(CAO) Mùa nắng nóng là thời điểm để điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận.Vì thế, khi lựa chọn đồ ăn, thức uống, mỗi người nên cẩn thận để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Những người bị ngộ độc thực phẩm thường bị đau bụng, nôn mửa, sốt nhẹ rồi dẫn chuyển sang sốt cao, mất nước và một số trường hợp bị tiêu chảy.
Người bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau: Xử lí thực phẩm hoặc nấu nướng món ăn không đúng cách; Thức ăn để ngoài không khí quá lâu; Ăn uống ngoài đường, vỉa hè, nhất là ở những hàng quán mất vệ sinh; Thường xuyên ôm ấp, âu yếm các con vật nuôi khiến trẻ em dễ bị dính lông của những con vật này và lại dính vào thức ăn và đưa vào miệng; Thức ăn không được nấu chín kĩ để “tiêu diệt” các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn; Hoa quả và rau xanh chưa được rửa sạch đúng cách; Nấu đồ ăn với nước bị ô nhiễm.
Mẹo chữa ngộ độc thực phẩm
Nếu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay món đó. Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân, nôn càng nhiều càng tốt để đẩy hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Hoặc pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
Thực phẩm phải được sơ chế cẩn thận
Sau khi gây nôn để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể.
Mặt khác, uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại. Đối với những trẻ từ 2 - 10 tuổi thì pha một gói orezol với 200ml nước rồi cho người bệnh uống.
Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu cho bệnh nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu bệnh nhân hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Sau khi sơ cứu, phải khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện sớm nhất để được xử lý tiếp.
Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.