Góc khuất của những phận người ở trại phong Bến Sắn

Thứ Tư, 07/01/2015 07:25  | 

|

(CAO) Với y học hiện đại, bệnh phong không còn là thách đố, nhưng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người về căn bệnh từng bị coi là "Tứ chứng nan y".

Ấm áp tình người tại trại phong Bến Sắn

Tôi đến Khu điều trị Phong Bến Sắn (Bình Dương) vào một sáng chủ nhật trời se lạnh. Quãng đường từ Bệnh viện Da Liễu (TP.HCM) đến Trại Phong Bến Sắn chừng 39km. Khi tôi vừa nghe xong bài Hàn Mặc Tử thì xe đã ngừng trước cổng...

Những cảnh đời thương cảm

Đón chúng tôi là sơ Đỗ Thị Lan, điều dưỡng trưởng. Theo sơ Lan thì bệnh nhân ở đây không phải đều do gia đình đưa đến chữa bệnh mà còn có cả một số người bệnh vô gia cư được chuyển đến.

Hầu hết những bệnh nhân phong ở Bến Sắn này về đây khi tuổi đời còn rất trẻ. Không ai giống ai nhưng đều có chung hoàn cảnh mang trong mình bệnh phong. Bệnh tình khiến tay chân nhiều người “rơi rụng”, đớn đau mà còn kéo người thân xa dần họ.

Bệnh tình khiến tay chân nhiều người “rơi rụng”, đớn đau mà còn kéo người thân xa dần họ. Ảnh: Ngô Đồng

Trong trại phong này, ngoài 135 bệnh nhân đang được điều trị tại các dãy phòng tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, còn có khoảng 370 trại viên. Trại viên là những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng vì họ đến chữa bệnh quá trễ nên thân thể đã bị tàn phế. Mặc cảm bị người đời và chính cả người thân do không hiểu rõ căn bệnh này, đã ghê sợ xa lánh, nên họ xin được ở lại trại làm ăn sinh sống. Bằng những đôi tay đôi chân đã biến dạng, họ chăn nuôi và trồng trọt nho nhỏ.

Bác Vương Thị Cúc (SN 1939) trong Ban đại diện bệnh nhân cho biết, năm 1976 khi đang là công chức nhà nước, phát hiện ra bệnh, bác lên đây điều trị. Bệnh của bác do phát hiện sớm nên điều trị khỏi khi cơ thể còn nguyên vẹn, nhưng mặc cảm về bệnh tình nên bác không trở về nhà mà ở lại đây từ ngày ấy đến bây giờ. Lúc trước, con em của các bệnh nhân phong ở đây không được đến trường nên bác cùng với một số người mở lớp dạy chữ cho các em. Cuộc sống cứ thế cuốn đi, giờ đã 37 năm.

Đôi mắt bác Cúc đượm buồn khi cho chúng tôi biết trong khu này còn có một nghĩa trang, mà số người chết thì gấp nhiều lần số người đang điều trị tại đây.

Nhiều người có con cái, họ cũng thoát ly đi làm xa, dựng vợ gả chồng đều phải giấu tung tích vì mặc cảm. Có người thì một năm cũng có đôi lần người thân lui tới, có người thì cả mấy chục năm trời không có lấy bóng dáng một người thân. Thậm chí, có người trước khi vào đây được người nhà đưa đến, thế nhưng ngày ra đi chỉ còn bạn bè cùng bệnh tật, những người trong Bến Sắn đưa tiễn...

Có người thì một năm cũng có đôi lần người thân lui tới, có người thì cả mấy chục năm trời không có lấy bóng dáng một người thân. Ảnh: Ngô Đồng

Bác Từ Trí (76 tuổi) nhìn tôi nói bằng giọng run run: “Bác sống và chữa bệnh ở đây 30 năm rồi, không nhớ quê quán cũng chẳng có giấy tờ tùy thân”.

Rất nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân như bác Trí nên các bác sĩ, các sơ ở đây không thể lo được cho họ cái thẻ bảo hiểm y tế để có thể được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mỗi khi phải chuyển viện.

