(CAO) Vài tháng qua, nhiều bệnh nhân sau khi mổ mắt bằng phương pháp lasik tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng (135 Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM) đã hết sức bất bình vì không được tiếp tục mổ lần 2 theo như cam kết.
Lý do mà bệnh viện đưa ra là vì bác sĩ thực hiện phẫu thuật lần 1 cho bệnh nhân đã chuyển công tác đi nơi khác.
Bệnh viện Mắt Cao Thắng TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
“Bán cái” người bệnh
Chị Đ.T.D. (28 tuổi, ngụ Hóc Môn) cho biết chị bị cận, loạn 7 độ rưỡi cả hai mắt. Vào tháng 7-2014, chị đến khám tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng và được tư vấn mổ lasik do giác mạc mỏng. Phương pháp này được tiến hành phẫu thuật 2 lần do bác sĩ Nguyễn Thị Mai thực hiện, với chi phí trọn gói do bệnh viện đưa ra là 24 triệu đồng.
Sau ca mổ lần 1, chị D. tiếp tục tái khám tại bệnh viện. “Đáng lý vào tháng 2-2015 là tôi được mổ lần 2 khi mắt đã ổn định. Thế nhưng vào lúc đó bệnh viện thông báo bác sĩ Mai đã nghỉ việc và yêu cầu tôi chờ. Mãi đến ngày 15-6 vừa qua, bệnh viện mới đưa ra hướng giải quyết là chuyển tôi qua Bệnh viện FV (Q.7) để được chính bác sĩ Mai mổ tiếp theo kỹ thuật lasik”, chị kể.
Bệnh viện Mắt Cao Thắng hứa nếu đồng ý, sẽ hoàn lại cho chị 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chị D. cho rằng cách làm việc này hoàn toàn thiếu trách nhiệm. Đó là chưa kể, nếu chuyển sang mổ tại FV, chi phí cho ca mổ lần 2 có thể lên đến hơn 10 triệu đồng.
Bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện cũng 'nghỉ chơi' bệnh nhân. Ảnh: Quốc Ngọc
Tương tự, bà Phan Thị Trúc (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) khá bức xúc cho biết, bà phải đi vay nợ để có đủ 24 triệu đồng đóng chi phí trọn gói mổ mắt lasik cho con gái Lâm Thanh Ngọc.
Tháng 1-2014, Ngọc được bác sĩ Mai mổ lần 1. “Đến tháng 6 năm nay, tôi dẫn con tái khám để được phẫu thuật tiếp lần 2. Nhưng bệnh viện từ chối vì bác sĩ Mai chuyển công tác”, bà Trúc bất bình.
“Khi chúng tôi phản ứng, bệnh viện mới giải quyết trả lại cho mỗi bệnh nhân hơn 5 triệu đồng, yêu cầu sang Bệnh viện FV để được bác sĩ Mai mổ lần 2. Quá vô lý, tiền chúng tôi đã đóng trọn gói, bệnh viện phải có trách nhiệm, không được đem con bỏ chợ như thế. Lấy đâu ra thêm tiền để mổ ở bệnh viện khác. Chúng tôi chỉ biết cam kết với Bệnh viện Mắt Cao Thắng chứ không với cá nhân bác sĩ nào cả”, bà Trúc bức xúc cho biết.
Ngoài các trường hợp trên, chúng tôi còn nhận được phản ánh từ nhiều bạn đọc khác về vấn đề này.
Bệnh viện sẵn sàng đưa vấn đề lên Sở Y tế
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Danh Khôi - Tổng giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng - xác nhận các sự việc này.
Trường hợp người bệnh đã được bác sĩ Mai mổ lasik lần 1 tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng, rồi sau đó do bác sĩ này nghỉ việc nên không được mổ lần 2 có đến 50-60 bệnh nhân.
“Một số người không muốn mổ lần 2 nữa, chúng tôi đã hoàn lại tiền. Số khác đã chấp nhận sang FV mổ không vấn đề gì. Và cũng có bệnh nhân không đồng ý với cách giải quyết của bệnh viện. Chúng tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm của mình đối với những trường hợp này. Bởi chúng tôi luôn mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, môi trường tốt nhất cho bác sĩ điều trị bệnh nhân”, ông Khôi nói.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Khôi, bệnh viện chưa nhận được bất cứ đơn khiếu nại nào từ các bệnh nhân nói trên để có cơ sở đưa lên cấp quản lý cao hơn giải quyết. Bởi trong câu chuyện này, Bệnh viện Mắt Cao Thắng hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho bệnh nhân được mổ lần 2 ngay tại bệnh viện với cùng bác sĩ Mai, nhưng việc này đụng đến vấn đề pháp lý.
“Nếu có đơn khiếu nại của bệnh nhân, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra cho Sở Y tế TP.HCM lấy ý kiến chuyên môn giải quyết”, ông Khôi khẳng định.
Trả lời các câu hỏi những người bỏ không mổ lần 2 hoặc người còn đang chờ hướng giải quyết, liệu có bị ảnh hưởng gì về mắt hay không? Bệnh nhân chỉ biết hợp đồng dịch vụ với pháp nhân là bệnh viện chứ không phải với cá nhân bác sĩ nào? Ông Khôi đều cho rằng cần ý kiến của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế.
Tuy nhiên, ông Khôi cho biết, nếu bất cứ bệnh nhân nào có yêu cầu về tình trạng mắt chưa được mổ lần 2, bệnh viện sẵn sàng mời đến khám, chẩn đoán lại để có biện pháp thích hợp.
Theo Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), giữa bệnh viện và các bệnh nhân đã có một giao dịch liên quan đến việc khám và mổ mắt, chi phí do phía bệnh viện đưa ra là 24 triệu đồng, được tiến hành thành 2 giai đoạn.
Về phía bệnh nhân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán tiền viện phí cho phía bệnh viện và được xác nhận là hóa đơn thanh toán. Như vậy, có thể thấy đây là một hợp đồng dịch vụ được qui định cụ thể ở điều 518 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Ở đây bệnh viện mắt là đơn vị cung cấp dịch vụ còn bệnh nhân là đơn vị thuê dịch vụ.
Theo các điều 520, 522 Bộ luật Dân sự, nghĩa vụ bên thuê dịch vụ phải thanh toán tiền cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận, còn bên cung ứng dịch vụ phải có nghĩa vụ thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác và không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ.
Vì vậy, việc Bệnh viện Mắt Cao Thắng không mổ tiếp cho bệnh nhân và đề nghị bệnh nhân qua Bệnh viện FV để được bác sĩ Mai mổ tiếp là chưa thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trước đó.
Nên nhớ rằng, trong vụ việc này thì người cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân và người đã 24 triệu đồng của bệnh nhân là bệnh viện mắt Cao Thắng và chứ không phải cá nhân BS Mai. Nếu không có thỏa thuận và được sự đồng ý của bệnh nhân thì bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện nốt công việc còn lại cho bệnh nhân trên không thể thoái thác trách nhiệm như thế được. Vì ngoài trách nhiệm mình phải thực hiện theo thỏa thuận còn là trách nhiệm lương tâm của thầy thuốc đối với bệnh nhân.