Khi học sinh nhởn nhơ trước nạn bạo lực học đường

Thứ Hai, 25/05/2015 08:09  | Tây Phương (tổng hợp)

|

(CAO) Hàng loạt clip học trò đánh nhau tung lên mạng trong thời gian qua giúp  vỡ lẽ phần nào thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay.

Tuy đây không phải là hiện tượng mới, nhưng có chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh trong một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông hiện nay. Nó đòi hỏi cả xã hội phải nhìn nhận và có hành động cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Đánh nhau, quay clip tung lên mạng

Ngày 22-5, clip nữ sinh bị đánh hội đồng dã man đang gây xôn xao trên các diễn đàn. Theo những người chứng kiến và quay clip thì vụ đánh nhau này là các em học sinh cấp 2 trường THCS Uy Nỗ - Đông Anh - Hà Nội. Nhóm nữ sinh gồm 5-6 em đã lao vào túm tóc, dùng chân, tay đấm, đá liên tiếp vào người một nữ sinh khác. 

Bên cạnh đó, rất nhiều nam sinh cũng như nữ sinh khác cũng có mặt theo dõi vụ việc. Một số học sinh đã can ngăn nữ sinh đánh bạn nhưng một số khác thì cười cợt nữ sinh bị đánh.

Xem clip:

Sau khi em học sinh này bị đánh ở trường, còn  bị các bạn tiếp tục "phục kích", tra khảo trên đường đi học về. Trong quá trình đánh, một nữ sinh còn xông vào đạp thẳng vào người nữ sinh kia.

Nữ sinh tiếp tục bị bạn đánh trên đường về. Ảnh cắt từ clip

Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người tỏ thái độ bức xúc trước tình trạng bạo lực học đường hiện nay, đặc biệt đối với các nữ sinh.

Sau khi vụ việc được đăng tải, trường THCS Uy Nỗ - Đông Anh - Hà Nội đã xác nhận, các nữ sinh trong đoạn clip trên là học sinh của nhà trường.

Ngay sau khi nhận được ý kiến của phụ huynh em nữ sinh bị đánh, nhà trường đã tiến hành mời tất cả các nữ sinh tham gia vào vụ việc lên làm bản tường trình. Sau đó, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đối với các em có liên quan.

Trước đó, ngày 9-3, trên mạng xã hội cũng  đã lan truyền clip ghi lại một nhóm học sinh mặc áo đồng phục, đeo khăn quàng đỏ dùng ghế nhựa ném và phang liên tiếp vào đầu một nữ sinh khác trong lớp học.

Theo clip, nữ sinh này chỉ biết chịu trận và khóc lóc, van xin. Tuy nhiên, chẳng những không buông tha mà 3 nữ sinh đã cùng dùng ghế nhựa đập vào đầu nữ sinh tội nghiệp. Các bạn nam trong lớp không ai đứng ra can ngăn mà cuối cùng một nam sinh còn ôm nguyên chồng ghế ném vào người bạn nữ.

Xem clip:

Clip lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người phẫn nộ trước hành động đánh hội đồng dã man của nhóm nữ sinh.

Nạn nhân trong clip bị đánh hội đồng gây xôn xao được xác định  là em Nguyễn Thị Hồng P. (học sinh lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Trà Vinh). Em P. bị bạn học đánh hội đồng và quay clip từ tháng 1-2015 nhưng đến ngày 9-3 vừa qua gia đình mới biết sự việc và sáng 12-3, gia đình đã dẫn em P. lên bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để kiểm tra sức khỏe.

Sau sự việc này, gia đình cũng xin chuyển trường để P. có thể an tâm học hành.

Lỗi tại người lớn

Tuy những sự việc trên đây không phải là hiện tượng mới, nhưng có chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh trong một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông hiện nay.

Đáng buồn hơn là quanh các vụ đánh nhau, hỗn chiến tuổi học đường, không thiếu những cô cậu học trò trong "tà áo trắng tinh khôi" đứng xung quanh hét hò, cổ vũ. Nhiều học trò còn tranh thủ làm duyên, tạo dáng khi những chiếc điện thoại chĩa vào để chụp, quay lại hiện trường.

Vậy đâu là nguyên nhân cho sự suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng trong giới học sinh phổ thông hiện nay?

Lý giải cho tình trạng này, phần lớn dư luận hiện nay đổ lỗi cho “tam giác giáo dục”: Nhà trường- Gia đình- Xã hội.

Theo một chuyên gia về giáo dục, nuôi dạy trẻ giống như chăm sóc cây non. Cây non muốn phát triển lành mạnh cần 3 yếu tố chính: Đất đai màu mỡ, ánh sáng và không khí. Con người cũng vậy. Để bồi dưỡng lối sống, nhân cách trẻ cần sự phối hợp hành động của gia đình, nhà trường và xã hội.

Hiển nhiên gia đình chính là nơi các em lớn lên, tình yêu thương của bố mẹ đối với con cái chính là yếu tố quyết định quá trình hình thành tâm hồn và nhân cách của trẻ. Mảnh đất có tốt thì cây mới vươn cao.

Các ông bố, bà mẹ ngày nay phần nhiều lo bận bịu công việc mà vô tình quên mất việc quan tâm đến tâm lý của trẻ.

Còn phía nhà trường, thầy cô là thứ ánh sáng dẫn đường cho con bước tiếp. Để làm được điều này, mỗi thầy cô phải là người rất xuất sắc trong chuyên môn của mình, am hiểu tâm sinh lý học trò thì mới vạch đường, chỉ lối phù hợp cho trò thành công.

Thế nhưng, nhà trường cũng lại bận bịu với nhiều vấn đề được xem là cần kíp như thành tích học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh đỗ vào trường này trường nọ, kết quả thi đua..

Ngoài gia đình, nhà trường, thì xã hội là bầu khí quyển để trẻ hít thở, “tắm” mát mỗi ngày. Gia đình tốt, trường học hay mà môi trường, cộng đồng xung quanh trẻ bị “ô nhiễm” thì cái cây non cũng khó lòng vươn cao, vươn xa và vững vàng được.

Chung quy lại, những đứa trẻ cũng chỉ là nạn nhân của môi trường mà các em lớn lên. Chính sự ích kỷ, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương của người lớn đối với trẻ chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc của trẻ.

Mong rằng người lớn sớm nhận thức được sai lầm và sửa chữa chính mình chứ đừng chia phần “nguyên nhân” cho nhau. Hãy thật sự làm hết vai trò của mình.

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM: "Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình". (Ngô Đồng - ghi).

 

Bình luận (3)

Lỗi người lớn??!! Căn nguyên là do nền giáo dục nhà trường, thầy cô thiếu sự chú ý đến học trò. Giả sử có em nào bị hiếp đáp như trên, mách với thầy cô và xử phạt ngay từ đầu thành hình thức phổ thông thì chắc sẽ không còn xảy ra tệ hại như vậy.

Châu - Thứ Năm, 28/05/2015, 08:51 Trả lời | Thích

Do ăn uống nhiều hóa chất, con người dễ bị kích động, dẫn đến "quánh" nhau thôi.

Buoinamroi - Thứ Hai, 25/05/2015, 12:18 Trả lời | Thích

Giờ vấn đề bạo lực thành vấn nạn thật sự rồi nhưng chưa thấy biện pháp giải quyết

Anh Ba - Thứ Hai, 25/05/2015, 10:10 Trả lời | Thích
Lên đầu trang