Ngoài bệnh phong, họ còn mang trong mình nhiều bệnh khác do di chứng như mắt mờ, bệnh tim, tiểu đường,… Thế nên, một bệnh nhân phong từng sáng tác câu thơ nói về số phận: “Bệnh cùi không bao giờ chữa hết/ Người cùi như xác chết chưa chôn”.

Nương nhau sống trọn một kiếp người

Theo các sơ đến từng dãy phòng bệnh, tôi đã đi qua những con đường có trồng thật nhiều cây xanh và những khóm hoa rất đẹp. Tôi thấy khu nào trong khuôn viên Trại cũng trồng nhiều cây và hoa. Các sơ nói phải làm như thế để các bệnh nhân có cảm giác được sống gần gũi với thiên nhiên, sẽ tốt hơn cho sức khỏe của họ.

Bến Sắn như một xã hội thu nhỏ của những bệnh nhân phong, hơn hết họ về đây tìm một bến đỗ cuối cùng cho cuộc đời. Ảnh: Ngô Đồng

Trại viên ở Khu điều trị Phong Bến Sắn được nhà nước bao cấp hoàn toàn, nhưng được như mong muốn thì cũng còn cần lắm những tấm lòng nhân ái. Một bệnh nhân nhận quà của đoàn từ thiện vui mừng chảy nước mắt nói: “Có tiền rồi sẽ mua thịt để kho ăn tết. Tết sắp đến rồi”. Một chị điều dưỡng nói: “Tết ở trại mình cũng có thịt kho mà”, cụ tiếp lời: “Nhưng tui cũng muốn dùng tiền này để mua thêm thịt kho để mọi người được ăn nhiều hơn...”.

Các nhân viên y tế, các sơ là những người lo cho các bệnh nhân từ những bữa cơm cho đến việc tắm rửa giặt giũ. Ảnh: Ngô Đồng

Có thể thấy rõ ở đây những tấm lòng san sẻ đầy ắp tình người. Nhiều cụ già trên 70, người thân đã hoàn toàn quên lãng nên họ chăm sóc lẫn nhau. Người còn tay thì đút cơm cho người tàn phế, người còn chân thì đẩy xe giúp người không chân. Dù cuộc sống khó khăn, bữa cơm đạm bạc nhưng tình người thì vẫn ấm áp, tràn đầy...

Nhiều cụ già trên 70, người thân đã hoàn toàn quên lãng nên họ chăm sóc lẫn nhau. Ảnh: Ngô Đồng

Đặc biệt trong trại có cả khu dân cư dành cho các hộ gia đình có người từng bị bệnh phong. Có nhiều gia đình đã sống ở đây từ 2 đến 3 đời. Như trường hợp nhà thơ Đơn Phương, tên thật là Trần Hồng Phương và vợ là bà Thu mà câu chuyện về vợ chồng ông Phương như câu chuyện cổ tích ở Bến Sắn, dù ông đã qua đời cách đây 2 năm ở tuổi 73.

Sinh ra trong chiến tranh, sống kiếp mồ côi từ nhỏ, ở nhờ cô nhi viện, Đơn Phương biết làm thơ từ năm 13 tuổi, rồi mắc bệnh phong, phải trốn chạy vào rừng, rồi vào trại phong, sau đó lang thang hành khất... rồi gặp bà Thu, họ nên duyên vợ chồng vì thương cảm nhau,... Trong suốt chặng đường đối diện với nỗi đau, Đơn Phương đã viết hàng trăm bài thơ thống thiết, mang những lời lẽ có trăng và máu, y hệt thi sĩ Hàn Mặc Tử ngày xưa. Mỗi bài thơ ông sáng tác như tạc họa lại cuộc đời mình nói riêng, cuộc đời bệnh nhân phong nói chung...

Không chỉ có Đơn Phương, tại Bến Sắn ngày nay vẫn không ít người làm thơ rất hay, viết văn giỏi, hát cũng hay nữa,... Có thể nói, Bến Sắn một xã hội thu nhỏ của những bệnh nhân phong, hơn hết họ về đây tìm đến bến đỗ cuối cùng cho cuộc đời. Có một điều đặc biệt, bên cạnh những người bệnh không thân nhân thì không ít những đứa con của bệnh nhân phong, theo cha mẹ vào đây sinh sống và gắn bó luôn với nơi này.

Ngô Đồng

Bình luận (0)

Lên đầu trang