Góc khuất những kiếp người bên bãi rác Cam Ly

Thứ Năm, 28/05/2015 03:35  | Bài và ảnh: K’ Liệp

|

(CAO) Vòng qua nghĩa trang Cam Ly (phường 5, TP Đà Lạt) khoảng 300m chúng tôi bỗng ngột thở vì mùi xú uế. Cùng lúc đó, bãi rác Cam Ly đập vào mắt hình ảnh những con người đang miệt mài lục tìm, bới nát bãi rác để nhặt ve chai mưu sinh qua ngày.

Mặt trời gần đứng bóng, cái nắng trưa của Đà Lạt mùa này cũng gay gắt chẳng kém Phan Rang, Sài Gòn là mấy. Càng tiến sâu vào trong không gian càng đặc quánh mùi xú uế, một bãi rác rộng mênh mông (quy mô 12 ha) với đủ các loại phế thải nằm vương vãi hoặc được chất thành từng đống điệp điệp, trùng trùng… Lọt thỏm giữa bãi rác, hàng chục con người đang miệt mài bới móc, kiếm tìm những gì có thể bán được thành tiền từ những thứ người ta đã vứt đi, những thứ đã được gọi là “rác thải”. Và đó là nguồn sống của nhiều hộ gia đình mưu sinh từ đồ phế thải của đô thị.

Những kiếp người cơ cực bên bãi rác Cam Ly

Chúng tôi tiến gần một người phụ nữ trẻ đang mang bầu, mồ hôi nhễ nhãi, một tay cầm bao tải chứa đầy phế thải còn tay kia vẫn thoăn thoắt không ngừng bới móc tìm kiếm những mảnh vụn ve chai, chốc chốc chị lại dừng lại thở dốc với hơi thở hết sức nặng nhọc rồi ôm cái bụng thoa thoa, hình như đứa trẻ trong bụng không chịu nằm yên cho chị làm việc.

Tiếp chuyện với chị chúng tôi mới biết chị tên Kha, năm nay 27 tuổi, quê ở Đồng Nai. “Nhà bố mẹ em đã nghèo rồi, vậy mà đi lấy chồng mới biết nhà chồng còn nghèo hơn, hai vợ chồng lang thang khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống nhưng cũng không đủ nuôi hai đứa con nhỏ, không có nhiều lựa chọn, tụi em dắt nhau lên đây. Giờ em đang mang bầu đứa thứ ba được 8 tháng rồi, nhiều hôm mệt lắm nhưng nghĩ khi con mình ra đời nếu không có tiền làm sao nuôi nó nên lại bấm bụng ra đây bới rác”, Chị Kha cho biết.

Chị Kha đã mang bầu đến tháng thứ 8 nhưng ngày ngày vẫn ngập chân trong rác để kiếm tiền nuôi con

Đồng cảnh nghộ với chị Kha là ông Công (53 tuổi) quê ở Tây Ninh cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Có cùng đường thì mới tới đây chú ạ! Ông trời nhiều lúc quá tàn nhẫn với tụi tôi. Vợ tôi mất hơn chục năm nay, thương tụi nhỏ tôi ở vậy cố gắng làm lụng nuôi hai đứa con. Đâu phải tụi tôi bất tài, dốt nát rồi không chịu phấn đấu đâu..."

Ông Công trầm ngâm rồi nói tiếp: "Trước đây, tôi làm nghề biển, cũng nhờ nhanh nhẹn, chăm chỉ lại thật thà nên được chủ tàu tín nhiệm giao cho chức quản công, tức là quản lí lao động trên tàu. Ai ngờ cũng vì tin người, cho lao động ứng tiền trước rồi họ kéo nhau bỏ đi biệt tích để lại cho tôi một đống nợ. Bán nhà trả nợ không đủ lại còn bị chủ tàu đuổi việc, vậy là trắng tay. Không còn đường nào để đi, tôi ngậm ngùi bảo hai đứa con nghỉ học rồi lên Đà Lạt nhặt rác kiếm tiền trả nợ dần. Ngày nào may mắn nhặt được nhiều phế liệu thì kiến được khoảng 150 ngàn đồng, còn bình thường một ngày chỉ được khoảng 100 ngàn đồng. Đã vậy, lên đây trời nóng, lạnh thất thường, hai đứa con tôi cứ bệnh tật ốm đau suốt, ông chủ tàu thì liên tục đòi nợ, không biết những ngày sau ba bố con tụi tôi sống ra sao nữa”.

Những mảnh đời cô đơn không nơi nương tựa

Ở đây còn ngoài gia đình chị Kha, ông Công, còn có những mảnh đời cô đơn không nơi nương tựa. Cụ Năm (đã hơn 70 tuổi) đang gom một đống lon bia, chai nhựa… nằm ngổn ngang dưới đất vào bao tải. Đó là thành quả của một ngày lao động cật lực. Nghe có người hỏi thăm, người đàn bà điếc đặc, với thân hình da bọc xương, khom lưng, lụi khụi mời khách vào “nhà” uống nước. Gọi là nhà nhưng nó chỉ là một túp lều xơ xác đã rách bươm.

Gọi là nhà nhưng nó chỉ là một túp lều xơ xác đã rách bươm

“Cả một đời làm lụng vất vả giờ cũng chưa được nghỉ hưu con ạ. Nhưng nay đã yếu lắm rồi, đi làm bữa được bữa không, cũng phải sống nhờ hàng xóm, anh em ở đây”, cụ thều thào nói sau một trận ho.

Cách đó không xa còn có những đứa trẻ, hầu hết các em không được đi học vì cái nghèo, cái đói không cho phép chúng ra khỏi bãi rác này. Như em Nguyễn Thành Hải, mới 16 tuổi mà Hải đã có thâm niên hơn 4 năm nhặt ve chai. Khi hỏi về hoàn cảnh của mình, Hải lau nước, im lặng một lúc lâu rồi mới có thể cất lời kể: “Bố mẹ em mất lúc em mới 12 tuổi, cũng vì căn bệnh ung thư quái ác. Một mình em lang thang ở Sài Gòn bán vé số nhưng ở đó em thường xuyên bị đàn anh bắt nạt, đánh đập, chấn tiền… lang thang mãi rồi lại tới đây”.

Đi cùng với Hải còn có Lan (15 tuổi), Dương (16 tuổi)… và còn nhiều em nhỏ khác chưa tới 10 tuổi. “Hàng ngày chưa đầy 6 giờ sáng, ăn chưa xong chén cơm nhưng hễ có xe tới là tụi em nhào ra tức thì, như thế mới nhặt được nhiều ve chai chứ chậm châm là không còn phần. Nhiều hôm hên hên còn nhặt được nhiều vật dụng tốt còn có thể sử dụng được. Như bộ quần áo xịn của Thằng Hải hôm diện ra phố đi chơi tết cũng là nhặt được trong đống rác đó", Lan hồn nhiên chia sẻ.

Rời bãi rác chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói của Hải: “Em chỉ ước được sống một ngày có ba, có mẹ, được nũng nĩu, được ôm ấp, được đòi hỏi… như bao đứa trẻ khác còn bố còn mẹ trên đời. Chỉ một ngày thôi, rồi em chết cũng được. Như thế là hạnh phúc hơn cả chuỗi ngày cô đơn, lạc lõng… mà em đang sống cộng lại rồi chị ạ”.

Dù nắng hay mưa, hàng ngày, những con người nơi đây vẫn đều đặn bới tìm trên từng đóng rác để mưu sinh qua ngày.

Bình luận (0)

Lên đầu trang