Chị Hồng ve chai: "Dù có tiền, tôi vẫn làm nghề cũ"

Thứ Ba, 26/05/2015 03:12  | Minh Tiến – Hoàng Sơn

|

(CAO) Trong nhiều ngày qua, đã có không ít người đến nhà chị với ý định hỏi mượn – xin tiền, thậm chí có người còn cầm theo cả sổ đỏ đến để xin thế chấp vay một số tiền lớn.

Trao đổi với báo Công An TP.HCM, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cho biết chị rất mừng khi nghe nhận thông tin mình sẽ được nhận lại số tiền 5 triệu yên đã nộp cho công an Q.Tân Bình hơn một năm trước đó.

Mặc dù vẫn giữ nếp sinh hoạt, làm việc hằng ngày, nhưng chị Hồng cũng thừa nhận cuộc sống ít nhiều bị đảo lộn.

Chị Hồng vẫn tiếp tục đi mua ve chai dù sắp thành tỷ phú. Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều người tới hỏi vay, xin tiền

Trong nhiều ngày qua, đã có không ít người đến nhà chị với ý định hỏi mượn – xin tiền, thậm chí có người còn cầm theo cả sổ đỏ đến để xin thế chấp vay một số tiền lớn.

Theo đó, vào chiều 21-5, đã có một phụ nữ đứng tuổi, chạy xe máy hiệu Atila đến và dừng xe ngay trước cửa nhà chị Hồng. Sau một hồi trò chuyện, cô này lôi ra nhiều giấy tờ và bắt đầu kể lể chuyện bị lừa gạt tiền làm ăn, trở nên túng thiếu…

“Người đó đưa cho tôi một loạt giấy tờ, nói rằng muốn thế chấp để vay 200 triệu đồng để có vốn làm ăn. Sau khi bị từ chối, bà ấy vẫn tiếp tục nài nỉ, xin giảm xuống còn 100 triệu đồng và hứa sẽ trả trong vòng 3 tháng. Chỉ đến khi chồng tôi về và từ chối thẳng thừng mới chịu ra về”, chị Hồng kể lại câu chuyện.

Mặc dù vẫn giữ nếp sinh hoạt, làm việc hằng ngày, nhưng chị Hồng cũng thừa nhận cuộc sống ít nhiều bị đảo lộn. Ảnh: Hoàng Sơn

Trước đó, vào cuối tháng 4-2015, khi chuyện chị ve chai nhận sắp nhận lại số tiền 5 triệu yên bắt đầu làm xôn xao dư luận. Chị Hồng đã bị một số điện thoại lạ nhắn tin, dụ dỗ trả số tiền trên về cho nước Nhật. Người này đã kì công soạn một bức thư dài 3 trang giấy A4, đồng thời nhờ một người khác chuyển thư đến cho chị Hồng kèm 5 triệu đồng để “giúp đỡ bước đầu”. Qua nhiều lần nhắn tin và gọi điện thoại, người đàn ông trên tự xưng tên là L., giám đốc của một Công ty có trụ sở ở Hà Nội.

Nội dung bức thư gửi chị Hồng có đoạn: “Nếu đúng bản chất là không tham, của chúng ta không làm ra và khi biết của cải đó là của ai đó thì khi ta nhặt được, chúng ta nhất định trả lại cho người mất thật thì sẽ tìm cho tới cùng. Và không chỉ là người mất ở Việt Nam, vì thực sự món tiền đó không phải là vô chủ như vàng dưới đất hay đá trời rơi xuống và không của ai. Vì thế nếu không ai trong nước mất thì ta tìm rộng ra, thời gian dài ra và nơi cuối cùng có liên quan rõ ràng đó là quốc gia Nhật, họ sẵn sàng nhận lại theo quy tắc tiền giấy là do nhà nước của họ phát hành và quản lý, không loại trừ đó là của ai đó người Nhật đã để quên hoặc thậm chí đã chết trong vụ sóng thần, vậy còn gia đình họ sẽ xứng đáng được nhận”

Ngoài ra, trên đường đi làm hằng ngày, chị Hồng cũng gặp rất nhiều người ngỏ ý xin tiền. Thậm chí, có một nhóm phụ nữ làm nghề ve chai đã đạp xe tới tận nhà chị chỉ vì nghe ai đó đồn rằng người nghèo khó sẽ được cho 1 triệu đồng. “Biết là họ cũng khổ, nhưng mà tôi đã nhận tiền đâu mà cho ai?”, chị Hồng nói.

