Chân đất lập nghiệp
Sinh ra ở một làng quê nghèo có nghề dệt vải truyền thống tại xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Đặng Văn Bẩy lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gia đình vốn đông anh em, nhà nghèo nên anh buộc phải bỏ ngang con đường học hành khi đang lớp 4.
Năm 1980, anh Bẩy 15 tuổi đã theo bà con trong làng đi lập nghiệp theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng kinh tế mới tại huyện Di Linh. Lúc đấy, hoàn cảnh quá nghèo, tuổi đời còn quá trẻ và chuyện học vấn bị dở dang, không có sự lựa chọn nào khác, anh “lân la” đi làm thuê, dần dần tìm đất khai hoang, mở rộng diện tích trồng cà phê. Năm tháng trôi qua, anh lập gia đình và bằng nghị lực của cả hai vợ chồng, cuộc sống của gia đình anh phát triển nhanh, sớm có tích lũy.
Nông dân Đặng Văn Bẩy bên Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng do anh thành lập
Không chỉ dừng lại ở vài mẫu cà phê, anh tìm cách tạo thêm ngành nghề khác để làm ăn. Sinh sống, lao động và chứng kiến cảnh nông dân trong vùng cũng như bản thân rất vất vả mỗi khi đến mùa thu hái, là phải xay, tách vỏ cà phê bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, với hiểu biết rất ít ỏi khi tiếp cận với nghề cơ khí, nên anh đã chịu khó, miệt mài tìm tòi, học hỏi và “động não” suy nghĩ để tìm ra những nhược điểm, những chi tiết máy không hợp lý và tìm cách cải tiến loại cối xay (chà) vỏ cà phê bắt đầu bán trên thị trường.
Vào năm 2000, anh Bẩy thành lập nên cơ sở Cơ khí Toàn Thắng, đến năm 2001 đã sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, đó là máy chà tươi công suất cao, ít ảnh hưởng đến chất lượng nhân cà phê, cà phê thu hái về để lâu vẫn chà được.
Cũng trong thời gian này anh cho ra đời máy chà khô với công suất cao, có hệ thống bảo quản nhân tốt. Anh Đặng Văn Bẩy cho biết: “Sản phẩm máy chà vỏ cà phê Toàn Thắng có ưu thế là công suất cao, tiết kiệm được nguyên liệu chạy máy nổ. Đối với máy chà khô, chất lượng cà phê nhân được đảm bảo, không bị dập bể, thổi sạch vỏ. Còn máy chà tươi, nhân cà phê bị ảnh hưởng không đáng kể. Nhờ vậy, sản phẩm máy chà cà phê Toàn Thắng bán ra được thị trường chấp nhận, bà con nông dân mua nhiều và sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó”.
Anh Đặng Văn Bẩy là một trong 63 cá nhân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015
Vừa sản xuất vừa tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đến năm 2004, anh Đặng Văn Bẩy đã sản xuất được cối chà để tách riêng vỏ và nhân cà phê tươi. Với loại cối chà này, sau khi tách được vỏ, chỉ lấy nhân cà phê để phơi, nông dân tiết kiệm tối đa sân phơi và rút ngắn thời gian phơi.
Ngoài ra, nhờ chịu khó tìm cách cải tiến, đến năm 2008, anh sản xuất thêm sản phẩm mới. Đó là “củ” bơm nước (hay còn gọi là đầu bơm nước). Sản phẩm củ bơm nước Toàn Thắng gọn, nhẹ, công suất cao hơn so với một số sản phẩm cùng loại khác lưu thông trên thị trường.
Không ngừng sáng tạo
Đam mê nhất, vui nhất và cũng hao tốn nhiều công sức nhất, anh Bẩy cho biết đó chính là chiếc máy phân loại trái cà phê có tên TCM.
Sau 3 năm nghiên cứu, năm 2014, anh Bẩy đã ra mắt thị trường máy tách quả xanh TCM2, có thể loại trực tiếp quả xanh đến 90%, quả chín vẫn giữ nguyên vỏ lụa không bị vỡ nhân, quả xanh được loại riêng sẽ tự già và chín, nâng cao trọng lượng và chất lượng nhân của quả xanh.
Hiện trên thế giới chỉ có hai loại máy phân loại cà phê tươi bằng công nghệ laser và công nghệ bắn màu với giá thành trên 1 tỷ VNĐ/máy. Trong khi đó, nguyên lý hoạt động của máy TCM2 là cà phê được đổ vào một phễu lớn, máy xoay theo trục dạng xoắn, căn cứ vào độ cứng của quả, khi xoay sẽ tự phân loại đưa cà phê xanh ra một bên hông và cà phê chín thoát ra ở giữa máy, năng suất tương đương 200 lao động làm thủ công. Sản phẩm khi bán ra thị trường với giá 3- 3,5 triệu đồng. Chỉ cần 3 công nhân đứng máy và máy có thể tách được 3-4 tấn trái cà phê xanh/giờ. Sản phẩm của anh Bẩy chế tạo luôn có chất lượng và giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân Việt Nam.
Với những suy nghĩ táo bạo, anh Bẩy đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của nông nghiệp địa phương
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình, anh Bẩy cho biết: “Người có học hành thì khác, mình mới hết lớp 4, nghĩ ra chỗ nào làm chỗ đó thôi, thiết kế là trong đầu cả, chưa được thì thử đi thử lại nhiều lần, bao giờ được mới thôi. Tốn kém nhiều lắm nhưng vì đam mê, rồi khi nghiên cứu xong thấy bà con sử dụng hài lòng thì mình cũng vui lắm.
Những sản phẩm do anh chế tạo, nhiều các thiết bị hỗ trợ sản xuất máy trên thị trường không có, buộc anh Bẩy phải tự mày mò sáng tạo. Để những chiếc máy đầu tiên ra đời, anh Bẩy đã phải dồn rất nhiều suy nghĩ và công sức, tất cả vì mục đích giảm sức lao động của người nông dân. Với những sản phẩm đã thành công, anh Bẩy không dừng lại mà liên tục nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng, công suất của sản phẩm. Tuy vậy nhưng khi chúng tôi hỏi: "Những chiếc máy này đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa?". Anh Bảy cười và nói: “Tôi chỉ biết làm ra những chiếc máy bền, tốt, rồi bán phục vụ cho nông dân”.
Anh Đặng Văn Bẩy cho biết: “Hàng năm, cơ sở xuất bán trên 2.000 sản phẩm các loại thông qua trên 150 đại lý phân phối. Thị trường không chỉ ở Lâm Đồng mà hiện nay, sản phẩm cơ khí Toàn Thắng đã “vươn” ra các tỉnh có trồng cà phê, như: Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cơ sở làm ăn có hiệu quả với mức thu nhập bình quân (trừ chi phí) khoảng 1 tỷ đồng/năm và hiện giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương 4 – 7 triệu đồng/người/tháng”.
Vào tháng 12/2013, sản phẩm của anh Đặng Văn Bẩy được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Lâm Đồng năm 2013”.
Đến cuối tháng 1-2014, anh tiếp tục được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng khen “Đạt giải xuất sắc trong cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2013”. Đặc biệt, anh Đặng Văn Bẩy còn là một trong 63 cá nhân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015.
Đánh giá về anh Đặng Văn Bẩy, ông Vũ Văn Hà -Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh cho biết: “Anh Bẩy là một trong những tấm gương lao động điển hình của tỉnh, với những suy nghĩ táo bạo, anh Bẩy đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của nông nghiệp địa phương”.