Cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người… nghiện rượu?!

Thứ Ba, 21/07/2015 10:19  | Quốc Ngọc

|

(CAO) Những “điều lạ” trong quá trình cấp giấy xác nhận của UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) như nộp hồ sơ vài phút là được hội đồng xét duyệt hoặc “giám định” tình trạng khuyết tật của bệnh nhân qua người nhà... cho thấy bầu sữa ngân sách đang được đem ra “xài” một cách quá dễ dãi.

Theo hàng xóm, ông Nguyễn Kiều C.T. (50 tuổi, hộ khẩu thường trú TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) suốt ngày lang thang uống rượu. Gần 4 năm trước, ông T. phải nhập bệnh viện tỉnh điều trị chứng ảnh hưởng thần kinh do rượu. Nhưng mới đây, nhiều người quen biết khá ngạc nhiên khi ông T. lại bỗng dưng được UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) ra quyết định trợ cấp 570 nghìn đồng/tháng và cấp thẻ BHYT theo diện người khuyết tật nặng (?).

Giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cấp cho ông T. để được hưởng các chính sách. Ảnh: Quốc Ngọc

BHYT đã phải chi trả hàng trăm triệu đồng

Chuyện giấy xác nhận khuyết tật “từ trời rơi xuống” này xảy ra khi ông T. bị nhồi máu não và được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện ở Tiền Giang lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cứu chữa vào ngày 20-3.

Khi nhập viện, bệnh nhân không có BHYT và được người thân (công tác trong ngành y) bảo lãnh viện phí. Chi phí điều trị tính đến ngày 1-5 đã lên đến 151 triệu đồng.

Chính thời điểm này, người nhà ông T. trình BHYT và cả giấy xác nhận khuyết tật của UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) ký ngày 3-4, yêu cầu bệnh viện phải giải quyết 100% viện phí cho người có chế độ khuyết tật.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, viện phí tiếp sau đó từ 1-5 cho đến lúc bệnh nhân T. xuất viện ngày 23-5 ngót nghét hơn 128 triệu đồng nữa. Nhưng vì đã có BHYT, nên bệnh nhân được BHYT thanh toán 104 triệu đồng, phần còn lại 24,4 triệu đồng gồm vật tư, thuốc men ngoài danh mục BHYT do bệnh nhân đồng chi trả.

Tuy nhiên, qua rà soát, bệnh viện phát hiện nhiều nghi vấn liên quan đến việc cấp BHYT và giấy xác nhận khuyết tật của ông T.

Tại sao một địa phương ở TP.HCM lại duyệt cấp giấy cho người ở Tiền Giang? Thời điểm UBND xã Bình Hưng xét duyệt hồ sơ khuyết tật là thời điểm ông T. còn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy? Vậy hội đồng giám định của xã dựa vào tiêu chí, cơ sở khoa học nào để xác nhận ông T. khuyết tật tâm thần nặng? Khi tiếp nhận hồ sơ từ xã để ra quyết định trợ cấp xã hội và BHYT, UBND huyện Bình Chánh có xác minh lại trường hợp này?…

Sau khi rời khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình tiếp tục cho ông T. lần lượt vào điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115. Với thẻ BHYT do UBND huyện Bình Chánh cấp từ hồ sơ nhiều nghi vấn trên, ông T. tiếp tục được BHYT chi trả hàng chục triệu đồng.

Dấu hiệu trục lợi BHYT và ngân sách

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Tuyết Mai - Phó phòng LĐ-TB-XH huyện Bình Chánh - cho biết, phòng tham mưu cho huyện ra quyết định trợ cấp xã hội và hưởng BHYT hoàn toàn căn cứ vào hồ sơ xét duyệt từ cấp xã chuyển lên. Khi nào có phản ánh từ người dân về trường hợp nào đó, phòng mới tiến hành xác minh lại hồ sơ.

Trường hợp ông T., theo bà Mai, người có tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên thì đủ tiêu chuẩn để được UBND xã xem xét.

“Hồ sơ của xã thể hiện ông T. đã tạm trú từ năm 2006. Trước thông tin đặt vấn đề liên quan trường hợp này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại để có hướng giải quyết hợp lý”, bà Mai cho hay.

Về phía xã, trả lời về các nghi vấn, bà Trương Thị Hường - Phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng - khẳng định, ông T. có tạm trú trên địa bàn xã, nên đủ kiện để UBND xã xét cấp giấy xác nhận khuyết tật.

Bà Hường cũng thừa nhận, hội đồng giám định không tiếp xúc trực tiếp người bệnh vì ông T. đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và gia đình có cung cấp trích lục kết luận bệnh án khi ông này điều trị chứng rối loạn thần kinh do rượu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang từ… 4 năm trước. Và qua trao đổi với chị bệnh nhân, 7/7 thành viên hội đồng đã thống nhất kết luận ông T. bị khuyết tật thần kinh, tâm thần mức độ nặng. Sau buổi “giám định” này, UBND xã đã ký giấy xác nhận khuyết tật và gửi hồ sơ lên huyện để đề xuất xét duyệt trợ cấp và BHYT cho ông T.

Tuy nhiên, theo quy định, trước khi cấp giấy xác nhận khuyết tật hội đồng giám định phải tiếp xúc, quan sát trực tiếp người bệnh hoặc nếu không gặp được bệnh nhân phải dựa trên kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, thành để ra quyết định. Hội đồng giám định của xã Bình Hưng chỉ dựa vào bản trích lục bệnh án của một bệnh viện là hoàn toàn trái luật.

Theo Phòng LĐ-TB-XH huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện có gần 2.000 trường hợp được hưởng trợ cấp xã hội và BHYT diện khuyết tật. Qua vụ việc này, liệu còn bao nhiêu hồ sơ được xét duyệt cẩu thả, trái quy định như trên?.

Bầu sữa ngân sách vốn đã teo tóp lại phải đối mặt nguy cơ “thủng lưới” bởi cách “giữ gôn” tùy tiện của một số địa phương khi cấp bảo trợ xã hội mà không thẩm tra, xác minh kỹ càng. Thậm chí cấp cho cả những đối tượng nghiện rượu. Quỹ BHYT năm nào cũng kêu gào nguy cơ vỡ quỹ mà lại đang phải gánh hàng trăm triệu đồng bởi những đối tượng không thực sự muốn tham gia BHYT với thái độ tích cực nhất.

Phải trực tiếp gặp bệnh nhân

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, về chuyên môn, hội đồng đánh giá khuyết tật tâm thần phải có bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đây là dạng khuyết tật rất khó xác định, vì nó trừu tượng, chứ không cụ thể, cảm quan được như những khuyết tật khác.

“Giám định mà không gặp trực tiếp bệnh nhân, chỉ nghe qua người nhà khai báo thì đơn giản quá. Với tình trạng rối loạn tâm thần do rượu, muốn xác định phải hiểu rõ việc rối loạn, tổn thương đó là cấp tính hay mãn tính, tỷ lệ khuyết tật bao nhiêu, có đủ tiêu chuẩn không…”, ông Thắng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang