Thuần hóa chim trời
Nhận thấy được le le là loài vật bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt nhu cầu thị trường rất lớn, trong khi đó loài vật này không có nhiều và ngày trở nên quý hiếm. Vì thế để có đủ nguồn hàng cung ứng cho các nhà hàng và xuất khẩu, ông Sa Lếs đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nuôi thành công và cho sinh sản như hiện tại, dù loài vật này không phải ai nuôi cũng được.
Ông Sa Lếs cho biết: “Để có được trại như bây giờ, tôi phải bỏ ra thời gian ba năm để nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của loài chim nước này. Sau đó, mới quyết định nuôi và cuối cùng mới cho kết quả thuận lợi”.
Ông Sa Lếs là người đầu tiên ở An Giang thuần hóa thành công le le
Trại nuôi le le của ông Sa Lếs có cả ngàn con được chia ra 2 khu vực để nuôi, tất cả đều được thuần hóa trong môi trường bán hoang dã.
Theo ông Sa Lếs, le le là một loài chim trời thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy, nhất là các khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người lui tới.
Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình. Với đặc tính đó, chuồng nuôi le le phải rộng và thoáng, giữa có hồ nước, xung quanh trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năng, lát để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và đẻ trứng. Nhằm bảo đảm an toàn, đề phòng chuột, mèo phá hoại thì phải được bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dầy và chắc chắn.
Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào mùa mưa, khoảng tháng 7- 8. Mỗi con đẻ từ 10 - 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn trên khắp các cánh đồng. Muốn bắt chúng, người đi đồng phải tìm cách bao vây hoặc dùng lưới mới có thể săn đuổi kịp. Đôi khi người đi đồng hốt được trứng đem về cho gà ác hoặc gà tre ấp vẫn nở bình thường.
Do đàn le le được ông Sa Lếs nuôi trong môi trường bán hoang dã nên chúng sống rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị dịch bệnh. Thức ăn chính của le le là lúa, rong rêu và lục bình. Sau 8 tháng nuôi, le le sẽ trưởng thành, các thương lái tìm đến thu mua, nhưng nguồn hàng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đặt hàng.
Được biết, nuôi le le thương phẩm thì dễ, chứ còn cho sinh sản thì rất khó. Tuy nhiên với nhiều năm nuôi và rút ra được kinh nghiệm thì đối với ông Sa Lếs chúng chẳng khác gì nhau.
Ông Sa Lếs, chia sẻ: “Muốn cho le le đẻ và ấp trứng, người nuôi trước hết phải chọn một không gian yên tịnh, thoáng đãng, nhiều cỏ dại, nguồn nước sạch và xung quanh có bờ đê cao ráo cho chúng nghỉ ngơi.
Khi le le trưởng thành phải được chọn ra từng cặp trống mái nhốt riêng. Mặc dù le le tự làm tổ nhưng tốt nhất là người nuôi nên dùng rơm rạ họặc cỏ khô lót sẵn vào thúng, rổ để quá trình sinh sản đạt hiệu quả. Đặc biệt sau khi le le đẻ, người nuôi không được sờ tay vào trứng hoặc dời tổ đi nơi khác”.
Với diện tích chuồng nuôi khoảng 300m2 mà đem lại cho gia đình ông Sa Lếs nguồn thu khoảng nửa tỷ đồng/năm
Nhờ nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và đúc kết được kinh nghiệm nên dù nuôi le le thịt hay sinh sản ông Sa Lếs đều thành công. Vì thế ông được xem là nông dân đầu tiên ở An Giang có sáng kiến nuôi le le thịt và cho sinh sản đạt hiệu quả cao. Từ kết quả đó, tháng 5-2014, trại nuôi le le của ông đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận: “Nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại”.
Như vậy, với diện tích chuồng nuôi khoảng 300m2 ông Sa Lếs thả nuôi khoảng 1.000 con le le giống. Sau 8 tháng nuôi, tiến hành xuất bán cho thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc với mức giá từ 500.000 – 600.000 đồng/con đem lại cho ông nguồn thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng.
Nuôi vịt lãi hơn nửa tỷ đồng/năm
Trước đây, anh Tuấn từng thất bại với những mô hình như: nuôi cá lóc, ba ba,...nhưng không vì thế mà anh chùn bước. Người nông dân này, vẫn miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu với khát khao sẽ có một giống vật nuôi khác phù hợp.
Đến một ngày, anh này bị cuốn hút bởi mô hình chăn nuôi vịt trời được đăng trên một diễn đàn của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang. Quyết chí lập nghiệp từ mô hình này, anh khăn gói lên đường ra Bắc Giang học nghề.
Anh Cao Thanh Tuấn là một trong rất ít người thành công với mô hình nuôi vịt trời ở miền Tây
Sau khi tìm hiểu kĩ về quy trình phát triển cũng như thị trường tiêu thụ và giá thành, đến cuối năm 2013, anh Tuấn quyết định góp vốn mua 120 con vịt giống với giá 300.000đồng/con (vịt đã được 3,5 tháng tuổi).
Sau gần 7 tháng chăm sóc, nhận thấy đàn vịt bắt đầu đẻ trứng, để tỉ lệ ấp nở đạt hiệu quả cao, anh Tuấn đầu tư hẳn một máy ấp trứng với công suất 5.000trứng/lần. Do có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi nên chỉ riêng đợt sinh sản đầu tiên đã nâng tổng số vịt cả đàn lên gần 5.000 con.
Anh Tuấn cho biết: “Vịt trời vốn là giống động vật hoang dã, do vậy sức đề kháng mạnh, nên không có dịch bệnh. Quan trọng khi nuôi là phải vệ sinh chuồng trại phải sạch sẽ”.
Mới đây, trang trại đang đầu tư hơn 40 triệu đồng để làm chuồng bằng tre theo dạng sàn giữa hồ, đảm bảo môi trường sạch, thoáng để cho đàn vịt phát triển một cách tốt nhất. Kèm theo đó, Anh Tuấn sẽ thả nuôi cá tạp để tận dụng nguồn phân từ vịt thải ra tăng thêm thu nhập và hạn chế được việc ô nhiễm nước trong ao.
Được biết, vịt giống sau khi chăn thả khoảng 4 tháng sẽ thành vịt thương phẩm, có trọng lượng từ 1 – 1,1kg. Do chất lượng thịt ngon, ngọt nên được khách hàng ưa chuộng, giá bán mỗi con trên dưới 200.000 đồng. Lứa vịt vừa rồi, anh cho xuất chuồng 4.000 con, đem lại thu nhập hơn 800 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí anh Tuấn lãi khoảng 600 triệu đồng.
Ngoài việc bán vịt thương phẩm, trang trại anh Tuấn còn bán con giống và trứng đem về nguồn lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi năm
Ngoài việc bán vịt thương phẩm, trang trại còn bán con giống và trứng cho những hộ chăn nuôi khác. Giá của một vịt giống mới nở là 50.000 đồng, còn đối với trứng là 25.000 đồng.
Nói về kế hoạch sắp tới, anh Tuấn chia sẻ: “Tuy là loài vật hoang dã nhưng vịt trời không bay xa vì đã quen đàn. Lại là loài dễ nuôi, ăn ít hơn những giống vịt thông thường khác khoảng 40%, ít dịch bệnh, giá thành luôn ở mức cao. Nên trong thời gian sắp tới trang trại sẽ cho đàn vịt sinh sản liên tục, để đủ cung ứng cho thị trường”.
Với việc luôn tìm tòi, học hỏi và lao động bằng chính công sức của mình mà nhiều nông dân ở An Giang đã có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.