Dù có nhận tiền thì mình vẫn ở đây và làm nghề ve chai, chị Hồng cho biết. Ảnh: Hoàng Sơn

Bằng giọng nói chân chất của người Quảng Ngãi, chị Hồng thành thật bày tỏ: “Dù có nhận tiền thì mình vẫn ở đây và làm nghề ve chai thôi. Không biết người ở đâu tới thì sao, chứ bà con trong khu vực này đều hiền lành lắm. Con hẻm, ngôi nhà này tôi đã ở 16 năm rồi, có gì đâu mà sợ đến mức phải chuyển nhà”.

Theo luật sư Hà Hải, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng: “Hiện tại chị Hồng vẫn chưa nhận được tiền, nên tôi chỉ khuyên chị ấy nên có cách tự bảo vệ bản thân, đồng thời không ký vào bất kì giấy tờ gì của người khác đưa cho”.

“Sẽ không giữ tiền trong nhà”

Tham khảo ý kiến của bạn đọc, nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại về an toàn của chị Hồng cùng gia đình sau khi nhận được tiền.

Chị Nguyễn Hương Thi (25 tuổi, Công ty ECO Pharma J.S.C) cho biết: “Nếu phía Công An đã có quyết định trả tiền cho chị Hồng thì mình nghĩ nên hỗ trợ chị ấy cho đến phút cuối cùng, như giúp đỡ chị lập tài khoản ngân hàng, thẻ tiết kiệm... Cách trả tiền qua tài khoản cũng nên được cân nhắc để tránh những kẻ có ý đồ xấu dòm ngó”.

Chị Hồng khẳng định không có gì phải sợ đến mức phải chuyển nhà. Ảnh: Hoàng Sơn

“Thậm chí, nếu trả tiền mặt thì nên có người hộ tống chị Hồng về nhà hoặc trên đường ra ngân hàng gửi tiền cho “chắc ăn”. Cướp giật hiện giờ rất táo tợn mà câu chuyện về chị Hồng thì hầu như ai cũng biết”, bạn đọc tên Diễm (Q.8) bày tỏ quan điểm.

Vẫn giữ vẻ lạc quan, chị Hồng cho biết đã nhờ luật sư giúp đỡ trong việc lập tài khoản ngân hàng. “Sau khi nhận được tiền, tôi sẽ chỉ giữ một ít dành để mua gạo, muối làm từ thiện trước khi về quê nghỉ ngơi vài ngày, đồng thời cho con đi học hè. Chắc chắn sẽ không giữ số tiền đó trong nhà”.

Ngoài việc làm từ thiện, mong mỏi lớn nhất của chị Hồng là sửa nhà cho ông bà nội ngoại của hai đứa nhỏ. Ảnh: Hoàng Sơn

“Số tiền trên thật sự rất lớn đối với người lao động nghèo như chúng tôi, cho nên tôi phải cân nhắc rất nhiều trước khi sử dụng. Trước mắt, ngoài việc làm từ thiện, mong mỏi lớn nhất của tôi là sửa nhà cho ông bà nội ngoại của hai đứa nhỏ. Ngoài ra, xa con đã lâu, nay có chút điều kiện, tôi muốn cho 2 con có thể nhập học ở một trường nào đó tại Sài Gòn để gần gũi cả ba lẫn mẹ.

Ngoài ước muốn đó ra, tôi thực sự chưa nghĩ ra sẽ dùng số tiền trên vào việc gì. Nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục làm nghề mua ve chai, cái nghề đã nuôi sống cả gia đình tôi từ hơn chục năm nay”, chị Hồng chia sẻ.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang