Cồn khô, cồn lỏng được các nhà hàng và hộ gia đình sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều trường hợp bị phỏng đáng tiếc do sử dụng loại cồn này để đun bếp.
Người châm cồn “bình an”, người xung quanh lãnh đủ
Mới đây, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị cho nạn nhân L.T.H.M. (SN 1992, ngụ quận Bình Tân) do bị phỏng lửa cồn vùng mặt và ngực.
Theo lời nạn nhân kể, sau khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM vào buổi sáng thì buổi chiều vợ chồng chị đến quán lẩu gần nhà tổ chức ăn mừng.
Trong bữa ăn, do nhân viên quán thấy lửa yếu nên mang chai cồn nước đến châm thêm vào bếp. Tuy nhiên nhân viên vừa bóp chai cồn thì lửa phực mạnh, nhân viên quán hoảng hốt ném chai cồn trúng người chị M. khiến chị bị phỏng nặng vùng mặt và ngực.
Nạn nhân bị phỏng bếp còn đag điều trị tại khoa Phỏng bệnh viện Chợ Rẫy.Ảnh: Kim Phát
Sau đó, chị M. được chồng đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Được biết, chị M. mới làm đám cưới chỉ hơn 40 ngày thì gặp nạn.
Thời gian qua rất nhiều người bị phỏng liên quan đến cồn nước, có trường hợp bị nặng đã tử vong. Rất nhiều trường hợp nhân viên phục vụ sơ ý và thực khách cũng không chú ý nên khi cồn vừa tiếp xúc với lửa trong bếp đã bùng cháy. Thường thì trong các vụ tai nạn về cồn chỉ những người xung quanh lãnh đủ còn người châm cồn thì “bình an”.
Các loại cồn khô, cồn nước loại nhập ngoại hay sản xuất trong nước được bán nhiều ở các siêu thị, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng, cách sử dụng rõ ràng. Ngoài ra, còn có loại cồn xuất xứ trôi nổi được bán trong từng túi ni lông không có nhãn mác, thành phần hóa học. Loại cồn này được tiêu thụ nhiều nhất vì giá thành rất rẻ. Theo các bác sĩ chuyên khoa Phỏng tại các BV ở TP.HCM, tai nạn từ bếp cồn không phải hiếm. Tất cả các bệnh nhân đều phải nằm viện điều trị nhiều tháng liền với mức viện phí lên đến cả trăm triệu đồng.
Cách đây không lâu, tại TP.HCM, vợ chồng anh Võ Minh Nam (ngụ tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) cùng bạn bè đi ăn lẩu tại một quán ăn ở quận 9. Khi người phục vụ đổ thêm cồn vào bếp (cồn lỏng), lửa phực thẳng vào người khiến anh Nam bị phỏng. Bếp lẩu bị cháy cũng làm vợ anh phỏng nặng phải nhập viện. Anh Nam phỏng 14% độ II, tập trung ở cổ, mặt, thân và hai tay; vợ anh bị phỏng 8%, tập trung ở mặt, thân và hai tay.
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Phạm Văn Nghiệp (50 tuổi, ngụ ở Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng vết phỏng nông, chiếm diện tích 14% do cồn gây ra ở mặt, bụng, tay, mi và kết giác mạc hai mắt. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông Nghiệp đi du lịch cùng đoàn từ Bắc Ninh vào các tỉnh miền Nam. Khi xe ghé vào một quán ăn ở Dầu Giây (Đồng Nai), mọi người ăn lẩu, khi bếp gần hết cồn, một phục vụ mang bình cồn ra châm, bất ngờ lửa bùng lên khiến người phục vụ hốt hoảng ném bình cồn trúng vào người ông Nghiệp.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Phỏng tại các BV ở TP.HCM, tai nạn từ bếp cồn không phải hiếm. Một trường hợp tương tự cũng đã khiến 6 người ở Đồng Tháp phải nhập viện. Ngày cuối tuần, gia đình dùng bếp cồn để nấu lẩu. Khi thấy bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào, vừa chạm vào bếp thì ngọn lửa bỗng bốc lên, cồn cháy văng tung tóe tạt vào lũ trẻ đang ngồi chờ ăn. Nặng nhất là một bé 7 tuổi, bị cháy đến 95% cơ thể, được điều trị tại Khoa Phỏng – Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1 TP.HCM.
Dùng bếp cồn còn có thể gây ngộ độc
Hiện nay, rất nhiều cửa hàng ăn uống dùng bếp cồn khô, cồn nước thay cho bếp gas mini hoặc bếp than để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chỉ cần một chút bất cẩn thì bếp cồn khô, cồn nước rất dễ gây tai nạn thương tâm.
Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng Tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy, đã có không ít nạn nhân bị phỏng toàn thân vì sơ ý với bếp cồn. Theo bác sĩ Đạo, do đặc thù của lửa cồn là màu trắng, nhiều người không để ý kỹ sẽ tưởng nhầm lửa đã tắt, hết cồn nên châm thêm vào.
Cồn dễ bắt lửa, phừng cháy rất nhanh, nếu bất cẩn để dính cồn lên da thịt hay quần áo thì hết sức nguy hiểm. Vì thế, khi châm cồn cần chắc chắn lửa đã tắt. Thực khách khi dùng thức ăn được nấu bằng bếp cồn, nên bảo nhân viên mang bếp ra chỗ khác thay cồn để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ngoài tai nạn phỏng, người dùng bếp cồn còn có nguy cơ bị ngộ độc. Theo các chuyên gia y tế, cồn khô nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên sẽ không ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. Nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng xấu đã dùng methanol để chế ra cồn, vì giá của methanol rẻ hơn rất nhiều so với ethanol. Hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp gây nhức đầu, cay mắt,… Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng thị lực, thần kinh...
Đối với người bị phỏng, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi đưa đến các cơ sở y tế cần sơ cứu tại nhà bằng cách ngâm vùng bị phỏng vào nước lạnh từ 16 – 20 độ ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Việc này giúp vùng phỏng được hạ nhiệt tức thời, hạn chế hiệu quả các vết phỏng sâu cho nạn nhân. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện để tránh những dị tật đáng tiếc.