Người Sài Gòn hoang mang lo lắng vì thịt heo tiêm thuốc an thần

Thứ Ba, 04/08/2015 15:13  | Ngô Đồng

|

(CAO) Rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang, lo lắng.

Sau vụ heo “ăn” chất tạo nạc từ người chăn nuôi, lại đến lượt heo được người giết mổ chích cả thuốc an thần để cho thịt đẹp và dai hơn. Hàng loạt những vụ bơm nước vào bụng heo hay tiêm thuốc an thần trước khi đem bán trong thời gian gần đây đang khiến người tiêu dùng hoang mang lo sợ.

Nếu các cơ sở tiêm thuốc an thần, sau đó để khoảng thời gian dài rồi mới chuyển đi tiêu thụ thì ngay những người trong nghề cũng khó phát hiện được

Ớn lạnh thịt heo tiêm thuốc an thần

Mới đây, chiều 29-7, Trạm thú y H. Hóc Môn TP.HCM phối hợp với các cơ quan địa phương phát hiện một lượng lớn heo lậu đang được tập kết giết mổ trái phép tại nhà không số (tổ 11, ấp 1, xã Đông Thạnh) do ông Nguyễn Văn Tiến quản lý.

Điều đáng chú ý là kiểm tra tại chuồng, 22 con heo đang được nuôi đều có hiện tượng mệt mỏi, ngủ li bì. Cán bộ thú y cũng phát hiện một lọ thuốc Prozil (một dạng thuốc an thần, gây mê) và một ống tiêm để tiêm thuốc vào heo trước khi giết mổ.

Trước đó ngày 6-7, Trạm thú y Q.12 TP.HCM phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM phát hiện hàng chục chai lọ đựng thuốc Combistress (một dạng thuốc gây mê an thần) đã qua sử dụng vứt vương vãi tại lò mổ trái phép tại P.Hiệp Thành (Q.12) của Nguyễn Văn Văn (31 tuổi, quê Nam Định).

Ông Văn khai nhận loại thuốc này ông mua ở tiệm thuốc thú y giá 90.000 đồng/lọ. Trước khi mổ khoảng 2 giờ ông sẽ tiêm thuốc cho heo, một lọ tiêm được 40 - 50 con. Thịt heo sau đó được ông Văn mang bán tại các khu công nghiệp.

Hàng loạt những vụ tiêm chất cấm vào thịt heo khiến người tiêu dùng hoang mang lo sợ (ảnh minh họa)

Không chỉ có các lò giết mổ ở Sài Gòn sử dụng thuốc an thần cho heo, trước đó, 18-4-2015 đội kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra cơ sở kinh doanh heo của ông Phan Văn Vui (TP. Biên Hòa) đã phát hiện cơ sở này đã tiêm thuốc an thần Prozil khiến heo ít hoạt động để giết mổ.

Điều đáng nói là heo tại cơ sở của ông Vui sau đó được mang đi tiêu thụ tại địa bàn TP.HCM, đặc biệt là tại hai chợ lớn là Bình Điền (quận 8) và chợ Tân Xuân (huyện Hóc Môn). Sau đó, thịt lợn sẽ được phân tán ra các chợ nhỏ lẻ.

Người dân hoang mang

Thịt heo là thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn của mọi gia đình. Do đó, thông tin này xuất hiện khiến người dân tại Sài Gòn vô cùng lo lắng.

Chị Trần Thị Khánh Toàn (Q. Bình Thạnh) chia sẻ: “Bây giờ tôi rất e dè khi đi chợ mua thịt heo, nhưng ăn cá, trứng hoài thì cũng ngán. Đôi lúc cũng phải bấm bụng mua thịt heo về sử dụng. Mua bằng niềm tin hi vọng là ký thịt mình mua không bị bơm nước và tiêm thuốc an thần”.

Người tiêu dùng mua thịt heo bằng niềm tin hi vọng là ký thịt mình mua không bị bơm nước và tiêm thuốc an thần (ảnh minh họa)

“Câu chuyện này không mới, nhưng kéo dài dai dẳng bởi người nuôi, thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người dân Việt. Chúng tôi phản đối cách làm ăn này. Thịt heo là thực phẩm thiết yếu, không thể triệt hạ, tẩy chay trong một thời gian dài được”, chị Hoàng Thị Kim Ngân (42 tuổi, Q.3) bức xúc.

Một tiểu thương chuyên cung cấp thịt heo tại chợ đầu mới Hóc Môn cho hay, khi heo được tiêm thuốc an thần, khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ đầu sẽ bị lờ đờ, đi loạng choạng, có khi không đứng dậy nổi. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, heo sẽ dần hồi phục. Đến tiếng thứ 5, heo sẽ trở lại bình thường. Do đó, nếu các cơ sở tiêm thuốc an thần, sau đó để khoảng thời gian dài rồi mới chuyển đi tiêu thụ thì ngay những người trong nghề cũng khó phát hiện được. Chỉ khi nào “bắt được tay, day tận mặt” thì mới có thể khẳng định.

Gây hại thần kinh, hỏng thận,…

Ghi nhận tại các cửa hàng bán thuốc thú y, loại thuốc an thần Prozil được bán tràn lan với công dụng ghi rõ: Tác động lên hệ thần kinh trung ương, chống co giật do động kinh, an thần và giảm đau cho gia súc.

Tuy nhiên, loại thuốc này được ngành thú y chỉ định dùng cho các trường hợp heo nái quậy phá trong khi sinh, heo nái đẻ cắn con hoặc heo bị mẩn ngứa, dị ứng…

Ngoài chức năng chống động kinh và giảm đau trong mổ cho động vật, thuốc này lại có tác dụng phụ làm cho thịt heo hồng tươi và dẻo dai nên đây là lý do khiến nhiều lò mổ sử dụng bừa bãi, sai chỉ định.

Theo PGS TS DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM), việc tiêm thuốc Prozil vào heo trước khi giết mổ để lại nhiều nguy hiểm cho người sử dụng. Bất kì loại thuốc nào cũng được tích lũy trong cơ thể sống và gây hại. Riêng thuốc Prozil có thể gây tác dụng hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên nếu sử dụng liều cao hoặc quá liều.

Lượng thuốc an thần bơm vào heo thường không thể xác định định lượng là bao nhiêu. Điều này có thể gây quá liều. Khi lượng thuốc tồn đọng trong thịt heo quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây rối loạn tiêu hóa. Nếu một người ăn nhiều thịt heo loại này với thời gian dài thì có thể mắc các bệnh về thận, thần kinh…

Riêng trẻ em, việc hấp thụ chất là rất nhanh. Do đó, nếu trẻ ăn loại thịt bị tiêm thuốc an thần với thời gian dài có thể bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn…

Bình luận (1)

Nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn để bảo vệ sức khỏe cho dân và thế hệ tương lai, phải trừng trị thật nặng, không chỉ phạt tiền mà phải bỏ tù vì họ góp phần "giết" cả thế hệ tương lai.

Thanh Nguyen - Thứ Ba, 11/08/2015, 04:48 Trả lời | Thích
Lên đầu trang