(CAO) Từ khi “chào đời”, máy vét mương không người lái của anh hai lúa Võ Văn Phước (ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông) làm xôn xao làng trên xóm dưới.
Sáng chế độc đáo này đã giúp bà con nông dân trồng lúa tiết kiệm sức lao động và chi phí cho công việc đồng áng.
Máy vét mương không người lái của anh Phước
Chế tạo phụ kiện cho máy từ phế liệu ve chai
“Cứ mỗi lần vào vụ làm lúa là phải vét mương tạo rãnh cho mảnh ruộng nhà mình. Mà mỗi lần như thế thì tốn ít nhất cũng vài ngày, người nào nhiều đất thì phải ngốn mất cả tuần. Thế là tui nghĩ sao mình không chế tạo chiếc máy vét mương để bà con nông dân được ngơi tay làm việc khác”, anh Phước trao đổi ý tưởng làm nên máy vét mương.
Để thực hiện ý tưởng, anh Phước tìm đến các cơ sở thu mua ve chai để tìm phế liệu cũ nát làm phụ kiện cho máy vét. Để sản phẩm chào đời, anh Phước phải miệt mài hàn, tiện từng chi tiết nhỏ nhất suốt một tuần tại xưởng cơ khí của một người bạn.
Các phụ kiện máy vét mương không người lái của anh Phước được chế tạo từ phế liệu ve chai
Tuy nhiên, khi đưa máy xuống ruộng thử nghiệm thì chỉ chạy được 15 mét rồi tắt lịm, gốc rạ bám đầy mũi khoan. Phải trằn trọc suốt mấy đêm liền, anh Phước nghĩ ra bộ phận tiếp nước.
“Nó sẽ lấy nước trực tiếp từ ruộng và phun trực tiếp vào mũi khoan, lúc này đất đá trôi vào mũi khoan sẽ nhuyễn nhừ trôi hết, không còn gây nghẹt nữa”, anh Phước giải thích.
Máy vét mương có kết cấu khá đơn giản. Phần thân máy như những chiếc máy cày thông thường, phần đuôi gắn với một bộ phận đào đất bao gồm một mũi khoang ở giữa, hai ống phun bùn ở hai bên và một bình bơm nước phụ.
Khi đưa vào vận hành mũi khoang làm nhiệm vụ đào đất và cuộn đất vào bên trong. Áp lực hút vào sẽ ép nước và bùn bắn ra hai bên. Trường hợp lượng nước trên ruộng không đủ để động cơ hoạt động thì máy bơm nước phụ sẽ bổ sung nước cung cấp cho mũi khoang.
Hiện chiếc máy của anh được nhiều nông dân và các HTX xung quanh sử dụng
Để tiết kiệm sức lao động, anh Phước tiếp tục cải thiện thành máy không người lái. Để làm được điều đó anh Phước đã chế ra một bánh xe ở giữa và bộ phận nâng bánh. Lúc vận hành bánh giữa sẽ được đưa vào đường mương đóng vai trò như bộ phận dò đường và định hướng cho máy hoạt động. Do đó không cần người lái máy vẫn hì hục làm việc trên đồng.
Ông Mai Tân Tiến, Giám đốc HTX Tân Tiến (Đồng Tháp) cho biết: “Lúc trước mỗi vụ mùa phải mướn công dùng len đào mương, vét rãnh rất tốn công và tiền của. Từ lúc sử dụng cái máy vét mương cải tiến của anh Phước thuận tiện đủ đường, chỉ cần vài ngày là mấy trăm công đất đâu vào đấy”.
Hiện chiếc máy của anh được nhiều nông dân và các HTX xung quanh sử dụng. Hiện trung bình mỗi giờ, máy vét mương của anh Phước có thể đào được hơn 1.000 mét đất, tương đương với 30 đến 40 người lao động đào đất bằng tay. Nhờ những ưu điểm này mà giá thành đào đất cũng chỉ bằng một nửa so với đào bằng thủ công.
Sáng chế xe phun thuốc bằng 7 người làm
Không dừng lại ở máy vét mương không người lái anh Phước còn mày mò để chế ra xe phun thuốc.
Máy phun thuốc của anh Phước bằng sức lao động của bảy người làm
Ưu điểm của xe là có thể phun thuốc nhanh, thuốc được trộn đều, phun đều lên lúa. Xe phun thuốc còn ít giẫm lên lúa, giảm thất thoát trong quá trình sản xuất.
Nhìn bên ngoài, xe phun thuốc có vẻ cồng kềnh với hai bánh sau khá to nhưng bề mặt tiếp xúc mặt ruộng khoảng một tấc vừa khít với đường rãnh giữa hai cây lúa.
Hai bên là hai cần xịt dài, tổng cộng 20m. Chỉ trong ba giờ hoạt động, xe có thể phun xong 4 ha đất lúa, bằng công bảy người làm việc.
Anh Phước nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và là "cha đẻ" của nhiều loại máy nông nghiệp
“Cái xe này từ ngày làm đến ngày chạy được là 18 ngày. Hiện giờ nó hoạt động ổn rồi, một ngày có thể phun xịt trên 10 hecta đất ruộng”, anh Phước cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Văn Đạt - Chủ tịch xã Phú Đức nhận xét: “Anh Phước nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Thường ngày thấy ảnh hay dành thời gian nghiên cứu mái móc để sáng chế ra những thiết bị nông nghiệp nên người dân địa phương đặt biệt danh nhà sáng chế hai lúa”.