Những đồn thổi “bùa thuốc độc” làm cho người dân xóm làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn, Nghĩa An) suốt thời gian qua đã náo loạn.
Người dân hoang mang
Nhiều người dân ở làng Găng khi tiếp chuyện với chúng tôi đều nhất mực cho rằng có chuyện “bùa thuốc độc”. Người mắc bệnh không kể đàn ông hay đàn bà, có trường hợp cả gia đình bị cả vợ lẫn chồng. Điều đặc biệt là, những người này đều được thầy làng ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu đều cho là do “bùa thuốc độc”.
Một số người dân xóm 13 thì khẳng định từ trước đến nay ở xóm này không có chuyện có bùa thuốc độc
Chị Trương Thị Lệ (30 tuổi), một trong những người mắc chứng bệnh lạ đầu tiên, kể lại: Cách đây 3 tháng, thấy da mặt bỗng dưng bị nổi mụn li ti rồi ngứa khắp mặt, ít lâu sau rồi khắp người, không thiết ăn, đêm không sao ngủ được. Đi ra đường ai nấy bảo mi bị bỏ “bùa thuốc độc” rồi nên lo lắm.
"Bán tin bán nghi, tôi cũng theo chỉ dẫn của một số người trong làng, tìm đến thầy lang ở tấn trên huyện Quỳ Hợp khám thử. Thầy lang đưa ra một loại thuốc lá, sau đó đắp lên tay để cho nổi gân tay lên và phán rằng tôi đã bị trúng “bùa thuốc độc”, rồi bảo tôi ra bốc 4 thang thuốc hết 200.000 đồng", chị Lệ kể.
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng (làng Găng) được cho một trong những hộ có người mắc căn bệnh lạ này nhiều nhất. Bởi gia đình có 5 thành viên thì cả 5 đều mắc triệu chứng ngứa, chân tay mỏi.
“Điều đáng lo chưa biết thế nào thì cả làng náo loạn lên là bảo cả gia đình tôi đã bị bỏ “bùa thuốc độc”, đến thầy lang mà bốc thuốc không chết cả nhà bấy giờ”, anh Hùng nhớ lại.
"Lúc đó cùng thấy lo lăng, bất an nên ngheo theo lời tôi cũng lên Quỳ Hợp và chẳng hiểu sao sau khi uống mấy thang thuốc thầy lang là hết bệnh thật. Tuy nhiên, để nói bị 'bùa thuốc độc' theo tôi là không có”.
Ngoài ra ở cái làng này còn có trên khoảng 30 người dân cũng bị chứng bệnh lạ này mà đều dùng cách chữa duy nhất chính là phải uống thuốc lá của thầy lang mới thuyên giảm được bệnh.
Tin đồn nhảm nhí
Chuyện náo loạn “bùa thuốc độc” như một vết dầu loang, nhiều người dân không hiểu ngọn ngành từ đâu nhưng đều tin “bùa thuốc độc” là do người dân tộc Thổ ở trong vùng bỏ độc để hại dân.
Nạn nhân bị nghi ngờ “nuôi thuốc độc” gồm bà Trương Thị Tới, bà Hồ Thị Thân, chị Trương Thị Thống, chị Trương Thị Hương (cả 4 người này đều là dân tộc Thổ).
Bà Hồ Thị Thân là một trong bốn người nghi có thuốc độc
Cũng vì thế mà trong suốt thời gian qua, những người này đều sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng.
Chị Thống buồn bã cho biết: "Bỗng dưng bị khoác “tội danh” nuôi “bùa thuốc độc” đã khiến cho chị sống dở, chết dở, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm trạng lúc nào cũng rối bời. Bây giờ chẳng ai dám thuê tôi đi làm cỏ nữa, bởi họ sợ tôi có thuốc độc, không biết làm sao, chỉ mong cơ quan chức năng làm rõ để minh oan chứ như thế này thì khổ lắm”, chị Thống bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Viên, Xóm trưởng xóm 13 (gọi là làng Găng) khẳng định: Làm gì có chuyện “bùa thuốc độc”. Ông Viên cũng cho biết: “Từ lâu đời, đồng bào dân tộc Thổ sinh sống bình yên ở vùng quê này chưa hề có mâu thuễn, chia rẽ đoàn kết, tình làng nghĩa xóm rạn nứt”.
Ông Nguyễn Xuân Viên, Xóm trưởng xóm 13 khẳng định tin đồn có bùa thuốc độc là nhảm nhí
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Phúc Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, đây là chuyện thời sự ở làng Găng. Thời gian gần đây, trên địa bàn xã có nhiều người dân mắc các triệu chứng nổi mẩn ngứa khắp người nhưng lại nói bị bỏ “bùa thuốc độc” thì không phải. Đây là một kiểu tung tin với mục đính vụ lợi.
Để trấn an người dân, đồng thời không để tình trạng phân biệt, chia rẽ giữa bà con dân tộc, lãnh đạo xã đã mời các cán bộ xóm lên trụ sở UBND xã rồi thành lập đoàn công tác xuống các xóm để vận động, tuyên truyền nhân dân không nên tin vào những tin đồn nhảm nhí.
Chỉ là bệnh ngoài da
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Quy, trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin này, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành điều tra, nắm bắt tình hình tại làng Găng có 48 người mắc các triệu chứng: Mẩn ngứa, mệt mỏi, chắn ăn, không ngủ được… chưa rõ nguyên nhân.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm phòng chống phong - Da liễu Nghệ An thành lập Đoàn khám cho những người bị bệnh, đồng thời tư vấn và kê đơn thuốc điều trị.
Theo kết quả khám lâm sàng chẩn đoán thì những người này đều bị viêm da cơ địa, sẩn ngứa/ rối loạn chuyển hóa; viêm da tiếp xúc/ suy nhược cơ thể; viêm da dị ứng.
Cùng theo ông Quy, điều quan trọng nhất lúc này là tuyên truyền cho người dân hiểu nguyên nhân có thể là do thời gian qua nắng mưa thất thường, nhiều khả năng các bụi phấn của mía, sâu bỏ bay vào làng rồi gây ngứa đối với bà con.