên bệnh này sẽ đi theo em bé suốt đời. Bệnh nhân cần được chăm sóc kỹ, nâng niu, tránh những tổn thương, chấn thương.... Tránh cọ sát, tránh vuốt mạnh, không để bé bị va chạm, trầy xước, không tạo áp lực lên da (quần áo bó sát,...) để tránh loét, nhiễm trùng. Ngoài ra, cần có băng bông đặc biệt, để bảo vệ da khỏi những tổn thương. Cũng cần dùng thuốc giảm đau cho bé vì bé bị trợt da sẽ rất đau, stress… Và bổ sung dinh dưỡng thích hợp. Những vùng dễ tổn thương, tay chân, cơ quan sinh dục, mông…

Theo gia đình, bố bé Phát làm thuê cho chủ thuyền, mẹ nội trợ, hoàn cảnh khó khăn. Phát là con thứ hai của chị. Anh trai của Phát năm nay 3 tuổi, sức khỏe bình thường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang